Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 12 năm 2024,
Shark Phú: Thời điểm khởi đầu tốt cho các ngành đã “đứng im” thời đại dịch
Khánh Linh - 14/12/2024 21:08
 
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse dự cảm về tình hình kinh doanh năm 2025.

Điểm khởi đầu tốt để đầu tư các ngành đứng im trong dịch

“Vì cuộc sống mà, sẽ phải quay lại thôi”, Shark Phú - nick name ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse lý giải khi chia sẻ những tính toán cá nhân về kinh tế năm 2025 tại Chương trình CEO Exchange: Chiến lược nào cho doanh nghiệp Việt do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội vừa tổ chức. 

Chương trình CEO Exchange: Chiến lược nào cho doanh nghiệp Việt do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT của Sunhouse cũng thừa nhận, năm 2025 là một năm khó dự báo cho dù những dữ liệu kinh tế vĩ mô khá tích cực. 

Thứ nhất, kinh tế toàn cầu cũng chưa thể phục hồi với tốc độ nhanh, do lãi suất của Fed vẫn neo ở mức cao. 

Thứ hai, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam năm 2024 là xuất khẩu và khu vực FDI, nên tác động lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp trong nước, thị trường trong nước sẽ cần độ trễ.

“Kinh tế đã thoát đáy, sẽ đi lên, đó là điều chắc chắn. Nhưng kinh tế có thể sẽ không tăng trưởng nhanh, ào ạt nên sẽ khó nhìn ra được những lĩnh vực có sự tăng trưởng đột biến như những năm trước”, ông lý giải.

Theo dự cảm của ông Phú, các ngành liên quan đến sản xuất, xuất khẩu và các ngành nghề liên quan vẫn tăng trưởng tốt. Tương tự, kinh doanh trên nền tảng số, gồm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nội dung số, games... sẽ tiếp tục theo xu hướng đi lên.

Đặc biệt, ông đặt cược vào sự trở lại của những ngành nghề “chết dấp” thời đại dịch. “Đây là điểm khởi đầu tốt để đầu tư, bắt đầu các ngành nghề này”, ông Phú khẳng định và gọi tên du lịch, ăn uống, nghỉ dưỡng và các dịch vụ, sàn phẩm liên quan.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về sự phục hồi có thể chưa bứt phá mạnh mẽ của du lịch như năm 2022. Nguyên nhân là những khó khăn trong thủ tục về visa và sự chưa trở lại của khách Trung Quốc.

Có thể hết đất cho một số ngành kinh doanh truyền thống

Kinh doanh truyền thống có thể tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí sẽ có những lĩnh vực sẽ đi xuống mãi, ông Phú cảnh báo.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Sunhouse dự báo: 2026-2029 sẽ là đỉnh của chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam

“Công nghệ thông tin, các nền tảng kinh doanh trực tuyến... rất phát triển sẽ hút nguồn lực đầu tư. Sự xoay chuyển của các ngành sẽ rất nhanh và sẽ có những ngành kinh doanh truyền thống thậm chí sẽ không còn đất”, ông Phú nói.

Với sự phát triển rất mạnh của các nền tảng thương mại điện tử, nhà sản xuất có thể đưa hàng đến từng người tiêu dùng cuối cùng trực tiếp, bỏ qua các trung gian phân phối. Trong đó, những nhóm hàng có giá trị nhỏ, không cần sờ mó, kiểm tra, nhưng không nhỏ quá, vì sẽ tổn phí vận chuyển sẽ được người tiêu dùng cuối cùng ưu tiên tìm kiếm trên các kênh bán hàng online. Như vậy, ông Phú tính toán, các nhóm hàng có giá bán từ 500.000 đến 2 triệu đồng, chi phí vận chuyển sẽ khoảng 3-5% có lợi thế trên các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam còn cần phải lưu tâm đến sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc, với lợi thế vừa là nhà sản xuất, vừa là nơi phát triển các nền tảng thương mại điện tử.

Cũng có nghĩa là, không chỉ các trung gian phân phối hàng truyền thống, những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có giá người dùng trung bình trong khoảng trên mà không tham gia thương mại điện tử sẽ rất nguy hiểm, nếu chỉ dựa vào kênh truyền thống. 

"Nếu các doanh nghiệp không thay đổi, không dám thay đổi, cứ lê lết cố bán hàng theo cách truyền thống thuần túy thì có thể không còn đất. Hãy tính tới việc cắt bỏ, thay đổi theo đúng xu hướng", ông khuyến cáo.

Tuy nhiên, ông Phú cũng lưu ý, những doanh nghiệp tận dụng chính sách thương mại Mỹ  - Trung, tìm kiếm được cơ hội hợp tác, kinh doanh, sản xuất các hàng hóa thay thế sẽ có bước đột phá rất lớn. Thậm chí, ông Phú cho rằng, đây là cơ hội "lột xác" của các doanh nghiệp sản xuất.

"Việc chuyển hóa được những dữ liệu của kinh tế vĩ mô, các chính sách kinh tế quốc tế vào từng ngành, từng doanh nghiệp rất khó, cần sự phân tích rất chuyên sâu của doanh nghiệp. Nhưng đây là thời điểm các doanh nghiệp cần nhìn nhận, phân tích để có có sự chuẩn bị, vì dòng tiền lớn đổ vào đâu sẽ dần tạo ra tác động lan tỏa. Tôi tin là những dòng vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam trong năm 2024, sự gia tăng giải ngân vốn đầu tư công trong các năm qua sẽ tạo tác động lan tỏa tới thị trường trong nước, tới nhiều ngành, lĩnh vực trong năm 2025", ông Phú nói.

Trong xu hướng này, ông dự báo, 2026-2029 sẽ là đỉnh của chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế Việt Nam.

Shark Phú: Năm 2021 là năm tốt, cực tốt
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt là chủ đề của Tọa đàm Triển vọng kinh doanh năm 2021 do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư