Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 13 tháng 08 năm 2024,
Làn sóng vốn ngoại đổ vào ngân hàng chưa dừng lại
Thùy Liên - 08/10/2018 09:23
 
Sự thành công của nhiều ngân hàng ngoại tại Việt Nam khiến làn sóng đổ vốn vào lĩnh vực này chưa dừng lại, dù khẩu vị và xu hướng của nhà đầu tư đã khác.
TIN LIÊN QUAN

Bùng nổ ngân hàng ngoại

Làn sóng FDI vào thị trường ngân hàng Việt bắt đầu vào năm 2006 - 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, năm 2009, khi ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép thành lập, vốn ngoại vào lĩnh vực này mới thực sự bùng nổ.

.
.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam - ngân hàng 100% vốn ngoại đầu tiên tại Việt Nam đánh giá, sự kiện ngân hàng con 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam vào năm 2009 là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển của môi trường kinh doanh ngân hàng Việt Nam. Từ đó đến nay, đã có hơn 50 tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó 9 ngân hàng 100% vốn và hàng trăm chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài.

Đặc biệt, nếu trước đây, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài chỉ hoạt động âm thầm, phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn tại Việt Nam, thì hiện nay, nhiều ngân hàng ồ ạt mở rộng bán lẻ, nhắm tới khách hàng trong nước, cạnh tranh thị phần gay gắt với ngân hàng nội.  

Sự tham gia tích cực của các ngân hàng nước ngoài đã thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng, giúp khách hàng hưởng lợi, các ngân hàng nội nâng cao năng lực tài chính và quản trị, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng Basel II, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam…

Đương nhiên, bức tranh đầu tư vào ngân hàng Việt của nhà đầu tư ngoại cũng không hoàn toàn màu hồng. Một số nhà đầu tư ngoại đã thoái bớt vốn khỏi lĩnh vực này. Ví như, ANZ bán mảng bán lẻ cho Shinhan Bank, HSBC Việt Nam thoái vốn khỏi Techcombank, Commonwealth Bank bán chi nhánh tại TP.HCM cho VIB, BNP Paribas bán 18,7% vốn cổ phần tại OCB, Standard Chartered thoái toàn bộ vốn tại ACB…

Về tổng thể, đây chỉ là động thái cơ cấu lại vốn, chứ không hẳn nhà đầu tư muốn thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam. Thực tế, các ngân hàng ngoại vẫn tìm cách đặt chân vào Việt Nam. Chỉ trong 2 năm 2016 - 2017, đã có thêm 4 ngân hàng ngoại được cấp phép hoạt động.

Nhà đầu tư đang chuyển hướng

Theo Công ty nghiên cứu Fitch Solutions, dù không còn chuộng hình thức liên doanh với ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài vẫn có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam thông qua các công ty 100% vốn nước ngoài. Đáng lưu ý, trong số các dòng vốn ngoại đổ vào thị trường ngân hàng Việt Nam gần đây, nổi lên là các nhà đầu tư đến từ khu vực Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) và ASEAN.

Tính đến tháng 5/2018, tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài tại Việt Nam đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, vốn tự có đạt 150.000 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 106.000 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) rất cao - 27,36%.

Đa phần ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đều làm ăn hiệu quả, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao hơn các ngân hàng TMCP trong nước (0,33%). Lợi nhuận của ANZ, Shinhan Bank, HSBC lên tới cả ngàn tỷ đồng.

Triển vọng phát triển sáng sủa của kinh tế Việt Nam cộng với việc Chính phủ tích cực tái cơ cấu hệ thống và chủ trương thoái vốn mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng đang mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Ông Seo Jae Seok, đại diện Woori Bank Việt Nam cho rằng, thị trường ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh thời gian qua. Ông cũng kỳ vọng, những nỗ lực của Chính phủ trong tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn II mở ra thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A).

Theo ông Phạm Hồng Hải, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư tài chính, đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư ngoại cũng thay đổi. Thay vì đầu tư dàn trải, nhà đầu tư sẽ tập trung phát triển ở các thị trường là thế mạnh của họ, các thị trường có quy mô và tạo ra tăng trưởng phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng mẹ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài cũng không tập trung nhiều vào hoạt động M&A, hay mua cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng trong nước, mà sẽ tập trung hơn vào phát triển tự thân hay thế mạnh nội tại. Dù vậy, những ngân hàng nội có tiềm năng phát triển và quản trị lành mạnh vẫn có khả năng thu hút được vốn đầu tư của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư