Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Hụt” đường nhập khẩu, Hiệp hội mía đường đề nghị hội viên tăng giá mua mía
Thị Hồng - 29/01/2021 21:21
 
Hụt nguồn cung từ đường nhập khẩu cả kênh chính ngạch và nhập lậu, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, các doanh nghiệp hội viên cần điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ ép 2020/21.

Theo văn bản do VSSA vừa gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các tỉnh có ngành mía đường,…, ông Cao Anh Dương, quyền Chủ tịch VSSA thông tin, trong nửa đầu tháng 01/2021, lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, đường có nguồn gốc nhập khẩu, bao gồm cả kênh chính ngạch và nhập lậu đã bị hụt nguồn cung, không còn khả năng làm chủ thị trường. 

Nguồn cung thiếu hụt do logistics toàn cầu bị đình trệ và mức độ kiểm soát đường biên giới gia tăng để phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, VSSA đánh giá, thông tin Bộ Công thương sẽ sớm ban hàng Quyết định áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng đường cát nhập khẩu từ Thái Lan cũng mang tác động tích cực, khiến chuỗi cung ứng đường nhập khẩu vào thị trường trong nước bị gián đoạn tạm thời. 

Theo đó, giá thị trường vào đầu tháng 01/2021 tiếp tục đà tăng của tháng 12/2020 do “không còn bị áp lực ép giá, kìm giá của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu”. 

.
Thu hoạch mía tại nông trại của Thành Thành Công Biên Hoà (Nguồn: TTC).

Thông tin từ các Hội viên báo cáo về Hiệp hội cho thấy, một số nhà máy đường đã ngay lập tức công bố điều chỉnh tăng giá mua mía. 

Bà con nông dân trồng mía tại một số địa phương đang rất phấn khởi vì giá mua mía tại ruộng ở miền Nam và miền Trung đã tăng đến mức bình quân 950.000 đồng/tấn, tại miền Bắc bình quân là 900.000 đồng/tấn. 

Không những vậy, một số địa phương như Nghệ An, Sơn La và Kon Tum, một số doanh nghiệp còn áp dụng hình thức “thanh toán hồi tố”, tức mức giá mua mía được áp dụng ngược về thời điểm đầu vụ ép, trước khi có thông báo điều chỉnh giá mua mía.

Dù vậy, văn phòng Hiệp hội vẫn tiếp tục nhận được thông tin của bà con nông dân trồng mía tại một số vùng thắc mắc tại sao giá mía tại đó vẫn chưa được các nhà máy đường điều chỉnh tăng lên theo giá đường thị trường, như ở các vùng khác. 

Trước những thông tin tích cực như trên, ban thường trực Hiệp hội đã tiến hành thảo luận và thống nhất cao về việc ban hành khuyến cáo này, gởi đến các hội viên sản xuất thuộc Hiệp hội. 

Vì vậy, phía VSSA khuyến cáo các Hội viên, tuỳ vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, các nhà máy đường cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía, sao cho nông dân có thể bù đắp  đủ các chi phí đã bỏ ra, cộng thêm tôi thiểu 10% lợi nhuận để người nông dân có thể tồn tại và tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường, nhằm phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường. 

Ngoài ra, tuỳ vào tình hình tài chính cụ thể của mỗi đơn vị, các nhà máy đường cũng nên xem xét áp dụng hình thức “thanh toán hồi tố”, tức giá mua mía được áp dụng ngược về thời điểm đầu vụ ép, trước khi có thông báo điều chỉnh giá mua mía, nhằm thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với nông dân sau 3 vụ liên tiếp gặp khó khăn trong giai đoạn vừa qua. 

Ngành mía đường hội nhập ATIGA - người tiêu dùng hưởng nhiều lợi ích
Trái ngược lo lắng mất thị phần vào tay doanh nghiệp ngoại khi ATIGA được triển khai, ngành mía đường Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư