Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Phó thống đốc: Tín dụng bất động sản tăng gần 25%, không có chủ trương siết
T.L - 08/02/2023 10:02
 
Phát biểu tại Hội nghị Tín dụng bất động sản, quy tụ 20 tập đoàn bất động sản lớn sáng nay (8/2), Phó thống đốc NHNN khẳng định, tín dụng bất động sản tăng mạnh nhất và chiếm tỷ lệ lớn nhất nền kinh tế.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, bất động sản là lĩnh vực có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Thời gian qua, thị trường bất động sản xuất hiện mất cân đối cung cầu, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp, xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ, sai phạm của một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn tới khủng hoảng mất niềm tin trên thị trường này… Tuy vậy, không có chuyện ngành ngân hàng siết tín dụng với lĩnh vực này.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản là cao nhất trong các ngành, lĩnh vực và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các lĩnh vực. Theo Phó thống đốc, năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68 - 70%, trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.

“Một số doanh nghiệp, Hiệp hội nói Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, nhưng tôi khẳng định lại, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hay tuyên bố nào chặt tín dụng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong bất động sản, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống. Còn tín dụng bất động sản phục vụ người mua nhà được xem bình đẳng như những lĩnh vực khác của nền kinh tế, không có hạn chế nào”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết thêm, năm 2020, tín dụng bất động sản tăng 12,06%, năm 2021 tăng 13,55%, thì năm 2022 tăng tới 24,27%, đạt dư nợ 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2022, thị trường bất động sản có rất nhiều biến động. Nửa đầu năm, thị trường bất động sản tăng trưởng nóng tại nhiều phân khúc, tình hình chuyển biến ngược lại nửa cuối năm.

Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, thiếu nhà ở phục vụ công nhân, nhà ở xã hội; nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý, quy hoạch. Mặc dù cơ cấu vốn huy động của doanh nghiệp bất động sản từ nhiều nguồn khác nhau, song năm 2022, việc huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán và bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Sự khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng và tài sản của các ngân hàng cũng như ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bất động sản cũng như tín dụng bất động sản, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã  điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô; điều hành chính sách lãi suất hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp; điều hành chính sách tín dụng hợp lý, năm 2022 đã nới room tín dụng thêm 1,5-2%.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội (đã dành 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi với tín dụng nhà ở xã hội). Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng để 2% tiền gửi tại Ngân hàng chính sách xã hội (đạt 104.000 tỷ đồng), giúp Ngân hàng chính sách có nguồn để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có ưu đãi nhà ở xã hội…

Về cơ cấu tín dụng bất động sản, hiện nay, tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà với cá nhân chiếm tỷ lệ 68%. Cơ cấu này cho thấy tín dụng bất động sản đang tập trung vào đáp ứng nhu cầu ở của người dân, giảm rủi ro, đảm bảo sự phát triển an toàn của thị trường. Tất nhiên, vẫn có tình trạng cá nhân nhập nhèm bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực và vay để đầu cơ, kinh doanh.

Đáng lưu ý, nợ xấu bất động sản đang có dấu hiệu tăng. Năm 2021, nợ xấu bất động sản chỉ chiếm 1,67%, thì năm 2022 đã tăng lên 1,81%. Thêm vào đó, các tổ chức tín dụng hiện nay đang gặp khó khăn về cơ cấu kỳ hạn khi 90% khoản vay bất động sản có kỳ hạn 15 - 20 năm còn 80% vốn huy động của ngân hàng lại là kỳ hạn ngắn. Có nghĩa ngân hàng phải đối mặt với rủi ro kỳ hạn rất cao. Ngoài ra, hiện nay, tín dụng bất động sản đang tập trung tại một số tổ chức tín dụng, một số nhóm khách hàng đầu tư dàn trải, có nhiều dự án rủi ro.

Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, tổ chức, cá nhân khi tiếp cận tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành, lĩnh vực kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản tăng trưởng, phát triển ổn định, bền vững theo đúng các chủ trương định hướng của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở. Tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng..., đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Thứ năm, tiếp tục rà soát và phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Do đó, để tháo gỡ các khó khăn, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Ngân hàng Nhà nước  cho rằng rất cần sự quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các Bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp.

Không có “phép màu” nào cho tín dụng bất động sản
Các động thái mới nhất của nhà điều hành trước thềm năm mới cho thấy, không có “món quà” nào cho tín dụng bất động sản năm 2023, ngoại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư