Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Không tham vọng kiểm toán cả người nộp thuế
Mạnh Bôn - 14/03/2019 08:47
 
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên tinh thần quản lý chặt chẽ tài chính công, tài sản công, nhưng không tham vọng kiểm toán cả người nộp thuế.
.
TS. Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN tại Phiên họp thứ 32, khai mạc đầu tuần này, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng đối tượng kiểm toán, thưa ông?

Trong Dự luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 có thiết kế thêm khoản về đối tượng được kiểm toán. Ngoài 12 nhóm đối tượng hiện hành, còn bổ sung người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi sẽ nhóm các đối tượng này vào đối tượng là tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, chứ không thiết kế thành khoản riêng.

Hoạt động kiểm toán có gì thay đổi với việc mở rộng đối tượng kiểm toán?

Thực tế, ngay cả khi tách thành điều riêng, thì KTNN cũng không tham vọng kiểm toán tất cả đối tượng nộp thuế (gồm: doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân), mà chỉ có tham vọng khi tiến hành kiểm toán cơ quan quản lý thuế (hải quan, thuế), nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận thuế, trốn thuế, bỏ sót nguồn thu ngân sách nhà nước… tại một số bộ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế, thì tiến hành kiểm tra hồ sơ của doanh nghiệp nghi vấn để chứng minh rằng, cơ quan quản lý thuế thu chưa đúng, thu chưa đủ, còn bỏ sót nguồn thu, từ đó yêu cầu cơ quan quản lý thuế chấn chỉnh công tác thu, công tác quản lý thuế.

Như vậy có thể hiểu, KTNN không kiểm toán trực tiếp người nộp thuế?

Đúng vậy. Thực ra, việc phát hiện doanh nghiệp trốn thuế, chuyển giá, gian lận thuế qua kiểm toán cơ quan thuế đã được KTNN thực hiện từ lâu.

Cụ thể, năm 2018, kiểm toán cơ quan thuế, chúng tôi thực hiện đối chiếu hồ sơ khai thuế của 2.929 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, kiến nghị tăng thu thêm cho ngân sách nhà nước gần 1.685 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ hơn 3.341 tỷ đồng, phát hiện không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hành vi trốn thuế, chuyển giá, kiến nghị truy thu hàng chục ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước…

Như vậy, việc thiết kế thêm khoản đối tượng kiểm toán bao gồm cả người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản chỉ làm rõ thêm đối tượng kiểm toán, chứ không mở rộng đối tượng.

Tôi nhấn mạnh rằng, với những đối tượng này, KTNN không có tham vọng và cũng không có đủ nhân lực để kiểm toán trực tiếp, mà chỉ kiểm toán cơ quan quản lý thuế.

Không thiết kế thêm khoản mới, nhưng việc đưa đối tượng này vào nhóm tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì có khác gì mở rộng đối tượng kiểm toán, thưa ông?

Theo Hiến pháp, KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tài sản công gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản công được giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng…

Còn theo quy định của Luật KTNN hiện hành, hoạt động kiểm toán của KTNN là việc đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính công, tài sản công, hoặc báo cáo tài chính liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Như vậy, dù có tách đối tượng kiểm toán gồm cả tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thành một khoản riêng cũng không phải là mở rộng đối tượng kiểm toán, mà thực ra, chỉ làm rõ thêm đối tượng “tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” và trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện kiểm toán đối tượng này.

Vậy ông giải thích thế nào về việc nhiều kết luận, kiến nghị xử lý tài chính của KTNN bị chính doanh nghiệp được kiểm toán khởi kiện ra tòa và phần thua đều thuộc cơ quan quản lý nhà nước?

Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh 13 kết luận của KTNN về việc truy thu thuế bị doanh nghiệp khởi kiện ra tòa và cả 13 vụ đều bị tòa tuyên bố phần thắng thuộc về doanh nghiệp, chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan về vấn đề này.

Kết quả là, có một vụ doanh nghiệp kiện Cục Thuế TP.HCM, thì tòa bác đơn khiếu kiện, nghĩa là tòa giữ nguyên kết luận của KTNN. Một vụ doanh nghiệp kiện Cục Thuế Thanh Hóa sau khi Kiểm toán có kết luận kiến nghị. Nhưng kiến nghị của Kiểm toán chỉ là đề nghị cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Trên cơ sở kiến nghị của Kiểm toán, Cục Thuế Thanh Hóa tiền hành thanh tra và yêu cầu truy thu thuế và bị doanh nghiệp kiện ra tòa tức là doanh nghiệp kiện cơ quan thuế, chứ không phải kiện Kiểm toán.

Các vụ còn lại (11 vụ) là KTNN thực hiện kiểm toán cơ quan thuế, trên cơ sở đối chiếu hồ sơ khai thuế phát hiện ra nhiều vi phạm chính sách thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, nên Kiểm toán kiến nghị cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra và xử lý về thuế. Vì thế, cả 11 vụ này là doanh nghiệp kiện cơ quan thuế, chứ không phải kiện Kiểm toán.

Cân nhắc kỹ việc mở rộng đối tượng kiểm toán đối với người nộp thuế
Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào sáng nay, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư