Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Quốc hội lo ngại giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô
Mạnh Bôn - 14/11/2015 10:23
 
Là người phát biểu gần cuối cùng, sau khi nghe 18 đại biểu cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế vào chiều ngày 13/11, đại diện cho cử tri tỉnh Quảng Ngãi, ông Lê Văn Lai lo ngại, nếu giảm sâu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới “hai chấm” thì Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải nói riêng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhiều khả năng sẽ phá sản.
Đại biểu Lê Văn Lai
Đại biểu Lê Văn Lai

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống, có dung tích xilanh từ 1.000 cm3 trở xuống từ ngày 1/7/2016 chỉ phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất 25%, từ ngày 1/1/2018 nộp thuế 20% thay vì thuế suất 45% như hiện nay. Loại xe từ 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 phải nộp thuế suất tương ứng là 30% và 25%. Loại có dung tích xilanh từ 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 từ 1/7/2016 phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất 40% sau đó sẽ hạ xuống 30% kể từ ngày 1/1/208.

Xe ô tô chạy bằng điện từ 9 chỗ ngồi trở xuống, từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi và từ 16 đến 24 chỗ ngồi sẽ chỉ pháp nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, 5% và 0% ngay khi luật có hiệu lực (ngày 1/1/2016) thay vì phải nộp thuế theo mức 25%, 15% và 10% như hiện nay.

Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 giữ thuế suất 50% như hiện hành. Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3, từ ngày 01/01/2018 áp dụng thuế suất 55% (tăng 5% so với hiện hành), từ ngày 01/01/2019 áp dụng thuế suất 60% (tăng 10% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3, từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 90% (tăng 30% so với hiện hành). Loại có dung tích xilanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3, từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 110% (tăng 50% so với hiện hành). Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3, từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 130% (tăng 70% so với hiện hành). Và cuối cùng là loại có dung tích xilanh trên 6.000 cm3, từ ngày 01/7/2016 áp dụng thuế suất 150% (tăng 90% so với hiện hành).

Cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Đặng Thế Vinh chỉ đồng ý với việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi có dung tích xilanh từ 2.500 cm3 trở lên và đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu lại việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có dung tích xilanh từ 2.000 cm3 trở xuống với lý do cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng.

“Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cộng thêm giảm thuế nhập khẩu do thực hiện các cam kết quốc tế, theo đó giá xe ô tô sẽ giảm, nhu cầu tăng thì cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn sẽ quá tải. Việc giảm thuế chắc chắn sẽ khuyến khích tiêu dùng, chắc chắn lượng xe nhập khẩu đã tăng còn lượng xe trong nước chưa chắc đã tăng do xe nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu khi thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập quốc tế”, ông Vinh bình luận.

Đại biểu Dương Hoàng Hương và Nguyễn Cao Phúc đề nghị, Bộ Tài chính phải có đánh giá, dự báo đa chiều về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô “dưới hai chấm” đến thu ngân sách nhà nước, đến mọi mặt của đời sống, sinh hoạt của người dân, đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để Quốc hội quyết định xem có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hay không.

“Cần cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với với ô tô, nếu có giảm thì chỉ giảm chút ít và theo dõi chặt chẽ để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung vì thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018, theo đó giá thành xe giảm ít nhất 30%, lượng xe ô tô sẽ tăng và trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân trước cảnh ùn tắc giao thông, chưa kể tai nạn giao thông ngày một gia tăng, môi trường ngày càng ô nhiễm do khí thải ô tô”, Đại biểu Hồ Thị Thuỷ bình luận.

Theo Đại biểu Thủy, giá thành sản xuất ô tô trong nước cao hơn giá các nước trong khu vực ít nhất 20%, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì xe nhập khẩu trong khu vực được hưởng lợi kép (vừa được giảm thuế nhập khẩu, vừa được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt) chèn ép ngành sản xuất ô tô trong nước.

Bà Thủy cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xilanh từ 2.500 cm3 ít có tác dụng, vì loại xe này chỉ chiếm chưa đến 30% thị phần.

“Nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích nhỏ thì lượng xe có dung tích xilanh dưới 2.000 cm3 ngày càng áp đảo vì tuyệt đại đa số người dân chỉ có nhu cầu sử dụng xe có dung tích nhỏ”, bà Thủy nói thêm.

Ngoài ra, bà Thủy cũng lo ngại, do ngành sản xuất ô tô trong nước chưa thể cạnh tranh với xe nhập khẩu, nên nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt thì cán cân thương mại ngày càng thâm hụt do lượng xe nhập khẩu gia tăng.

Ông Lê Văn Lai cho rằng, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính, ngành công nghiệp ô tô trong nước phải: “Bước lên một vũ đài mới và ngày càng không cân sức vì còn non trẻ, vốn liếng ít, công nghệ còn lạc hậu hơn so với thế giớ, kinh nghiệm chưa nhiều…”.

Thực hiện cam kết quốc tế, năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô giảm mạnh, nhập khẩu từ ASEAN về mức 0%, nếu giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, Công ty Ô tô Trường Hải đứng bên bờ vực phá sản. Khi đó 10.000 người lao động sẽ thất nghiệp, 50-60% số ngân sách sách của Quảng Ngãi sẽ không còn”, ông Lai lo lắng và tha thiết đề nghị các đại biểu Quốc hội hết sức thận trọng trước đề nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính.

“Bộ Tài chính phải có đánh giá cụ thể tác động của việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô thế nào, ngành công nghiệp ô tô trong nước đối chọi ra sao với xe nhập khẩu để khi các đại biểu Quốc bấm nút thông qua “đỡ run tay” chứ đừng để “cái xảy nảy cái ung”, đừng để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phá sản”, ông Lai tha thiết.

Ô tô lại có Dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt mới
Dự thảo mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô lại vừa được thay đổi so với cách đây ít ngày.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư