Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hãng tàu ngoại sắp hết thời chèn ép chủ hàng nội
Anh Minh - 21/09/2015 07:52
 
Việc các hãng tàu biển phải công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng sẽ giúp định lại luật chơi theo hướng công bằng hơn cho các chủ hàng xuất nhập khẩu Việt Nam.

Hãng tàu hết lập lờ giá cước

Không có gì khó hiểu khi một số hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là những người đầu tiên bày tỏ thái độ không “vui vẻ” lắm đối với Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chủ trì soạn thảo đang được Văn phòng Chính phủ xin ý kiến của các bộ, ngành.

Cụ thể, vào tuần trước, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng một số Bộ: GTVT, Tài chính, Công thương, Freshfields Bruckhaus Deringer – một công ty luật quốc tế có trụ sở chính tại Anh - đại diện cho 4 hãng tàu biển là MSC, CMA – GM, APL – NOL, đề nghị người đứng đầu Chính phủ “xem xét kỹ” Dự thảo quyết định này.

Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các hãng tàu thu rất nhiều loại phụ phí 	ảnh: đức thanh
Hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các hãng tàu thu rất nhiều loại phụ phí. Ảnh: Đức Thanh

 

Theo Freshfields Bruckhaus Deringer, dự thảo quyết định này nếu được ban hành sẽ ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động thương mại của Việt Nam.

Đại diện công ty luật quốc tế cho rằng, trong bối cảnh hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng container quốc tế hoạt động theo các điều khoản của hợp đồng bảo mật, nên nếu như các hãng vận tải phải công bố cước phí thì có nghĩa các đối thủ cạnh tranh sẽ nắm được chi phí vận tải của các công ty xuất khẩu Việt Nam và khách hàng của họ.

“Các công ty nước ngoài mua hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối việc công bố rộng rãi mức cước phí. Có thể, nhiều công ty sẽ sử dụng các nhà cung cấp ở nước khác vì yêu cầu này”, Freshfields Bruckhaus Deringer phân tích.

Một mối quan ngại khác mà luật sư quốc tế của 4 hãng tàu đưa ra là, Dự thảo quyết định sẽ làm tăng sự can thiệp hành chính và gia tăng gánh nặng đang kể cho Cục Hàng hải Việt Nam khi phải kiểm tra chi phí hoạt động của các hãng tàu biển quốc tế với hàng ngàn giao dịch mỗi ngày.

Đại diện các hãng tàu biển đề nghị các cơ quan chức năng nên gặp các hãng tàu để thảo luận về các mối quan ngại nói trên nhằm tránh được hệ quả tiêu cực có thể gây ra cho các công ty xuất, nhập khẩu Việt Nam.

Được biết, theo Dự thảo quyết định về việc công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ không còn cơ hội lập lờ chi phí, mà thay vào đó họ phải công khai trên website của doanh nghiệp biểu cước vận tải biển đang áp dụng và gửi lên Cổng thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

Các nội dung tối thiểu liên quan đến biểu cước phải công bố là: địa điểm hàng hóa sẽ được vận chuyển; danh mục cước, phụ cước, các chi phí liên quan và các điều kiện, điều khoản liên quan của dịch vụ vận tải biển; chi phí phải trả cho doanh nghiệp trung gian tham gia vào việc vận chuyển đường biển…

Cũng theo dự thảo, trường hợp tăng giá cước và phụ cước vận tải biển, hiệu lực được tính sau 30 ngày kể từ ngày công bố. 

Giảm bất lợi cho các chủ hàng

Trong khi những hệ lụy mà các hãng tàu biển nước ngoài đưa ra cần phải có thời gian để kiểm chứng, thì những lợi ích từ việc công khai, minh bạch cước vận tải biển và biểu giá dịch vụ cảng đối với các chủ hàng trong nước là khá rõ ràng.

Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, hiện có khoảng 40 hãng tàu biển nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đảm nhận khoảng 88% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Riêng hàng hóa đóng container đi châu Âu, châu Mỹ và Bắc Mỹ, các hãng tàu nước ngoài độc chiếm thị trường.

Hiện các chủ hàng Việt Nam lại đang phải  trả cho các hãng tàu nước ngoài các phụ cước không được quy định rõ trong hợp đồng vận chuyển cũng như hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu.

Nói một cách khác, các chủ hàng đang bị chủ tàu áp đặt với nhiều điều kiện bất lợi đặc biệt là thu phụ cước với 5 loại phổ biến sau: phụ cước dịch vụ container THC; phụ cước tắc nghẽn hàng hóa tại cảng; phụ cước mất cân đối container; phụ cước vệ sinh và sửa chữa container. Trong khi đó, các phụ cước này thực chất là các yêu tố cấu thành nên giá cước vận tải, nhưng hiện đang được các hãng tàu tách ra thành cước và phụ thu.

Hiệp hội Da – Giầy Việt Nam cho biết, tiền phụ phí chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của các đơn vị trong Hiệp hội. Như vậy, mỗi năm chi phí trả cho các loại phụ phí cho riêng mặt hàng da – giầy là 110 triệu USD, đối với các loại hàng hóa khác chi phí cũng tương đương. Đặc biệt, giá của các loại phụ phí cũng bị thu tăng theo từng năm, với mức tăng trung bình khoảng 20%năm.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 77.115 tỷ đồng được các đại lý thu hộ các hãng tàu trong 2 năm 2013 – 2014, các loại phụ cước chiếm tới 26.561 tỷ đồng.

“Đây là chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá.

Điều đáng nói là, bên cạnh một số loại phụ phí được thu không hợp lý như: vệ sinh container (thu cả đối với mặt hàng sạch – dệt may, da giầy), sửa chữa container (dù đã được tính vào chi phí khấu hao) hoặc thu cao hơn mức chi trả trên thực tế (phụ cước THC)… các hãng tàu không có sự minh bạch về các thành phần, yếu tố cấu thành nên các loại phụ cước.

Đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam là khá giống với kết quả kiểm tra phụ phí theo cước vận tải biển tại 20 công ty là đại diện, đại lý độc quyền tại Việt Nam của các hãng tàu quốc tế do Bộ Tài chính công bố vào giữa tháng 6/2015.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, tại Việt Nam hiện các loại phụ cước chưa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, việc thu các loại phí này do các hãng tàu nước ngoài đặt ra mà chưa có sự kiểm soát thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết là, tại một số quốc gia (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) đã có hệ thống quản lý nhà nước đối với các khoản phụ cước vận tải biển. Tại Mỹ, các doanh nghiệp phải đăng ký danh mục phụ phí thu đối với nhà nước, trường hợp thu bất hợp lý, không giải trình được sẽ không được áp dụng.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, Dự thảo quyết định này nếu được thông qua sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của của khách hàng sử dụng dịch vụ vận tải biển của doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa. Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến thời điểm này, phần lớn các ý kiến đóng góp của các bộ ngành đều khá đồng thuận đối với sự cần thiết của việc công bố biểu cước vận tải biển, biểu giá dịch vụ cảng.

“Biện pháp này sẽ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thông tin, cơ sở khi đàm phán với đối tác nước ngoài về phí, phụ phí cước”, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá.

Vận tải biển: Tàu lớn chờ bán, tàu nhỏ bị chèn
Do không đầu tư vào đội tàu container nên các doanh nghiệp vận tải Việt Nam đã nhường hẳn thị trường này cho các nhà vận tải nước ngoài. Còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư