Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Không tranh huy động vốn cùng doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 15/01/2017 09:06
 
Năm 2016, ngân sách nhà nước huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) vượt rất xa so với kế hoạch ban đầu. Nhưng bà Trịnh Thị Vân Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước) khẳng định, không tranh huy động vốn với doanh nghiệp.

Thưa bà, theo kế hoạch năm 2016, ngân sách nhà nước chỉ huy động 250.000 tỷ đồng TPCP. Vì sao cuối tháng 9/2016, Bộ Tài chính lại quyết định điều chỉnh kế hoạch huy động lên 281.700 tỷ đồng?

Ít có năm nào mà công tác huy động vốn lại thuận lợi như năm 2016, nhờ kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lạm phát, lãi suất tương đối ổn định. Đặc biệt là lãi suất trên thị trường tiền tệ ở mức thấp, nên tạo thuận lợi trong việc huy động vốn thông qua phát hành TPCP.

Ngoài ra, còn có yếu tố vô cùng quan trọng nữa, đó là việc một số cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn có sự điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giới hạn về tỷ lệ đầu tư vào TPCP của các ngân hàng thương mại, vì thế các tổ chức ngân hàng có nhiều cơ hội tốt hơn để đầu tư vào TPCP.

.
Bà Trịnh Thị Vân Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước)

Bên cạnh đó, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm hơn đối với TPCP. Đầu tư của khu vực này vào TPCP năm 2016 tăng khá mạnh so với những năm trước đây, từ mức nắm giữ 8,5% tổng khối lượng trái phiếu phát hành năm 2015 lên 12% vào năm 2016.

Vậy kết quả cụ thể thế nào, thưa bà?

Năm 2016, Bộ Tài chính đã phát hành được 281.750 tỷ đồng TPCP cho ngân sách nhà nước. Không chỉ hoàn thành vượt mức khối lượng huy động vốn, năm 2016, thời hạn TPCP cũng đã được kéo dài, trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm trên 91% tổng khối lượng phát hành, trong khi Quốc hội chỉ yêu cầu TPCP kỳ hạn 5 năm tối thiểu 70% khối lượng phát hành. Kỳ hạn TPCP phát hành năm 2016 bình quân là 8,77 năm - cao hơn 1,82 năm so năm 2015, nâng kỳ hạn bình quân của danh mục TPCP cuối năm 2016 lên 5,71 năm. Trong khi đó, ở thời điểm cuối năm 2011 là 1,84 năm, cuối năm 2012 là 2,03 năm, cuối năm 2013 là 2,8 năm, cuối năm 2014 là 3,1 năm và cuối năm 2015 là 4,44 năm.

Thời gian huy động dài hơn, khối lượng TPCP phát hành nhiều hơn, nhưng lãi suất lại giảm, bình quân là 6,49%/năm (năm 2011 là 11,9%/năm, năm 2012 là 9,8%/năm, năm 2013 là 7,79%/năm; năm 2014 là 6,54%/năm và năm 2015 là 6,36%/năm).

Ngân sách nhà nước tăng huy động vốn thông qua phát hành TPCP khiến nhiều người cho rằng, Nhà nước đang tranh huy động vốn với doanh nghiệp, khiến khó giảm được mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ?

Trên thế giới, Chính phủ nước nào cũng phát hành TPCP để huy động vốn đầu tư, duy trì thị trường tài chính… nên quan điểm cho rằng, Nhà nước huy động vốn tranh với các thành phần kinh tế khác là thiếu khách quan.

Còn lo ngại về việc Nhà nước huy động vốn khiến khó giảm lãi suất trên thị trường tiền tệ cũng không có cơ sở.

Theo tôi được biết, tính đến ngày 20/12/2016, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 16,88% (cùng kỳ năm 2015 tăng 13,59%), giúp các tổ chức tín dụng ổn định thanh khoản, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Lãi suất huy động VND năm 2016 tương đối ổn định, phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức chấp nhận được, phổ biến ở mức 6 - 7%/năm đối với lĩnh vực ưu tiên; 6,8 - 9%/năm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường.

Nhưng vấn đề là tăng huy động vốn sẽ gây áp lực lên nợ công, thưa bà?

Bộ Tài chính huy động vốn từ nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau, trong đó, TPCP chỉ là một trong những kênh huy động. Trong điều kiện huy động thông qua phát hành TPCP tương đối tốt, nên Bộ Tài chính điều chỉnh giữa các kênh huy động, trong đó có việc tăng khối lượng phát hành TPCP từ 250.000 tỷ đồng lên 281.700 tỷ đồng, nhưng tổng khối lượng huy động không thay đổi, bởi thế không ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ công, bội chi, nợ chính phủ đã được Quốc hội thông qua.

Ước tính đến cuối năm 2016, nợ công khoảng 64,73% GDP, nợ chính phủ khoảng 53,62% GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.

Vốn huy động nhiều, nhưng giải ngân không đạt kế hoạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, như vậy dẫn tới việc sử dụng vốn đi vay không hiệu quả?

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao, liên tục, nhưng công tác phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm nay 2016 vẫn rất chậm. Đến ngày 31/12/2016, giải ngân nguồn vốn TPCP mới đạt khoảng 55,2% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 72% dự toán).

Nhìn vào con số này, nhiều người cho rằng, huy động nhiều, sử dụng ít, dẫn đến kém hiệu quả vì tiền huy động... để trong két sắt. Tôi khẳng định rằng, ngân sách nhà nước huy động TPCP không phải chỉ dành cho đầu tư xây dựng cơ bản, mà thực hiện chi cho rất nhiều khoản đầu tư phát triển khác, huy động đến đâu sử dụng đến đó, nhu cầu bao nhiêu huy động bấy nhiêu, kể cả huy động để đảo nợ, nhờ đó mới cơ cấu được danh mục TPCP theo hướng kéo dài thời hạn và giảm được lãi suất huy động như tôi đã nói.

Giảm 16.400 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ của 2 dự án giao thông lớn
30 dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên điều chỉnh giảm 16.422,874 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư