Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Giao đầu mối chuẩn bị đầu tư Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Anh Minh - 16/04/2023 08:01
 
Ban quản lý dự án 7 được giao lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Một đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 439/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.

Theo đó, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.

Kinh phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm; thời gian thực hiện: Năm 2023 - 2025.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu giai đoạn 1 của dự án, các kết quả nghiên cứu trước đây (nếu có); tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để triển khai thực hiện.

Dự án cao tốc TP.HCM-Trung Lương có chiều dài toàn tuyến 61,9 km, trong đó tuyến chính cao tốc dài 39,8 km, các tuyến đường nối, đường dẫn dài 22,1 km, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2004, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 2/2010.

Cao tốc TPHCM-Trung Lương có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và 2 làn khẩn cấp, cứu hộ, bắt đầu thu phí từ năm 2011 và đến cuối năm 2018 thì chấm dứt thu phí do hết hạn hợp đồng bản quyền thu phí.

Tuyến cao tốc này hiện do Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) quản lý. Sau khi dừng thu phí, từ đầu năm 2019 lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng đột biến.

Theo thống kê, lúc cao điểm có trên 51.000 xe/ngày đêm, dẫn đến mặt đường bị hư hỏng. Tình trạng xe chạy vào làn khẩn cấp do ùn ứ, người dân phá rào vào cao tốc bắt xe… diễn ra thường xuyên.

Trước đó, cuối tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (là các nhà đầu tư đã đề xuất các phương án khả thi và phù hợp với quy định của Luật PPP) về nội dung đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tại cuộc họp này, Bộ trưởng cũng đã khẳng định việc sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng đường cao tốc từ TP.HCM đi Trung Lương và Mỹ Thuận là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ GTVT đồng ý tiến hành nghiên cứu phương án triển khai thực hiện tuyến cao tốc tách thành 2 dự án độc lập trên cơ sở 2 đoạn tuyến đã được đầu tư giai đoạn 1. Đồng thời thống nhất giao UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 Dự án Trung lương - Mỹ Thuận, UBND tỉnh Long An hoặc UBND TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện giai đoạn 2 Dự án TP.HCM - Trung Lương.

Về phía các địa phương gồm UBND TPHCM, UBND tỉnh Long An, UBND tỉnh Tiền Giang đều có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương và đề xuất đầu tư giai đoạn 2 Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Căn cứ vào đề nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu, xử lý đề xuất của các địa phương TP.HCM, Long An, Tiền Giang về việc đầu tư giai đoạn 2, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xây dựng ít nhất 3 phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận
Bộ GTVT thống nhất sớm mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhưng đề nghị nghiên cứu xây dựng ít nhất 3 phương án đầu tư,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư