Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hà Nội: Ưu tiên nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19
Hạnh Nguyên - 06/05/2021 09:56
 
UBND TP. Hà Nội đề nghị toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu…

Ngày 5/5, Chủ tịch UBND TP.. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra

Theo UBND TP. Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, sau 73 ngày không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng, trong những ngày gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận các ca nhiễm có biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ, Anh, Nam Phi với tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 người dân từ vùng có dịch trở lại Thành phố để làm việc và học tập, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng rất cao. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và Thành ủy về công tác phòng, chống dịch; để chủ động ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Theo đó, toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp của Thành phố phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp vào cuộc, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan ra diện rộng trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm: Thủ trưởng các Sở, ngành, người đứng đầu các cấp ở địa phương chỉ đạo chủ động phối hợp, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát để không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý phù hợp với tình hình dịch bệnh và yêu cầu thực tế; không để bị động trong các kịch bản bùng phát dịch có thể xảy ra; bảo đảm chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, dễ thực hiện, dễ giám sát, dễ kiểm tra và rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”

Theo UBND TP. Hà Nội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố. Tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, truy vết, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhanh hơn, hiệu quả hơn, quan tâm tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, tuyên truyền lưu động (như xe tuyên truyền của Công an, của các lực lượng...); phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng... nhằm nâng cao nhận thức và huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời.

Cùng đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng chống dịch cho các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất người tử vong. Thần tốc truy vết đến cùng, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tuyệt đối các trường hợp F1, quản lý nghiêm ngặt các trường hợp F2 theo quy định.

Tổ chức khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, đảm bảo đúng quy mô, mức độ, số lượng đối tượng hẹp nhưng chặt chẽ. Đối với các khu vực đã phong tỏa cần kiểm soát chặt chẽ không cho người dân ra, vào theo đúng tinh thần “nội bất xuất - ngoại bất nhập”. Bên trong khu cách ly: các hộ gia đình phải cách ly giữa nhà với nhà, người dân không được giao lưu.

Tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao trong đó lưu ý các khu vực có nhiều chuyên gia, khu công nghiệp…, và các đối tượng có nguy cơ (người từ vùng dịch về, người có các biểu hiện ho, sốt, khó thở…) để đánh giá nguy cơ dịch bệnh và đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.



Chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng

UBND TP. Hà Nội đề nghị, tất cả các đơn vị từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn phải rà soát lại các phương án phòng chống dịch; nâng công suất, năng lực về truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị…chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống dịch bệnh lan rộng. Chuẩn bị đủ cơ sở cách ly, nâng công suất cách ly đảm bảo đủ chỗ cách ly trong tình huống dịch bệnh lan rộng. Siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung, đặc biệt là các khu cách ly tại khách sạn, tuyệt đối không để lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây từ khu cách ly ra cộng đồng.

Các lối ra - vào thôn Lỗ Giao (huyện Đông Anh) đều được lập chốt kiểm soát, lực lượng chức năng thường trực 24/24 đảm bảo theo đúng quy định về cách ly và an toàn dịch bệnh Covid-19

Các đơn vị được giao tổ chức cách ly tập trung cần rà soát lại cơ sở vật chất nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ người được cách ly; các khu cách ly phải có đủ camera để giám sát, các camera phải hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ định. Đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định về việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú theo quy định.

Đối với công tác phòng chống dịch trong các cơ sở dịch vụ, sản xuất kinh doanh, vận chuyển hành khách và tại các khu chung cư cao tầng, các khu trung tâm dịch vụ: Dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Đối với nhà hàng ăn, uống phục vụ trong nhà yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe. Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 8/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.

Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao...

UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, Karaoke, quán Bar, vũ trường, Game, Internet; các rạp, trung tâm chiếu phim; các cơ sở dịch vụ spa, massage, xông hơi, phòng tập gym; các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên cho đến khi có chỉ đạo mới của Ban Chỉ đạo Thành phố. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các đoàn kiểm tra các cấp của Thành phố tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch kết hợp với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại các địa phương.

UBND TP. Hà Nội đề nghị Sở Y tế chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực. Hướng dẫn, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, các Trung tâm y tế phối hợp các Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn Thành phố khẩn trương xét nghiệm nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ; xét nghiệm đối với các trường hợp ho sốt, khó thở khi khám bệnh tại các bệnh viện, các ca nghi ngờ và các trường hợp cần thiết khác để đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.

Chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Có phương án bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nền; một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế. Rà soát, chuẩn bị nguồn lực và xây dựng các phương án để đáp ứng với tình hình dịch. Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Sớm đưa ra xét xử những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép

UBND TP. Hà Nội đề nghị Công an thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an xã phường thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở y tế rà soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp có liên quan đến ca bệnh và những người đi từ các tỉnh thành khác về Hà Nội theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài cư trú trên địa bàn, phát hiện những người nhập cảnh trái phép, đưa vào khu cách ly; xử lý nghiêm những cá nhân không khai báo y tế hoặc khai báo y tế không trung thực và các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc đưa người, chứa chấp người nhập cảnh trái phép. Đặc biệt sớm đưa ra xét xử những vụ án đưa người nhập cảnh trái phép.

Sở Công Thương rà soát các phương án dự phòng hàng hóa theo phương án phòng chống dịch; tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo cung cấp hàng hóa cho Nhân dân các khu cách ly.

Thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội

Theo UBND TP. Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng người có công, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở cai nghiện...

Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí số lượng phương tiện để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải: Sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách 1 ghế và không vượt quá 50% số ghế ngồi được cấp phép, trên xe có nước sát khuẩn tay, hành khách và lái xe đeo khẩu trang.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc phòng, chống dịch trong trường học. Xây dựng phương án dạy học phù hợp để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thành phố Hà Nội. Thực hiện công tác phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Chỉ đạo xã, phường, thị trấn, các lực lượng chức năng đặc biệt là tổ Covid cộng đồng rà soát các trường hợp mắc, những người liên quan và những người đi từ các tỉnh thành khác về Hà Nội theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch. Yêu cầu các hộ gia đình có cam kết thực hiện khai báo y tế...Hà Nội: Tiếp tế thực phẩm cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung sau lệnh cách ly y tế

Chiều tối 5/5, sau khi thực hiện lệnh cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh). TP. Hà Nội đã tiếp tế tạm thời 2.000 quả trứng, 100 thùng mì và 50 thùng sữa đặc cho bệnh viện.

Theo đó, vào 17 giờ 30 phút ngày hôm nay, ngay sau lệnh cách ly y tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung được ban hành, UBND TP. Hà Nội đã tiếp tế lương thực thực phẩm cho 800 y bác sĩ và bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Theo số liệu tổng hợp nhanh của bệnh viện, hiện tại có khoảng 200 bệnh nhân, 300 nhân viên y tế, gần 200 người nhà chăm sóc bệnh nhân đang ở trong bệnh viện. Số lượng lương thực thực phẩm được vận chuyển trên 2 xe tải, gồm 2.000 quả trứng, 100 thùng mì và 50 thùng sữa đặc.

Cũng ngay trong buổi chiều, nhiều người dân mang lương thực đến tiếp tế cho người thân trong bệnh viện. Tại các chốt kiểm soát, nhất là chốt kiểm soát số 3, rất nhiều người dân đến tiếp tế lương thực nên công tác đảm bảo phòng dịch Covid-19 được lực lượng chức năng kiểm tra nghiêm ngặt.

Hà Nội: Tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, tụ tập đông người để phòng, chống Covid-19
Từ 0 giờ ngày 5/5, Hà Nội tạm dừng hoạt động rạp, trung tâm chiếu phim, cơ sở dịch vụ massage, spa, phòng tập gym, sân vận động... hạn chế tối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư