Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Kiến nghị Thủ tướng sớm bố trí 1.180 tỷ đồng cho Dự án BOT hầm Đèo Cả
Anh Minh - 29/12/2020 09:47
 
Đây là số tiền mà Nhà nước đã cam kết trong hợp đồng để đảm bảo phương án tài chính cho Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả nhưng chưa được giải ngân.
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ bị vỡ phương án tài chính nếu Nhà nước không thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT.
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả sẽ bị vỡ phương án tài chính nếu Nhà nước không thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT.

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước theo kế hoạch để hỗ trợ Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận và Hợp đồng đã ký kết.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của nhà đầu tư, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương liên quan và ngân hàng cung cấp tín dụng (Vietinbank), các công trình hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi về kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Trung. Công trình mở rộng hầm Hải Vân là hạng mục triển khai sau cùng của Dự án, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã tổ chức kiểm tra, chấp thuận kết quả nghiệm thu, đồng thời đánh giá công trình đảm bảo an toàn, chất lượng.

Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải đang phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định để sớm đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào vận hành, khai thác theo kế hoạch (dự kiến cuối tháng 12/2020).

Như vậy, đến nay toàn bộ các công trình thuộc Dự án đã được nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thành theo đúng cam kết tại hợp đồng, đảm bảo an toàn, chất lượng.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm của Nhà nước làm ảnh hướng rất lơn phương án tài chính của Dự án, gồm việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước; cơ chế trạm thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan) chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến nguồn kinh phí vận hành, bảo trì các công trình hầm và phương án trả nợ ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý dứt điểm các vướng mắc ảnh hưởng đến phướng án tài chính của Dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Nhà đầu tư, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý.

Đối với cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6591/VPCP-CN ngày 11/8/2020, Bộ Giao thông - Vận tải đã tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 416/BGTVT-ĐTCT ngày 17/8/2020 về giải pháp xử lý chung đối với một số trạm BOT có bất cập. Ngày 25/11/2020 Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ xem xét giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đã có kết luận tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 2/12/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Đối với vướng mắc về 1.180 tỷ đồng, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, đây là phần vốn nhà nước cam kết tham gia hỗ trợ dự án nhưng đến nay chưa được bố trí để giải ngân.

Thời gian vừa qua, triển khai Nghị quyết số 84/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 15/4/2019 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 8472/BKHĐT-TH ngày 13/11/2019, Bộ Giao thông - Vận tải đã xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch năm 2020 vốn ngân sách trung ương cho các dự án thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn 10.000 tỷ đồng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã rà soát hợp đồng, phân tích cơ sở pháp lý và sự cần thiết tiếp tục bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ dự án; đã lấy ý kiến Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Vietinbank và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt chấp thuận bố trí 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng cho Dự án, phần còn lại cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên đến nay, những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước hỗ trợ dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Để giải quyết khó khăn về phương án tài chính của Dự án, kịp thời đưa công trình mở rộng hầm Hải Vân vào khai thác sử dụng theo kế hoạch nhằm góp phần phát huy hiệu quả đầu tư, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông trong bối cảnh hầm Hải Vân 1 đang quá tải”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị.

Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả và Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (23,53%).

Trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Dự án được phép sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, gồm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân. Hiện nay, các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Riêng Dự án thành phần Mở rộng hầm Hải Vân 2 đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2020.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đã phát sinh một loạt yếu tố khách quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính cũng như phương án trả nợ các khoản vay cho tổ chức tín dụng trong nước.

Được biết, trong số các nguyên nhân làm lệch phương án tài chính tại công trình hạ tầng BOT có quy mô vốn lớn nhất được triển khai trên trục Bắc - Nam, đáng kể nhất là việc thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa thể thực hiện được như hợp đồng đã ký, do thay đổi cơ chế chính sách; phần vốn Nhà nước (1.180 tỷ đồng, trong số 5.048 tỷ đồng đã cam kết) tham gia Dự án chưa được giải ngân do thay đổi về kế hoạch phân bổ nguồn vốn từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm trong khu vực như: Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, Khu kinh tế Vân Phong, Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội… chưa thể triển khai cũng khiến lưu lượng xe thực tế hụt sâu so với phương án tài chính.

Thông hầm Đèo Cả hiểm trở: Sức người chinh phục cơn biến tạo của thiên nhiên
Cơn biến tạo của trái đất thuở hồng hoang đã dựng lên ngọn đèo Cả ngoằn ngoèo, hiểm trở. Đến một ngày, con đèo này đã bị những người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư