Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp nhỏ và vừa “thèm” được hỗ trợ để khởi nghiệp
Thanh Tùng - 27/01/2017 09:35
 
Không chỉ thiếu tiền, kỹ năng…, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam còn rất thèm được hỗ trợ về vốn, thuê đất, thuế… để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ hội khởi nghiệp

Không trực tiếp đưa ra khuyến nghị về cách hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), nhưng các chuyên gia kinh tế đến từ một số nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) như Malaysia, Indonesia, Chile, Đài Loan và Hàn Quốc, đã gây ấn tượng tại “Hội thảo APEC về xây dựng, quản lý, đổi mới theo định hướng thị trường cho DNNVV” vừa diễn ra tại Hà Nội bằng các câu chuyện thú vị.

Ba năm về trước, anh Faisal Ariff, quản lý một quỹ đầu tư nhỏ tại Malaysia đã nảy ra ý tưởng đơn giản hóa các thủ tục xuất, nhập cảnh tại quốc gia này. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, ý tưởng này đã trở thành hiện thực, thậm chí còn giúp Ariff giành giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo toàn cầu năm 2014. Phần mềm Passport 2.0 của Ariff giúp giảm thiểu đáng kể thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh tại các sân bay và tự động cập nhật các thông tin của hành khách, kết nối với hệ thống thông tin của các cơ quan chức năng.

“Có rất nhiều câu chuyện thành công như Ariff ở Malaysia. Tôi không chắc Việt Nam có tạo cơ hội cho các cá nhân như Ariff không, nhưng nếu các bạn làm được, thì làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng”, ông Datuk Mark Rozario, Giám đốc điều hành của Agensi Inovasi Malaysia (AIM) nói.

Trong khi đó, ông Bargus Rachman, Vụ trưởng Vụ Dịch vụ, Marketing, Hợp tác xã và DNNVV (Bộ Hợp tác xã và DNNVV của Indonesia) cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp này, Indonesia đã xây dựng các công viên công nghệ. Đặc biệt, Indonesia đã xây dựng một cơ chế hỗ trợ riêng với sự tham gia của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, học giả, các hợp tác xã và các định chế tài chính.

“Chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp và các trường đại học để xây dựng các chương trình về công nghệ cao, du lịch. Qua đó, sinh viên chủ động được việc làm của mình sau khi tốt nghiệp. Kết quả là, hiện nay, khoảng 50% DNNVV của Indonesia áp dụng giao dịch trực tuyến và trên các mạng xã hội, vì ở Indonesia có 82 triệu người sử dụng Istagram và Facebook”, ông Rachman nói.

Cần được hỗ trợ về vốn, thuê đất và thuế

Tại Việt Nam, Quốc hội đang xem xét Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, dự kiến các doanh nghiệp này có thể được hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo, thông tin, tư vấn, mua sắm công, ươm tạo. Tuy nhiên, theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn những doanh nghiệp được tập trung ưu tiên hỗ trợ là những DNNVV có tiềm năng, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế như áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản, doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ du lịch, dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó phát triển vì thiếu tiền, kỹ năng và đặc biệt là cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng.

“Chúng tôi rất cần được hỗ trợ về vốn, thuê đất và thuế. Đối với chúng tôi, các rào cản lớn nhất là thuê đất và thuế, phí quá cao”, ông Nguyễn Phương Hùng, Phó giám đốc Ban Xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần Dược và Vật tư Thú y (Hanvet) nói và nêu ví dụ, trước Hanvet phải trả 80 triệu đồng/năm tiền thuê đất cho một dự án ở Hải Phòng, nhưng mới nhận được yêu cầu trả 900 triệu đồng cho năm 2017 và 1,2 tỷ đồng cho năm 2018.

Hanvet cũng mong được Nhà nước hỗ trợ xuất khẩu, kết nối thông tin thị trường cho các mặt hàng dược phẩm. Kim ngạch xuất khẩu của Hanvet năm 2016 là hơn 3 triệu USD, tăng 30% so với năm 2015. “Chúng tôi thèm được hỗ trợ như trường hợp của anh Ariff ở Malaysia, để có thể đạt được kỳ vọng xuất khẩu tăng 30% trong năm nay”, ông Hùng nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Trương Văn Tâm, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật và Thương mại cho biết, ông “rất kỳ vọng vào Luật Hỗ trợ DNNVV sắp tới của Việt Nam”, vì hiện nay, nhiều DNNVV tại TP.HCM như doanh nghiệp của ông đang “tự bơi”. “Chúng tôi nghe nói Chính phủ có nhiều chính sách, nhưng thực sự, chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất hơn 10%/năm. Nhưng khổ sở nhất vẫn là chuyện thuê mặt bằng sản xuất, vì giá thuê quá cao”, ông Tâm nói.

Theo ông Nguyễn Phan Quốc, chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Hà Nội, mỗi nước có cách hỗ trợ DNNVV khác nhau. Hiện nay, ở Việt Nam, các doanh nghiệp này rất khó phát triển vì thiếu tiền, kỹ năng và đặc biệt là cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng. Không chỉ câu chuyện của anh Ariff, mà các kinh nghiệm hỗ trợ DNNVV của các nền kinh tế APEC là rất đáng học hỏi.

“Chính phủ cần tạo ra các cơ chế cởi mở hơn cho các doanh nghiệp này, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để cạnh tranh với chính các nền kinh tế này trong khu vực”, ông Quốc nhấn mạnh.

Bùng nổ mô hình hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trên cả nước đang đồng loạt triển khai các mô hình hỗ trợ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư