Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng ở tầng điều trị thứ 2
D.Ngân - 14/09/2021 20:57
 
Trong tháp 3 tầng điều trị Covid-19 đang áp dụng tại TP.HCM thì tầng thứ hai có vai trò rất quan trọng nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Thành phố có xu hướng giảm, TP.HCM đang nỗ lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Trong tháp 3 tầng điều trị Covid-19 đang áp dụng tại TP.HCM thì tầng thứ hai có vai trò rất quan trọng nhằm giảm tỉ lệ bệnh nhân tử vong.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, hiện nay, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố đều được huy động tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch. 

Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. 

Đây cũng là lực lượng quan trọng khi Thành phố triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng mở một nhánh trong tổng đài 1022 để huy động chuyên gia y tế tham gia tư vấn sức khỏe cho người dân.

Ngoài ra, lãnh đạo Thành phố cũng khẳng định sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức. 

Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao.

Nói về tình trạng của các F0 trong đợt dịch thứ 4 này theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, dù 80% bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng, hoặc nếu có sẽ ở tình trạng rất nhẹ, tuy nhiên, khi bệnh nhân đã có triệu chứng, các diễn biến rất nhanh. Nhiều trường hợp nhanh tới mức các bác sĩ không kịp trở tay.

Theo đó, rất nhiều bệnh nhân khi mới vào viện vẫn tỉnh táo nhưng tình trạng bệnh diễn biến rất khó lường chỉ được phát hiện trên lâm sàng còn bệnh nhân không có cảm giác khó chịu. 

Tại TP.HCM, trong số 3 tầng điều trị, nhân lực là một bài toán khó tại các tuyến điều trị này, khi mọi nhân lực tinh nhuệ nhất đang được dồn cho tầng 3 chuyên về hồi sức tích cực ca nặng, nguy kịch. 

Rất nhiều y, bác sĩ chi viện cho tầng 3 nhưng không phải là những người có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, trong khi đó tầng 2 thì chưa được quan tâm.

GS.TS.Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, việc các bác sĩ đông y, da liễu, phụ sản, phục hồi chức năng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng thứ 2 là là tình trạng bất đắc dĩ. 

Theo GS. Tuấn, đội ngũ này không có kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng nên không thể tiên lượng được hết tình trạng bệnh nhân Covid-19.

Trong phác đồ điều trị hướng dẫn cho tuyến 2, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai luôn nhấn mạnh đến các yếu tố nguy cơ trong 5-10 ngày đầu nhiễm bệnh. 

Có những người tiến triển nặng trong 1 ngày, thậm chí vài tiếng, trở tay không kịp. Do đó, các bác sĩ cần có sự quyết đoán, tiên lượng sớm hơn để cứu chữa, giảm tỷ lệ tử vong.

Đặc biệt, trong đợt dịch thứ tư, 80% bệnh nhân nặng có bệnh nền đái tháo đường, suy tim, phổi, đặc biệt thừa cân, béo phì, nguy cơ tử vong cao nên cần đặc biệt theo dõi sát sao đối tượng này. 

“Thay vì tập trung nhiều người và trang thiết bị vào điều trị tầng 3, chiến lược điều trị tốt nhất bây giờ là đầu tư, hỗ trợ cho tầng 2”, GS.Tuấn nêu.

Ngoài phải bảo đảm có những trang thiết bị hỗ trợ cho chẩn đoán lâm sàng để phát hiện yếu tố nguy cơ, cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến 2 điều trị.

Theo đó, tại tầng 2, các bệnh nhân khi có triệu chứng nhẹ cần phải được bảo đảm điều trị bằng thuốc kháng virus, sử dụng phương tiện theo dõi thật chặt bệnh nhân.

Tối thiểu tại các cơ sở này là phải có máy chụp X-quang, siêu âm tim phổi, máy đo nồng độ ô-xy… để khi có những diễn biến nặng, phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên mới có cơ hội cấp cứu hồi sức kịp thời. 

Nếu bệnh nhân nặng, khó thở, phổi đã bị tổn thương thì việc chuyển lên tuyến 3 hầu như không can thiệp được gì.

Vậy nên GS.Tuấn đề nghị các bệnh viện ở tầng 2 cần phải đánh giá lại tổng thể để bảo đảm cơ sở vật chất, bổ sung thêm nhân lực, đào tạo chuyên sâu, bổ sung thuốc men. 

“Những bệnh viện dã chiến tầng 2 không bảo đảm, đặc biệt bảo đảm phòng chống lây nhiễm chéo cần phải tính toán lại”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu.

Theo Bộ Y tế, hiện trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 273 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.936 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.933 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ: 3.693; thở ô xy dòng cao HFNC: 1.164; thở máy không xâm lấn: 132; thở máy xâm lấn: 910; ECMO: 34.
Mở rộng thí điểm điều trị F0 tại nhà, tiếp cận thêm nhiều loại thuốc điều trị Covid-19
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thời gian tới sẽ mở rộng thí điểm điều trị F0 tại nhà, tiếp cận rộng rãi nhiều loại thuốc điều trị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư