Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dòng tín dụng tươi là “ống thở” cấp cứu cho doanh nghiệp
Hà Tâm - 21/03/2023 08:19
 
Doanh nghiệp bất động sản đã được “bật đèn xanh” để cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp, kéo dài thời gian trả nợ. Song, muốn gỡ nghẽn thanh khoản, vẫn cần dòng tiền tươi bơm vào thị trường, đó là tín dụng.
Tiếp cận tín dụng, cơ cấu nợ, giãn nợ ngân hàng là điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay. Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng phải “song kiếm hợp bích” với gỡ nghẽn thị trường trái phiếu

Tín dụng tăng chậm, trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, thị trường chứng khoán tiếp tục khó khăn khiến dòng vốn của doanh nghiệp vẫn tắc nghẽn trong suốt 3 tháng đầu năm nay. Tính trong 2 tháng đầu năm, đã có tới 67 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Trước tình trạng này, nhiều động thái gỡ nghẽn dòng vốn cho thị trường vừa được Chính phủ đưa ra. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trước đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08) được ban hành, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để cơ cấu nợ trái phiếu. Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã giảm thêm 0,5 - 1% một loạt lãi suất điều hành, tạo tiền đề cho các ngân hàng giảm lãi vay.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, có 3 biện pháp cấp bách để gỡ nghẽn dòng vốn. Thứ nhất - giải pháp ngắn hạn và quan trọng nhất thời điểm trước mắt là NHNN phải tăng cung tiền. Thứ hai, là triển khai có hiệu quả Nghị định 08 để gỡ khó cho thị trường trái phiếu. Thứ ba, là tập trung tăng cung phân khúc nhà ở giá rẻ, kéo giá bất động sản đi xuống để kích thích sức cầu.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho hay, gỡ nghẽn trái phiếu hoặc tăng triển khai các dự án nhà ở xã hội phải tính bằng năm, trong khi nguồn “ô-xy” trước mắt của doanh nghiệp đang cạn. Vì vậy, việc tiếp cận tín dụng hoặc cơ cấu nợ, giãn nợ ngân hàng là điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng tính đến 9/3/2022 tăng hơn 1,1%. Ông Trịnh Quốc Hùng, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) lý giải, tín dụng quý I tăng chậm do trùng vào dịp Tết, nhu cầu vốn thấp; đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, “sức khỏe” doanh nghiệp “hậu Covid-19” suy yếu, không đáp ứng được yêu cầu vay vốn của ngân hàng, giải ngân đầu tư công chậm, nhiều dự án bất động sản vướng pháp lý…

“NHNN đã có động thái giảm lãi suất, yêu cầu các chi nhánh thiết lập đường dây nóng để tiếp cận, hỗ trợ khách hàng vay vốn; đồng thời tích cực chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí…”, ông Hùng cho biết.

Năm 2022, cung tiền tăng trưởng rất chậm. Bước sang năm 2023, dù room tín dụng rất rộng mở, song lãi suất quá cao, khiến doanh nghiệp không dám vay vốn.

Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng, việc giảm lãi suất vừa qua của NHNN là hết sức cần thiết trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không quá lớn. Cùng với đó, rất cần khẩn trương khai thông dòng vốn, tăng tốc tín dụng, nếu không, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay khó có thể đạt được.

Gỡ nghẽn vốn cần thiện chí từ nhiều phía

Cùng với việc tăng tốc tín dụng, vấn đề mấu chốt để gỡ nghẽn thanh khoản cho doanh nghiệp vẫn là đưa thị trường bất động sản và trái phiếu ấm nóng trở lại.

Chính phủ đã rất kịp thời  ban hành nghị quyết, nghị định gỡ khó cho doanh nghiệp. Song việc gỡ nghẽn thanh khoản thị trường cần sự thiện chí của cả trái chủ lẫn ngân hàng.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ví von, tình cảnh hiện nay giống như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không chỉ khư khư giữ lại quyền lợi của mình.

Nghị định 08 mở đường cho doanh nghiệp đàm phán với trái chủ. Nhưng, để có thể gỡ khó, cả ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, trái chủ phải có thiện chí, cân nhắc giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải minh bạch, chấp nhận mức chiết khấu hợp lý để cơ cấu nợ. Các ngân hàng thương mại cần vào cuộc tích cực trong giãn nợ, không chuyển nhóm nợ nhằm giải quyết vấn đề về thanh khoản…

Ngoài ra, Bộ Tài chính, NHNN cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sự phản ứng rất nhanh của Mỹ trong xử lý vấn đề thanh khoản là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Với doanh nghiệp, Nghị định 08 đóng vai trò tích cực trong việc giảm gánh nặng đáo hạn lượng trái phiếu khổng lồ năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, việc phát hành mới hiện vẫn rất khó khăn.

Vì vậy, cùng với việc tạo cơ chế cho doanh nghiệp giãn nợ trái phiếu, nhiều chuyên gia đề xuất cân nhắc việc thành lập quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu, có cơ chế thu hút nhà đầu tư tổ chức tham gia đầu tư trái phiếu, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm…

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, “chìa khóa” để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư phải đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ sự chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật. Ngoài ra, bản thân nhà đầu tư cũng phải nâng cao hiểu biết (nếu không, thì dù doanh nghiệp minh bạch cũng không có ý nghĩa). Đồng thời, phải có thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phát hành… Làm được như vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP là giải pháp tạm thời tháo gỡ những khó khăn trước mắt cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Để thị trường có thể phát triển lành mạnh, hạn chế rủi ro, cần có thêm các biện pháp dài hạn, vĩ mô.

Một là, quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Hai là, nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.

Ba là, có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung.

Bốn là, hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN.

Năm là, hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường.

Sáu là, cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân, có chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

Bảy là, nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý đối với lĩnh vực này, bởi thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và bất động sản, có thể dẫn tới rủi ro lan truyền hệ thống.
Tìm hướng gỡ khó tín dụng bất động sản, lãi suất có thể giảm thêm
Cuộc gặp gỡ giữa ngân hàng và doanh nghiệp về tín dụng bất động sản, lãi suất huy động có thể giảm thêm tuần tới, lừa đảo cho vay qua...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư