Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Nữ bệnh nhân 20 tuổi đột quỵ não có tiền sử hút thuốc lá điện tử
D.Ngân - 22/03/2024 20:05
 
Ngày 22/3 Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất các biện pháp quản lý các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cung cấp những thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã thông tin về nhiều ca cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử.

 Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo.

Điển hình là nữ bệnh nhân 20 tuổi đột quỵ não, tiền sử hút thuốc lá điện tử. Hay một trường hợp mới 17 tuổi đã dùng thuốc lá điện tử. Khi vào viện, bệnh nhân nhìn bình thường nhưng kiểm tra có dấu hiệu bệnh lý động kinh, giảm trí nhớ, mất ngủ…

TS.Nguyên cho biết, đa số người hút thuốc lá điện tử đều trẻ, dưới 30 tuổi. Khám cận lâm sàng toàn bộ cơ quan từ não, tim, phổi, thận, mạch máu đều tổn thương nghiêm trọng.

Những chất gây độc từ thuốc lá điện tử gồm nicotin, hương liệu, các hóa chất dạng hơi. Thậm chí, các phòng xét nghiệm hiện đại cũng không thể tìm được hết độc chất mới trong thuốc lá điện tử.

Nhiều công ty sản xuất thuốc lá thế hệ mới còn cho thêm các loại ma túy, cần sa… bán cho người sử dụng. Tại Việt Nam, bác sĩ kiểm tra người dùng thuốc lá điện tử, chụp phổi cho thấy rõ tổn thương phổi cấp, xơ phổi mức độ khác nhau, rối loạn khuếch tán kéo dài, tổn thương phổi mạn tính… Nhiều người trẻ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, mạch máu nhiều mảng bám, máu lưu thông chậm như người cao tuổi. 

Để giảm tác hại thuốc lá lên sức khỏe người Việt, TS.Nguyên nhấn mạnh, rượu và thuốc lá truyền thống đã mang lại nhiều mối nguy về sức khỏe, chúng ta vẫn chưa giải quyết xong.

Nếu tiếp tục thả nổi thuốc lá điện tử sẽ không thể lường hết hậu quả về sức khỏe, không có bảo hiểm nào trả đủ chi phí điều trị do tác hại thuốc lá gây ra.

“Trước thực tế nêu trên chúng ta cần có chính sách quản lý phù hợp, cần cấm triệt để lưu hành thuốc lá điện tử”, đại diện Bệnh viện Bạch Mai nói và cho biết thêm, ở nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử chứa hương liệu.

Mỹ là quốc gia đang chịu gánh nặng với số lượng bệnh nhân tổn thương phổi và tử vong do thuốc lá điện tử. Vậy nên theo TS.Nguyên, các cơ quan, người làm chính sách đưa ra các biện pháp mạnh tay với thuốc lá điện tử. 

Đồng quan điểm, Ths.Nguyễn Thị An, Giám đốc tổ chức HealthBrigde Việt Nam cho biết, thuốc lá điện tử núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như thỏi son, hộp sữa, cây kem có nhiều hương vị, không để lại mùi hôi như thuốc lá truyền thống.

Bên cạnh đó, giá tiền rẻ, với chương trình khuyến mại như mua 2 tặng 1, tặng tinh dầu, thế hệ trẻ dễ tiếp cận với những sản phẩm này và bản thân phụ huynh không thể kiểm soát được. Chính vì vậy, cấm thuốc lá thế hệ mới là bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ Việt.

Về phía Bộ Y tế, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, thuốc lá điện tử, thuốc lá mới diễn ra phổ biến, tăng nhanh ở mức đáng báo động, có trong cả giới trẻ, trẻ em gái. Nhà nước có nhiều biện pháp quản lý, xử lý hành vi buôn lậu nhưng thực tế tình trạng này vẫn đang diễn ra.

Ngành công nghiệp thuốc lá đang tuyên truyền coi là tốt hơn sức khỏe so với thuốc lá điếu. Trong khi cơ chế vận hành, tác hại với sức khỏe của thuốc lá thế hệ mới không thật sự tốt hơn so với thuốc lá truyền thống.

Việc cho phép sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới sẽ đi ngược lại với cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, mục tiêu của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 và các Kế hoạch, chiến lược về nâng cao sức khỏe tại Việt Nam.

Việc cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Trong khi đó, việc thu thuế từ thuốc lá điện tử mang lại cho nhà nước không đáng kể nếu tính toán, so với chi phí gánh nặng bệnh tật, suy giảm phát triển kinh tế do sức khỏe người dân bị giảm sút, suy giảm chất lượng dân số, giống nòi, môi trường, nguồn lực nhà nước phải đầu tư cho y tế, môi trường...

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất Nhà nước cần phải có chế tài cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới: phù hợp xu hướng trên thế giới đối với phần lớn các quốc gia trong nhóm thu nhập thấp và trung bình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Hiện tại, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Nhất trí với đề xuất này, Ths.Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới cho hay, theo khuyến cáo của WHO, các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt.

Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây.

“Hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ”, bác sĩ Lâm cho hay.

Do đó, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm cũng khuyến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

Nhóm sản phẩm cần cấm gồm: Các sản phẩm nicotine bao gồm thuốc lá điện tử, túi nicotine và các sản phẩm nicotine mới nổi khác; hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine (thuốc lá điện tử không chứa nicotine); sản phẩm thuốc lá nung nóng.

Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, đặc biệt trong nhóm thanh thiếu niên. Cụ thể, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử (tỷ lệ chung) năm 2020 tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Năm 2020, sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%, sau đó là nhóm tuổi 25-44 tuổi (3,2%).

Năm 2023, Trường Đại học Y tế công cộng đã có một khảo sát khối học sinh từ lớp 6 đến 12 ở 11 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) giảm trung bình 0,5%/năm.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong thanh thiếu niên giảm, đặc biệt ở trong nhóm tuổi từ 13 đến 17 tuổi (giảm 50%) là kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong giới trẻ.

Sử dụng thuốc lá điện tử cũng vẫn tập trung cao ở nhóm tuổi trẻ 15-24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2%; nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.

Ngoài nicotin, thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có hàng nghìn hóa chất độc hại và hơn 16.000 loại hóa chất tạo hương vị như mùi bạc hà, socola, trái cây,… để giảm độ gắt của nicotin, làm cho sản phẩm dễ sử dụng hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư