Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Một Việt Nam đầy mê hoặc
Bích Ngọc - 11/02/2016 14:21
 
Họ đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới, vì những duyên cớ không giống nhau, nhưng rồi đều bị Việt Nam mê hoặc bởi những phong vị đặc sắc của ngày Tết cổ truyền.

“Thật là tuyệt!”

Đến Việt Nam từ rất sớm, vào đầu năm 1989, Kenneth Atkinson, hiện là Chủ tịch điều hành Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam ngay lập tức thấy yêu đất nước và con người ở đây. Điều đó thôi thúc ông chuyển đến sống và làm việc ổn định tại Việt Nam từ năm 1992. Atkinson đã “ăn” nhiều cái Tết Việt Nam trong vòng 25 năm qua, đặc biệt là từ khi người đàn ông đến từ Vương quốc Anh này xây dựng gia đình với người vợ Việt Nam.

Với Atkinson, ông thích nhất khoảng thời gian trước Tết, lúc mà nhà nhà chuẩn bị một cái Tết, như người Việt nói, là no đủ và đàng hoàng. “Chúng tôi cùng nhau đi chợ hoa, mua sắm chuẩn bị Tết. Lũ trẻ thì thực sự trông ngóng và thích thú khi Tết đến gần. Tôi thấy rất vui khi cả gia đình đoàn tụ và những ngày đầu tiên của năm mới có những nét văn hóa đặc trưng quan trọng của Việt Nam”, ông chia sẻ.

Badger (đứng thứ ba từ phải sang) và gia đình ăn tết tại quê vợ - Hà Nội
Badger (đứng thứ ba từ phải sang) và gia đình ăn tết tại quê vợ - Hà Nội

Cũng bắt đầu sống tại Việt Nam từ năm 1998, Cosimo Jencks (người Anh, hiện làm việc tại Công ty Hongkong Land tại Việt Nam) thường xuyên ăn Tết ở Việt Nam. Với ông, Tết Việt Nam là khoảng thời gian thật yên bình, là khoảng lặng tuyệt vời nhất ông dành cho mình, bạn bè và gia đình. “Những ngày Tết tại TP.HCM vô cùng yên tĩnh vì nhiều người về quê ăn Tết, giao thông thông thoáng ngỡ ngàng, mọi người sống chậm hơn. Thật tuyệt vời khi tận hưởng thời khắc đặc biệt này tại Việt Nam”, Jencks  nói.

Với vị trí Giám đốc tiếp thị Trường quốc tế Concordia tại Hà Nội, anh chàng người Mỹ William Badger cũng đã có 18 năm sống ở Việt Nam. Anh đến Việt Nam khi còn là sinh viên và vẫn nhớ như in cảm giác thú vị khi ngồi hàng giờ trên tầng áp mái của Khách sạn Mỹ Kinh ở phố Hàng Buồm chỉ để nhìn cuộc sống đang trôi qua dưới phố, với xích lô, xe đạp và khách bộ hành.

“Một cảm giác thật yên bình và nên thơ mà trước đó tôi chưa từng thấy ở đâu. Lúc đó, Việt Nam thật đặc biệt với tôi. Ngay sau chuyến đi này, tôi đã bị Việt Nam ‘mê hoặc’ và quyết tâm trở lại đây sinh sống”, Badger kể và cho biết, sau 2 lần trở lại Việt Nam sau đó, anh đã coi đây như “nhà” của mình.

Ngay từ những ngày đầu tiên định cư ở Việt Nam, Badger đã thấy yêu văn hóa của đất nước xinh đẹp này. Riêng với ngày Tết, Badger có rất nhiều cảm xúc. Đây chính là cơ hội thật sự để anh hòa mình vào không khí lễ hội, với tất cả các đặc trưng riêng của Tết Việt Nam, từ mùi vị, món ăn và cả những tiếng ồn ào phố xá.

“Tôi thích tiết trời lành lạnh của miền Bắc vào dịp này. Tôi cũng vô cùng thích cái cảm giác mọi thứ đều dường như chậm lại trước Tết và không khí thật đặc biệt, mỗi năm chỉ có một lần của buổi sáng đầu tiên của năm mới. Thật là tuyệt!”, Badger thốt lên.

Những năm đầu tiên sống ở Việt Nam, Badger thường tham gia các chuyến phượt bằng xe máy và ăn Tết ở các vùng nông thôn khác nhau. Đây cũng là những trải nghiệm tuyệt vời. Anh được đi đến các bản làng xa trung tâm, hòa vào cuộc sống, không khí lễ hội và khám phá văn hóa của các dân tộc khác nhau.

Tuy nhiên, từ khi lập gia đình, anh cũng theo phong tục của người Việt Nam, đó là trải nghiệm một kỳ Tết trọn vẹn với cả gia đình. “Chúng tôi sẽ dành một vài ngày trước Tết để về quê. Sau đó, cả nhà đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và lại có thể về quê với gia đình và ở đó đến hết Tết”, Badger nói.

Một Việt Nam đổi mới

Theo Badger, Việt Nam đang trở thành một nước năng động so với 30 năm trước đây. Với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam đã làm xong được một nhiệm vụ có tính chiến lược để đưa đất nước hội nhập với thế giới. “Điều này mang lại lợi ích cho Việt Nam, nhưng cho cả chúng tôi, những người nước ngoài đang sống và làm việc tại đây”, anh nói.

Sống tại Việt Nam, Badger cảm thấy rất thú vị với những thay đổi về văn hóa. Nhiều sinh viên được đi học ở nước ngoài và họ mang về Việt Nam những trải nghiệm mới, những ý tưởng mới và lồng ghép chúng vào văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, theo Badger, song song với hội nhập văn hóa thế giới, Việt Nam cũng cần phải bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đây chính là cầu nối quan trọng giữa hiện tại và quá khứ mà không một dân tộc nào có thể bỏ qua.

Đồng quan điểm về việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Jencks cho rằng, sự thay đổi của Việt Nam trong những năm gần đây là rất đáng ghi nhận. Sự thay đổi này đang được thực hiện bởi một tầng lớp những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và vô cùng năng động. “Tôi cảm thấy khá lạc quan cho một Việt Nam phát triển trong vòng 3 đến 5 năm tới”, Jencks cho biết.

Còn Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam Kenneth Atkinson đánh giá, Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong vòng 30 năm qua. Sự tiến bộ này đã có thể được nhận thấy rõ và nhanh hơn trong một vài lĩnh vực nếu có các chính sách thông thoáng hơn. Đơn cử, cơ chế thông thoáng hơn về visa trong ngành công nghiệp du lịch và khách sạn có thể đẩy ngành này phát triển nhanh hơn trong những năm qua.

Ông Kenneth Atkinson cho rằng, để duy trì nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cũng như các di sản văn hóa, Việt Nam cần xây dựng ngành công nghiệp du lịch có trách nhiệm, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Theo đó, song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của cả nền kinh tế, Việt Nam cũng cần bảo tồn các nét văn hóa, di sản cổ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Huế.

Khác với 3 nhân vật trên, Charles Herman, đến từ Mỹ, hiện là Giám đốc quản lý dự án của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam mới có 3 năm sống và làm việc ở Việt Nam, nhưng cũng kịp nhận thấy sự thay đổi ở Việt Nam trong những năm gần đây. “Tôi thấy Việt Nam đang vào thời kỳ phát triển, với cần cẩu mọc lên ở khắp nơi, chỗ nào cũng thấy các dự án nhà cao tầng đang thi công, rồi mở rộng sân bay, xây tàu điện ngầm, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng…”, ông chia sẻ. 

Có một sự thay đổi rất rõ ở Việt Nam là tầng lớp thanh niên trẻ tuổi có nhiều hoài bão, ham học hỏi và sẵn sàng trải nghiệm hoặc dấn thân vào các con đường khác nhau để lập nghiệp. Herman cho rằng, đây là lối sống có trách nhiệm. “Việt Nam đang được đặt ở bệ phóng phát triển kinh tế nhanh trong những năm tới đây. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều thách thức mà Chính phủ phải vượt qua và tôi hy vọng rằng, họ sẽ tiếp tục bước tới và giải quyết được những vấn đề này”, Herman nói.

Từng cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam vẫn đang qua đi với sự có mặt của một bộ phận người nước ngoài coi Việt Nam như quê hương thứ hai của họ. Như họ nói, những ngày Tết ở Việt Nam đem lại cho họ những trải nghiệm thú vị về một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và có tính hội nhập cao.

CEO Doosan Vina lần đầu đón Tết Việt
Tân Tổng giám đốc công ty TNHH Công Nghiệp Nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) Jung Yeon In trải lòng khi lần đầu tiên đón tết cổ truyền Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư