Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
IMF: Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu "gần như đã thắng lợi", nhưng rủi ro gia tăng
Đông Phong - 23/10/2024 09:22
 
Thế giới gần như đã thành công "hạ nhiệt" lạm phát và tạo ra một cuộc hạ cánh mềm về kinh tế, tránh được suy thoái, nhưng phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng dài hạn yếu hơn, theo IMF.

Cần cảnh giác trong giai đoạn cuối của thiểu phát

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm 22/10, lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống còn 3,5% vào cuối năm 2025, từ mức trung bình 5,8% vào năm 2024. Vào quý 3 năm 2022, lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh ở mức 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, theo ước tính của IMF, lạm phát vào cuối năm 2025 thấp hơn một chút so với mức trung bình hàng năm trong hai thập kỷ trước đại dịch Covid-19.

"Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu gần như đã chiến thắng", IMF nhận xét trong báo cáo, nhưng đồng thời vẫn kêu gọi "một chính sách xoay trục ba chiều" để giải quyết vấn đề lãi suất, chi tiêu của chính phủ, cải cách và đầu tư để thúc đẩy năng suất.

"Bất chấp những tin tốt về lạm phát, rủi ro giảm giá đang gia tăng và hiện đang chi phối triển vọng", nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.

Mỹ được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2025. Ảnh: AFP
Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2025. Ảnh: AFP

IMF cảnh báo rằng giờ đây khi lạm phát đang đi đúng hướng, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu phải đối mặt với một thách thức mới xuất phát từ tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Quỹ này giữ nguyên ước tính tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,2% cho năm 2024 và 2025 - mức tăng trưởng mà họ gọi là "ổn định nhưng không mấy ấn tượng". Theo đó, Mỹ hiện được dự báo sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh hơn và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ do các khoản đầu tư mạnh mẽ liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó, IMF đã hạ triển vọng đối với các nền kinh tế phát triển khác, đáng chú ý là các quốc gia lớn nhất châu Âu cũng như một số thị trường mới nổi, với lý do là các cuộc xung đột toàn cầu đang gia tăng và rủi ro đối với giá hàng hóa vẫn tiếp diễn.

Trong đánh giá của IMF, chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó là chìa khóa để hạ thấp lạm phát trong khi điều kiện thị trường lao động bình thường hóa và các cú sốc cung ứng được giải quyết, tất cả đều giúp nền kinh tế toàn cầu tránh được suy thoái.

Báo cáo của IMF cảnh báo rằng các ngân hàng trung ương sẽ cần phải cảnh giác để hạ nhiệt hoàn toàn lạm phát. Đáng nói, lạm phát dịch vụ vẫn gần gấp đôi mức trước đại dịch Covid-19 vì tiền lương ở một số quốc gia bắt kịp mức tăng của chi phí sinh hoạt, khiến một số nền kinh tế thị trường mới nổi như Brazil và Mexico vẫn đối mặt áp lực lạm phát gia tăng.

"Mặc dù kỳ vọng lạm phát vẫn được neo giữ tốt trong thời điểm này, nhưng có thể sẽ khó khăn hơn vào đợt tới, vì người lao động và các công ty sẽ cảnh giác hơn trong việc bảo vệ mức sống và lợi nhuận của họ trong tương lai", báo cáo của IMF nêu.

Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi chi phí thực phẩm và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong chi tiêu hộ gia đình, cũng nhạy cảm hơn với sự gia tăng giá hàng hóa có thể dẫn đến lạm phát cao hơn. Các quốc gia nghèo hơn đang chịu nhiều áp lực hơn từ việc trả nợ công, điều này có thể hạn chế thêm nguồn tài trợ cho các chương trình chi tiêu công.

Biến động tài chính là một trong những rủi ro lớn

Báo cáo của IMF chỉ ra rằng biến động tài chính gia tăng là một mối đe dọa khác đối với tăng trưởng toàn cầu. Các đợt bán tháo đột ngột trên thị trường, chẳng hạn như đã xảy ra vào đầu tháng 8, được IMF xác định là một rủi ro chính làm lu mờ triển vọng kinh tế.

Mặc dù thị trường đã ổn định kể từ đợt suy thoái ngắn ngủi vào tháng 8, nhờ việc đóng giao dịch "carry trade" (giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên) và dữ liệu thị trường lao động Mỹ yếu hơn dự kiến, nhưng hiện vẫn còn nhiều lo ngại.

"Biến động thị trường tài chính tái diễn trong suốt mùa hè đã khơi lại mối lo ngại cũ về những lỗ hổng tiềm ẩn. Điều này đã làm gia tăng lo lắng về lập trường chính sách tiền tệ phù hợp", báo cáo IMF cho biết.

Thị trường tài chính toàn cầu có thể đối diện những thách thức tiếp theo trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chống lạm phát. Biến động và lây lan của thị trường tài chính là một rủi ro lớn nếu lạm phát cơ bản vẫn tiếp diễn - một rủi ro đáng kể đối với các quốc gia thu nhập thấp vốn đã chịu áp lực từ nợ công cao và biến động thị trường tiền tệ.

Những rủi ro bất lợi khác bao gồm các mối lo ngại về địa chính trị, đáng chú ý là xung đột ở Trung Đông và khả năng giá hàng hóa tăng đột biến. IMF dự đoán thị trường bất động sản Trung Quốc có khả năng suy thoái sâu hơn, lãi suất vẫn ở mức quá cao trong thời gian quá dài và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong thương mại toàn cầu là những mối đe dọa khác đối với sự thịnh vượng.

Triển vọng dài hạn còn mù mờ hơn. IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tăng 3,1% hàng năm vào cuối thập niên 2020, mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Trong khi triển vọng yếu hơn của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các dự báo trung hạn, thì triển vọng xấu đi ở Mỹ Latinh và châu Âu cũng vậy. Những trở ngại mang tính cấu trúc như năng suất thấp và dân số già hóa cũng đang hạn chế triển vọng tăng trưởng dài hạn.

"Sự suy thoái tiềm ẩn ở thị trường mới nổi lớn nhất và các nền kinh tế đang phát triển cho thấy một con đường dài hơn để thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nước nghèo và giàu. Việc tăng trưởng bị kẹt ở mức thấp cũng có thể làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập trong các nền kinh tế", IMF lưu ý.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva: Kinh tế thế giới đối mặt với nhiều "cơn gió ngược"
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva vừa đưa ra cảnh báo về một tương lai khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu trong trung hạn, song khẳng định vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư