Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gỡ quy định về nhập khẩu ô tô, xe máy
Hoàng Nam - 15/01/2015 12:58
 
Các doanh nghiệp ô tô và xe máy tại Việt Nam có thể thở phào vì không phải lo thêm thủ tục hành chính để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 15/2014/TT-BTTTT về Danh mục Hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mua ôtô ở Việt Nam phải chịu những khoản thuế, phí nào?
Người Việt vung 1,57 tỷ USD nhập ôtô nguyên chiếc
Hơn 3 năm chưa gỡ xong vướng mắc nhập xe chính hãng
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng vọt dù bị "hạn chế"
VAMA lo về thủ tục nhập khẩu ô tô

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - đơn vị xây dựng Danh mục Hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Thông tư 15 được ban hành với mục đích xác định lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ, khoanh vùng các mặt hàng cần quản lý. Trên thực tế, có những sản phẩm như thiết bị định vị vệ tinh dù thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhưng còn được dùng trong cả ngành giao thông.

Dù thuộc lĩnh vực quản lý của ngành thông tin và truyền thông, nhưng nhiều thiết bị còn được dùng trong cả ngành giao thông
Dù thuộc lĩnh vực quản lý của ngành thông tin và truyền thông, nhưng nhiều thiết bị còn được dùng trong cả ngành giao thông

Trước đó, liên quan đến Thông tư 15, trong tháng 12/2014, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan bày tỏ những quan ngại của mình về việc danh mục hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông kèm Thông tư 15 liên quan rất nhiều tới các doanh nghiệp ô tô và xe máy.

Được biết, Thông tư 15 với hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đưa ra Danh mục Hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Danh mục này được lập dựa trên cơ sở Danh mục hàng hóa và mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Thông tư 15 cũng quy định các trường hợp chỉ liệt kê mã 4 số đầu (nhóm hàng hóa) thì đều thuộc Danh mục Hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông; các trường hợp chỉ liệt kê mã 6 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc phân nhóm 6 số này đều thuộc Danh mục; các trường hợp liệt kê chi tiết đến mã 8 số thì chỉ những mã 8 số đó mới thuộc Danh mục.

“Vấn đề là Thông tư 15 chỉ nhắc tới hàng hóa theo 8 mã HS, nên tất cả các mặt hàng trong các mã HS này dù không phục vụ các doanh nghiệp ngành thông tin, truyền thông vẫn bị liên đới”, đại diện một doanh nghiệp xe máy nhận xét và cho hay, nếu không có hướng dẫn rõ ràng, hải quan có thể không cho thông quan những sản phẩm nhập khẩu thuộc danh mục quản lý của Thông tư 15 nếu không có xác nhận của cơ quan liên quan. Như vậy, doanh nghiệp không thể hoàn chỉnh được chiếc xe máy, dù giá trị những sản phẩm này không nhiều trong giá thành chiếc xe.

Trong kiến nghị của các doanh nghiệp xe máy, ông Minoru Kato, Chủ tịch VAMM cho hay, có 19 mã hàng hóa tại Thông tư này liên quan trực tiếp tới ngành sản xuất, lắp ráp xe máy. Việc đưa 19 mã hàng hóa của ngành sản xuất, lắp ráp xe máy mà từ trước tới nay vẫn nhập khẩu bình thường và hầu như không liên quan trực tiếp tới lĩnh vực thông tin - truyền thông vào Danh mục Hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu của các doanh nghiệp xe máy tại Việt Nam, do phải đáp ứng các yêu cầu về quản lý chuyên biệt.

Một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực xe máy cho hay, Bộ Thông tin và Truyền thông là nơi ban hành danh mục trên, nhưng hải quan mới là cơ quan làm thủ tục nhập khẩu. Nếu hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải có xác nhận về danh mục này thì mới cho thông quan hàng hóa thì rất khó cho doanh nghiệp.

VAMM kiến nghị xem xét, loại trừ các hàng hóa có liên quan đến chuyên ngành sản xuất, lắp ráp xe máy khỏi Danh mục hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành kèm Thông tư 15 nói trên.

VAMA cũng cho rằng, danh sách hàng hóa này không hợp lý với ô tô và đề nghị không áp dụng Thông tư 15 với các hàng hóa lắp ráp trên ô tô theo danh mục được VAMA đưa ra. 

Trước kiến nghị của VAMA và VAMM, ngày 7/1, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 20/BTTTT-CNTT giải tỏa lo lắng của các doanh nghiệp ô tô và xe máy. Cụ thể, văn bản này khẳng định, Thông tư 15 chỉ ban hành danh mục các hàng hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành thông tin và truyền thông, mà không có quy định nào về thủ tục, điều kiện và hình thức quản lý nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nói riêng với các hàng hóa thuộc Danh mục. Vì vậy, đề xuất loại trừ một số sản phẩm khỏi Thông tư số 15 của VAMA và VAMM là không cần thiết.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm lĩnh vực thông tin và truyền thông khẳng định rằng, Thông tư 15 không phải là căn cứ khi thực hiện các thủ tục xuất, nhập khẩu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư