Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
M&A: Doanh nghiệp sản xuất có nên “tham chiến” lĩnh vực phân phối?
K.T - 10/12/2016 08:39
 
Mở rộng kinh doanh qua phương thức mua bán và sáp nhập (M&A) là cách được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong những năm gần đây. Nhưng liệu M&A để nhảy vào lĩnh vực phân phối có giúp doanh nghiệp vốn chỉ làm sản xuất bứt phá?

Sau những thương vụ M&A có giá trị “khủng” tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, nông nghiệp, thực phẩm…, một lĩnh vực nữa cũng đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm là ngành gỗ.

Một số thương vụ đình đám trong năm 2016 có thể kể đến như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát mua gần 72,2 triệu cổ phiếu Gỗ Trường Thành (TTF) để trở thành cổ đông lớn nắm giữ 49,9% cổ phần; hay liên danh giữa Quỹ VOF (do VinaCapital quản lý) và Quỹ DEG (thành viên của Tập đoàn KfW - Đức) công bố khoản đầu tư 30 triệu USD vào Gỗ An Cường.

Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.
Bà Vũ Thị Mai (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Bỏ qua những lùm xùm của Gỗ Trường Thành khiến Tân Liên Phát phải thoái 28,92 triệu cổ phiếu tại doanh nghiệp này, thì nhiều chuyên gia trên thị trường chứng khoán vẫn đưa ra nhận định, những thương vụ M&A, những khoản đầu tư lớn vào ngành gỗ vẫn sẽ diễn ra trong thời gian tới do được “tiếp sức” từ sự tăng trưởng của thị trường bất động sản.

M&A cũng là phương án được một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ có truyền thống và bề dày kinh nghiệm đang hướng tới để mở rộng và phát triển, nhằm nắm bắt cơ hội khi hàng loạt hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực.

Vốn xuất phát từ mô hình doanh nghiệp gia đình, nhờ những nỗ lực trong việc cải tổ và chuyển đổi bộ máy điều hành từ mô hình gia đình sang chuyên nghiệp trong thời gian qua, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty ngày càng ổn định, phát triển. Các sản phẩm của công ty được nâng cấp cả về chất lượng và mẫu mã, xây dựng được chiến lược truyền thông thương hiệu mạnh, hoạt động bán hàng và phát triển hệ thống được chú trọng, giúp công ty có được sự bứt phá trong doanh thu và lợi nhuận.

Với đà phát triển và những lợi thế đó, công ty đặt ra mục tiêu chiến lược là phải mở rộng quy mô thông qua M&A. Tuy nhiên, CEO và các cổ đông đã có ý kiến trái chiều trong lựa chọn giải pháp M&A.

CEO cho rằng, doanh nghiệp nên phát triển theo hướng mở rộng chuỗi giá trị của mình bằng cách mua lại một công ty phân phối đang sở hữu gần 20 cửa hàng trên toàn quốc. Đó là doanh nghiệp có tiềm năng và thâm niên trên thị trường, nhưng đang lúng túng trong việc cải tổ để thoát ra khỏi mô hình gia đình. CEO tin chắc, với kinh nghiệm cải tổ thành công của mình, hứa hẹn sẽ có một mạng lưới phân phối rộng, với chi phí thấp thông qua thương vụ này.

Ý kiến này của CEO không được sự ủng hộ của các cổ đông. Họ phân tích, với ngành nghề hiện tại là sản xuất, doanh nghiệp chỉ có những lợi thế về sản xuất mà không am hiểu sâu về lĩnh vực phân phối, rất dễ dẫn tới rủi ro và thất bại trong thương vụ này.

Tuy nhiên, CEO vẫn giữ quan điểm và phân tích, doanh nghiệp nên phát triển theo hướng mở rộng quy mô bằng cách mua lại các công ty phân phối để tận dụng được những ưu thế và kinh nghiệm trong việc quản lý và cho rằng, điểm yếu của công ty hiện nay là không sở hữu riêng hệ thống phân phối của mình và lập luận, trong quá trình hội nhập sâu rộng, các đối thủ mạnh hơn sẽ tạo ra những áp lực về giá thông qua cạnh tranh để chiếm được vị thế với nhà phân phối. Điều này dẫn tới doanh nghiệp không thể mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh và làm giảm lợi nhuận. Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất đã đi vào ổn định và phát triển tốt, nên doanh nghiệp chỉ cần giữ vững và tập trung phát triển hệ thống phân phối.

Thực sự, mỗi bên đều có những cái lý của mình. Nhưng là CEO chịu trách nhiệm lèo lái con tàu doanh nghiệp, nên sẽ phải thuyết phục cổ đông thế nào để đem lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp và các cổ đông?

Đây chính là tình huống được đưa ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề Mua bán sáp nhập - Đa dạng hay tập trung. Bà Vũ Thị Mai, Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai sẽ là người ngồi ở vị trí CEO để giải quyết tình huống này. Bà Vũ Thị Mai cũng là doanh nhân sẽ xuất hiện trên chuyên mục Gương mặt doanh nhân của Báo Đầu tư số này.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Giằng co chuyện “thay máu” nhân sự khi tái cơ cấu
Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã tính tới chuyện “thay máu” nhân sự khi thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh, chuẩn bị cho một...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư