Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
Nhập khẩu dược phẩm, dầu thô, chất dẻo... tăng mạnh
Thế Hải - 30/11/2019 10:29
 
11 tháng năm 2019, hoạt động thương mại của cả nước ghi nhận mức xuất siêu 9,1 tỷ USD, trong đó, ở chiều nhập khẩu có 35 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu vượt 1 tỷ USD. Dầu thô, dược phẩm, chất dẻo... là những mặt hàng có mức tăng nhập khẩu khá mạnh.
Dầu thô là mặt hàng có mức tăng nhập khẩu lớn trong 11 tháng 2019, với kim ngạch xấp xỉ 3,5 tỷ USD.
Dầu thô là mặt hàng có mức tăng nhập khẩu lớn trong 11 tháng 2019, với kim ngạch xấp xỉ 3,5 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 11 tháng 2019, cả nước có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong đó, 2 mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đạt trên 20 tỷ USD, chiếm 34,7% là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 47,3 tỷ USD và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 33,2 tỷ USD, với mức tăng so với cùng kỳ năm trước lần lượt 20,2% và 11%.

Mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 13,6 tỷ USD, giảm 5,3%; vải đạt 12,2 tỷ USD, tăng 4,2%; sắt thép đạt 8,9 tỷ USD, giảm 1,9%; chất dẻo đạt 8,2 tỷ USD, giảm 1,1%; ô tô đạt 6,8 tỷ USD, tăng 40,4%; sản phẩm chất dẻo đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,7%; kim loại thường đạt 5,9 tỷ USD, giảm 12,5%. 

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 11 tháng năm 2019 cũng tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, với giá trị nhập khẩu ước tính đạt 212,1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 20,2 tỷ USD, tăng 11,6% và chiếm 8,7%.

Việt Nam nhập khẩu các nhóm hàng tư liệu sản xuất, nguyên phụ liệu, máy móc... từ các thị trường chính yếu Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Mỹ...

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước; thị trường ASEAN đạt 29,6 tỷ USD, tăng 1,7%; Nhật Bản đạt 18,1 tỷ USD, tăng 3,5%; thị trường EU đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%; Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 11,3%. 

Với bức tranh nhập khẩu hàng hóa sau 11 tháng, có thể thấy, một số mặt hàng sẽ có mức tăng nhập khẩu rất lớn trong cả năm nay. Chẳng hạn, nhập khẩu dược phẩm trung bình mỗi tháng khoảng 250 triệu USD, dự kiến sẽ vượt 3 tỷ USD, bởi kim ngạch hiện tại đã gần 2,8 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ.Tháng cuối cùng của năm, chắc chắn giá trị nhập khẩu vẫn lớn nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe, và khám chữa bệnh.

Nhóm hàng sữa và sản phẩm sữa sau mức giảm nhẹ của năm 207-2018 sẽ vượt mốc nhập khẩu 1 tỷ USD vào cuối năm. Hiện, giá trị nhập khẩu sau 11 tháng đạt 960 triệu USD, và dự kiến mức nhập khẩu tháng 12/2019 đạt 90-100 triệu USD.

Dầu thô cũng là mặt hàng có mức tăng nhập khẩu rất lớn, trung bình mỗi tháng tiêu tốn khoảng 270-290 triệu USD, với mức nhập khẩu 11 tháng xấp xỉ 3,5 tỷ USD, tăng 166% về lượng và 144% về trị giá so với cùng kỳ. Ước tính, chi nhập khẩu dầu thô cả năm sẽ cận kề mốc 3,75-3,8 tỷ USD.

Kỷ lục mới của ô tô nhập khẩu: Hơn 135.000 chiếc về cảng, trị giá 2,96 tỷ USD
135.484 xe ô tô nguyên chiếc đã được nhập khẩu về Việt Nam trong 11 tháng qua, trị giá 2,962 tỷ USD, tăng 198,2% về lượng và 195,2% về trị giá so với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư