Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Khó khăn về nguồn cung, Tập đoàn Xăng dầu đang kinh doanh thế nào?
Nguyễn Lê - 12/10/2022 18:11
 
Chính phủ báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc.
.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định Petrolimex luôn nghiêm túc duy trì bán xăng dầu 24/7 (ảnh minh hoạ). 

Hiện nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khó khăn về nguồn cung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021.

Đây là báo cáo của Chính phủ (Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền ký) định kỳ hàng năm gửi tới Quốc hội ở kỳ họp tháng 10.

Năm nay, báo cáo có riêng một mục đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn tổng công ty nhà nước thuộc ngành lĩnh vực có biến động lớn trong năm 2021, trong đó có Petrolimex.

Theo báo cáo này, Petrolimex là đầu mối kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, dịch vụ phụ trợ xăng dầu với bề dày kinh nghiệm, duy trì thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế và trong nước, có hệ thống kho bể với sức chứa lớn và mạng lưới gần 2.700 cửa hàng xăng dầu trực thuộc tại 62 tỉnh/thành phố trên toàn quốc với nhiều khách hàng truyền thống, gắn bó. Petrolimexluôn duy trì thị phần cung ứng xăng dầu tiêu dùng cả nước khoảng 48%, đóng góp vào ngân sách nhà nước bình quân của Petrolimex khoảng 33.000 tỷ đồng/năm.

Chính phủ nhận định, mặc dù bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều tác động khó khăn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng Petrolimex luôn nghiêm túc duy trì bán xăng dầu 24/7 đáp ứng kịp thời nhu cầu thiết yếu của người dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong thời điểm căng thẳng nhất trong quý I/2022, lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường của Petrolimex chiếm tới 70-75% nhu cầu tiêu thụ của cả nước, dù phải chịu thiệt thòi do giá xăng dầu tạo nguồn cao hơn giá được nhà nước công bố bán ra thị trường.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo cho biết, năm 202, theo số liệu Công ty mẹ, tổng doanh thu và thu nhập là 112.631 tỷ đồng, bằng 129% so với năm 2020.

Trong đó, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 111.018 tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động tài chính 1.516 tỷ đồng, bằng 73% so với cùng kỳ; thu nhập khác đạt 97 tỷ đồng, bằng 111% so với cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021 là 1.883 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch, trong đó, kinh doanh xăng dầu lãi 553 tỷ đồng, hoạt động tài chính lãi 1.256 tỷ đồng; lợi nhuận khác 74 tỷ đồng. Số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2021 là 3.312 tỷ đồng.

Hợp nhất toàn Tập đoàn: tổng doanh thu và thu nhập là 170.969 tỷ đồng, bằng 136% so với cùng kỳ 2020. Tổng lợi trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn là 3.789 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 3.124 tỷ đồng. Số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2021 là 33.826 tỷ đồng.

Về ước thực hiện năm 2022, báo cáo dẫn theo số liệu Công ty mẹ, tổng doanh thu ước đạt 202.500 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.440 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 11.250 tỷ đồng, đạt 288 % kế hoạch năm; cổ tức trả cổ đông nhà nước ước thực hiện là 1.178 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Hợp nhất toàn Tập đoàn, tổng doanh thu ước đạt 263.900 tỷ đồng, đạt 142% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.820 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 32.100 tỷ đồng, đạt 133 % kế hoạch năm.

Bộ trưởng Tài chính cho biết, hiện nay, Petrolimex khó khăn về nguồn cung do: vào các thời điểm biên độ giá tăng lớn, một số thương nhân đầu mối/thương nhân phân phối/cửa hàng xăng dầu ngoài xã hội hạn chế bán hàng đã tạo ra áp lực rất lớn cho Tập đoàn với tư cách là doanh nghiệp nhà nước phải bù đắp sản lượng thiếu hụt do các doanh nghiệp khác để lại.

Trong khi đó, chi phí thực tế tăng cao nhưng chưa được phản ánh kịp thời vào giá bán theo quy định của Nhà nước dẫn tới kết quả kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn bị lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Các yếu tố tác động từ thị trường thế giới chủ yếu là sự biến động của giá dầu và các yếu tố chínhtrị, lạm phát vẫn là những nguy cơ tiềm ẩn, khó dự báo trong năm 2022 tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Nguồn cung xăng dầu cơ bản được đáp ứng
Cả nước có 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, và con số cửa hàng đóng cửa dù là bao nhiêu thì Bộ Công thương và các Bộ liên quan sẽ có hướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư