Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hơn 300 cán bộ, thanh tra ở TP.HCM bị xử lý do vi phạm trật tự xây dựng
Trọng Tín - 30/07/2019 16:13
 
Đó là thông tin được đại diện Sở Nội vụ TP.HCM nêu tại Hội nghị trực tuyến Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố vừa diễn ra ngày 30/7.

Xây dựng không phép, trái phép tràn lan

Tại Hội nghị, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số giấy phép xây dựng được cấp trên toàn Thành phố gần 126.400 giấy phép. Trong đó, giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chiếm 89%, chứng tỏ nhu cầu nhà ở của người dân rất cao.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra tại hội nghị, trong đó không cung cấp điện nước cho các công trình vi phạm được nhiều đại biểu đánh giá cao.
Một trong những giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự xây dựng được các đại biểu tán thành là không cung cấp điện nước cho các công trình vi phạm

Cũng trong thời gian này, địa bàn Thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm, gồm hơn 3.320 trường hợp sai phép (chiếm gần 49%), xây dựng mà không xin phép trên đất đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng và hơn 2.570 xây dựng không phép trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố cho rằng, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch chưa có kế hoạch để xác định thời gian, lộ trình thực hiện và công bố công khai cho dân cư.

Đặc biệt, các khu chức năng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công viên cây xanh, công trình công cộng thường kéo dài thời gian thực hiện, thiếu khả thi do chưa có nguồn lực thực hiện.

“Thế nhưng, chính sách về nhà, đất như cấp giấy phép xây dựng, cấp Giấy chứng nhận cũng như các giao dịch, tách thửa… ở nơi quy hoạch chưa công bằng, còn chênh lệch lớn giữa người dân trong và ngoài khu vực quy hoạch. Điều này gây ra bức xúc cho người dân trong khu vực quy hoạch, do ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày cũng như quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ”, ông Hưng nói.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng được Sở Xây dựng và đại diện UBND các quận, huyện viện dẫn. Chẳng hạn, do đặc thù của địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình tăng dân số cơ học cao tại Thành phố dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao làm phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trái phép, xây dựng trên đất nông nghiệp.

Bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho rằng, tình trạng vi phạm trật tự ngày càng có sự biến tướng, ví dụ như giấy phép xây dựng xin làm nhà ở riêng lẻ nhưng khi xây dựng thì biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.

“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền nêu và giải thích, UBND các xã cho rằng việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như giấy phép xây dựng hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.

Trong khi đó, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng phân tích về sự hạn chế trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, trong điều kiện đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Theo đó, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 30.000 người dân nhưng hàng loạt dự án nhà ở, khu sinh thái, khu công nghiệp như: 410 ha dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc; 1.000 ha thuộc khu đô thị Nam thành phố và hơn 870 ha đất ở các dự án khác đã không còn hiệu lực hoặc chưa triển khai.

Dù vậy, ông Trần Phú Lữ cũng nhìn nhận về hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, nhất là ở cấp cơ sở. Cụ thể, qua thanh tra tại xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Bình Lợi và Hưng Long, huyện xử lý 48 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra vi phạm trong việc chậm cưỡng chế công trình vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm, lập hồ sơ xử lý người sử dụng đất…

“Huyện cũng củng cố hồ sơ chuyển cơ quan điều tra đối với 5 trường hợp tái vi phạm”, ông Lữ nói.

Về nguyên nhân chung, lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố cũng cho rằng, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, chưa phát hiện ngăn chặn hành vi xây dựng trái phép.

“Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần do quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương. Công chức được phân công quản lý địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế”, lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Chưa kể, một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để. Hệ quả là nhiều công trình vi phạm xây dựng không và chưa được phát hiện xử lý kịp thời, gây khó khăn trong cưỡng chế  công trình vi phạm.

Đặc biệt, không loại trừ yếu tố tiêu cực liên quan đến công chức, nhân viên thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

Hơn 300 cán bộ, công chức bị xử lý

Liên quan đến vấn đề xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm và phòng, chống trong lĩnh vực trật tự xây dựng, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, của các cán bộ quản lý trật tự xây dựng thì dư luận vẫn cho rằng, hành vi tham nhũng của các cán bộ quản lý về trật tự xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân chính của việc vi phạm về trật tự xây dựng diễn ra tràn lan tại các địa phương.

Tuy nhiên, cũng như tham nhũng trong các lĩnh vực khác, hành vi tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng rất khó phát hiện, vì về cơ bản cả người đưa và người nhận đều có lợi nên không ai phơi bày.

Chưa kể, tham nhũng trong lĩnh vực này số tiền thường không lớn, đa số chỉ vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”, nên việc tố cáo của người dân hoặc sự vào cuộc của các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng chưa kịp thời, dẫn đến hành vi này ngày càng sinh sôi và gần như mang tính mặc định gắn liền với hoạt động xây dựng công trình.

“Thực tế, trong những năm gần đây, có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ (nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức, thôi việc). Đặc biệt, chỉ có 1 trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là trường hợp của ông Đỗ Duy Hải, cán bộ Thanh tra Xây dựng Nhà Bè bị xử 1 năm tù về tội "Nhận hối lộ”, vị lãnh đạo này cho biết.

Cương quyết với công trình vi phạm

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các quận, huyện cũng xác định việc xử lý, cưỡng chế công trình không phép phải thực hiện nhanh, quyết liệt để răn đe đối với các trường hợp khác. Ngoài ra, nhiều giải pháp và cơ chế tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi trong việc xử lý cũng được đưa ra tại hội thảo.

Cụ thể, UBND TP.HCM đề xuất các đơn vị có liên quan không cấp số nhà; không cung cấp dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác đối với công trình vi phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng mà chưa chấp hành các quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoàn cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng. Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND các quận, huyện sẽ tập trung rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các địa phương, điều chỉnh phù hợp, làm cơ sở cấp Giấy phép xây dựng theo quy định.

Hiện UBND Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn các quận ven và huyện ngoại thành để tham mưu trình UBND Thành phố phân bổ chỉ tiêu đất nông nghiệp phù hợp với tình hình dân số và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương.

Ngoài ra, những cán bộ, công chức có vi phạm trong hoạt động công vụ sẽ bị xử ý nghiêm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Hoạt động giám sát, kiểm tra trật tự xây dựng cũng sẽ ứng dụng công nghệ. 

Đối với giải pháp không cung cấp điện nước cho các công trình vi phạm, ông Hoan cũng cho rằng: “Các đơn vị doanh nghiệp cung cấp điện, nước cho biết không có quy định cắt điện nước ở các công trình vi phạm. Một người dân sửa nhà, xây nhà sai phép thì còn cân nhắc. Tuy nhiên, những trường hợp xây dựng giữa khu đất trống mà câu điện vào thì có quyền xử lý được. Nếu làm mạnh như vậy sẽ kéo giảm tình trạng vi phạm xây dựng”.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng giải pháp không cung cấp dịch vụ điện, nước có thể thực hiện được nếu vận dụng đúng các quy định hiện hành và cần triển khai ngay từ đầu để ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Bất động sản TP.HCM: Nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ đầu tư cho 3 dự án nhà ở thương mại mới, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư