Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 15/8: Chính phủ đồng ý mua gần 20 triệu liều vắc-xin Pfizer; Hà Nội ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng
D.Ngân - 15/08/2021 09:53
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Thêm 9.574 người mắc Covid-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày18h ngày 14/8 đến 18h ngày 15/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận Thêm 9.574 người mắc Covid-19

So với ngày 14/8, số ca nhiễm ghi nhận trong ngày 15/8 giảm 136 người. TP.HCM tăng 285 ca, Bình Dương tăng 329 ca, Đồng Nai giảm 477 ca.

Trong bản tin tối 15/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng công bố 337 ca tử vong, trong đó TP.HCM (282), Bình Dương (20), Long An (9), Tiền Giang (6), Đồng Nai (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (2), Sóc Trăng (2), Trà Vinh (2), Cần Thơ (1), Hải Phòng (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Quảng Nam (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 15/8 là 5.774, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỷ lệ tử vong trên một triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do Covid-19).

***

Sáng 15/8, những tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn một tại Đại học Y Hà Nội.

Các tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi vắc-xin ARCT-154 hoặc giả dược cách nhau 28 ngày. Các dữ liệu an toàn sau tiêm mũi một (ngày 1) đến 7 ngày sau tiêm mũi 2 (ngày 36) sẽ được đánh giá.

Đây là loại vắc-xin chứa RNA tự nhân bản, được cải tiến để có thể phòng, chống được các biến chủng nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma...

Đây cũng là loại vắc-xin thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người, sau Nano Covax và Covivac.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết vắc-xin này sử dụng công nghệ mRNA của Arcturus. Đây là công nghệ tương tự vắc-xin Pfizer và Moderna đã được phê duyệt.

Bộ Y tế mong muốn quá trình nghiên cứu cố gắng cuối năm hoàn thiện cả pha 3, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc-xin ở khu công nghệ cao Hòa Lạc.

"Vắc-xin này được tổ chức thử nghiệm tại Đại học Y Hà Nội, chúng tôi rất tin tưởng và mong mỏi nghiên cứu sớm hoàn thiện để thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Nỗ lực giảm ca bệnh Covid-19 tử vong

Về công tác chống dịch, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chỉ ra còn một số tồn tại, thách thức như công tác tổ chức thực hiện tại một số nơi, một số thời điểm chưa nghiêm; chưa có sự thống nhất trong quy định của các địa phương đối với việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dẫn đến có tình trạng ùn ứ hàng hóa, ách tắc giao thông liên tỉnh.

Công tác tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa bàn chưa tốt dẫn đến việc trả kết quả chậm, do vậy không kịp thời phát hiện trường hợp F0 để đưa ra khỏi cộng đồng và tổ chức cách ly, khoanh vùng, làm tăng tốc độ lây nhiễm và tăng nhanh số ca mắc trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị chưa thực sự hiệu quả dẫn đến người bệnh được chuyển tuyến muộn ở một số nơi, làm giảm cơ hội cứu chữa; việc tổ chức tiêm vaccine chưa đáp ứng được tiến độ mong muốn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết ngay trong hôm nay (15/8) Bộ đã gửi lấy ý kiến và ban hành hướng dẫn về tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh phù hợp với tình hình tại các địa phương.

Để tăng hiệu quả chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiều tỉnh đang phải đối mặt với thực tiễn hằng ngày số người nhiễm rất nhiều, ca bệnh tăng liên tục, trong khi năng lực điều trị tại chỗ rất hạn chế cả về người và trang thiết bị dù có sự chi viện của Trung ương cũng như các tỉnh thành khác.

Đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Phó Thủ tướng đề nghị kiểm soát chặt người, phương tiện ra, vào tại một số địa phương sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh, được coi là vùng xanh an toàn gồm 8 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh; ở khu vực Tây Nguyên là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Lâm Đồng. Kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện di chuyển qua hầm đèo Hải Vân. Tất cả lái xe, người đi trên xe khi ra, vào những địa phương này đều phải xét nghiệm nhanh.

Các địa phương, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện phong tỏa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cần "thần tốc" xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh nhất, phong tỏa ổ dịch, cách ly bằng được nguồn lây, phân loại F0 để điều trị phù hợp. Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp, chủ động thực hiện cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà). Đối với địa bàn ít ca mắc, vẫn phải cách ly tập trung. Tăng cường kiểm tra để thực hiện thật chặt, thật nghiêm công tác này.

Các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế rà soát, hoàn thiện các quy định về chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh và những người nghi nhiễm đang cách ly nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm, người nhiễm bệnh có triệu chứng, người bệnh tăng nặng…, giảm tỷ lệ diễn biến nặng hơn ở tất cả các tầng, các lớp chăm sóc, điều trị.

Tổ chức việc huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số mắc bệnh lớn, nhiều bệnh nhân nặng (như TP.HCM, Bình Dương...). Hướng dẫn cách làm các túi thuốc an sinh, cấp miễn phí và hướng dẫn các F0 tại nhà sử dụng.

Đặc biệt, để giảm tỷ lệ tử vong, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gợi ý một số biện pháp để Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể, như ưu tiên tiêm, bao phủ vắc-xin cho các đối tượng trên 50 tuổi, có điểm tiêm riêng cho người cao tuổi. Giảm số ca mắc, hướng dẫn cụ thể về việc cần làm để duy trì vùng xanh bền vững.

Loại bỏ ngay các giấy tờ thủ tục hành chính với các trường hợp nhập viện cấp cứu, nhập viện trước, làm thủ tục sau. Tiếp tục nghiên cứu thí điểm theo dõi, điều trị F0 hiệu quả ngay tại cộng đồng thông qua các tổ y tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở y tế cần nâng cao năng lực bệnh viện tuyến huyện, nơi gần người bệnh nhất, Bộ Y tế hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ từ xa cho tuyến huyện, huyện hướng dẫn tuyến xã, tăng cường trang thiết bị, ô xy, giường ICU...

Đồng thời tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vacine đã được cấp phép theo quy định về Việt Nam: Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm  sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vắc-xin trong khi đang rất khan hiếm vắc-xin và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý ngay những hành vi tiêu cực trong việc tiêm vắc-xin như trả tiền để được tiêm. Nghiên cứu tăng thêm phụ cấp cho đội ngũ làm nhiệm vụ tiêm vắc-xin.

Các địa phương tăng cường hoạt động hiệu quả của Tổ Covid cộng đồng, tổ chức các kênh, nhân lực ứng trực 24/24 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các phản ánh, yêu cầu của người dân. Không để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân mọi lúc, mọi nơi.

Gần 6.000 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 6 được ra viện

Sau hơn 1 tháng tiếp nhận các ca nhiễm Covid-19, tính đến chiều 15/8, tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện tại Bệnh viện Dã chiến số 6 lên tới gần 6.000 người.

Bệnh viện Dã chiến số 6 (khu tái định cư Bình Khánh, phường An Khánh, TP. Thủ Đức) bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 11/7 với quy mô 4.000 giường.

Bác sĩ Trần Văn Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 6 cho biết, sau hơn 1 tháng tiếp nhận các ca nhiễm Covid-19, tính đến chiều 15/8, tổng số bệnh nhân nhập viện trên 8.200 trường hợp, trong đó gần 6.000 người được điều trị khỏi và ra viện.

Hiện, Bệnh viện Dã chiến số 6 hiện đang điều trị khoảng 2.300 bệnh nhân Covid-19. Lực lượng gồm 131 bác sĩ và hơn 200 điều dưỡng chủ yếu đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình…

Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới

Chiều ngày 15/8, thông tin từ CDC Hà Nội, từ trưa ngày 15/8 đến chiều 15/8 Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới. Trong ngày, Hà Nội có tổng số 35 ca Covid-19. Đây là số ca mắc khá thấp trong những ngày gần đây.

Trước đó, trưa 15/8, 27 trường hợp mới được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 gồm: 6 mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2 tại khu vực nguy cơ cao gồm: Láng Hạ (Đống Đa), Văn Chương (Đống Đa) và Văn Miếu (Đống Đa). Họ có độ tuổi từ 42 đến 83.

Thành phố cũng phát hiện 1 trường hợp có biểu hiệu ho, sốt trong cộng đồng nhiễm virus qua quá trình xét nghiệm sàng lọc là L.T.T., nữ, 67 tuổi, trú tại Phương Liên, Đống Đa. Bà T. bắt đầu có biểu hiện ho, mệt mỏi từ ngày 9/8.

Ngoài những trường hợp trên, nhóm còn lại đều là F1, liên quan F0 phát hiện qua sàng lọc trước đó. Họ có độ tuổi từ 2 đến 84, trú tại các khu vực: Đội Cấn (Ba Đình); Văn Miếu (Đống Đa); Khương Trung (Thanh Xuân); Phùng Xá (Thạch Thất); Liên Ninh (Thanh Trì); Tiên Dương và Kim Chung (Đống Đa).

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.202 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố hiện vẫn phức tạp, các ca nhiễm ngoài cộng đồng tiếp tục gia tăng. Do đó, ngành y tế sẽ tận dụng thời gian Thành phố giãn cách thêm 15 ngày để vét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.

Thông qua chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người nguy cơ và sống tại khu vực nguy cơ, Hà Nội đã phát hiện tổng cộng 29 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Cần Thơ cho phép 2 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao thực hiện cách ly y tế tập trung

Ngày 15/8, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố đã ký Quyết định cho phép 02 khách sạn tiêu chuẩn 05 sao tại Cần Thơ thực hiện cách ly y tế tập trung trong phòng, chống COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả, theo đơn đăng ký của 2 đơn vị này.

Khách sạn Vinpearl Hotel Cần Thơ được phép thực hiện cách ly y tế tập trung trong phòng, chống COVID-19. Ảnh: Anh Khoa

Cụ thể, tại Quyết định số 151/QĐ-BCĐ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ cho phép Khách sạn Vinpearl Hotel Cần Thơ thuộc Chi nhánh Cần Thơ - Công ty CP Vinpearl, có địa chỉ tại số 209 đường 30/4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ thực hiện cách ly y tế tập trung trong phòng, chống COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả theo quy định tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại Quyết định số 152/QĐ-BCĐ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ cho phép Khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ thuộc Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, có địa chỉ tại Khu E1, Cồn Cái Khế, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ thực hiện cách ly y tế tập trung trong phòng, chống COVID-19 do người được cách ly tự nguyện chi trả theo quy định tại Quyết định số 1246/QĐ-BYT ngày 20/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ ủy quyền cho UBND quận Ninh Kiều ban hành quyết định thành lập Ban điều hành cơ sở cách lý tập trung tại Khách sạn Vinpearl Hotel Cần Thơ và Khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ theo quy định.

***

Báo cáo sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ (Sau 27 ngày thực hiện giãm cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg) của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2020 đến ngày 07/7/2021, Thành phố ghi nhận 35 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó 34 trường hợp nhập cảnh và 01 trường hợp về từ vùng dịch Bắc Giang). Đã điều trị khỏi 35/35 ca mắc.

Tuy nhiên, từ ngày 8/7/2021 đến nay, Thành phố liên tục ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng tại chợ đầu mối Tân An có nguồn lây từ bên ngoài, số lượng F0 tăng nhanh, đã xâm nhập chợ, siêu thị, nhà máy, đặc biệt có trường hợp F0 xuất hiện trong cơ quan hành chính nhà nước, nhiều F0 chưa rõ nguồn lây, trong đó tập trung nhiều ở quận Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, huyện Thới Lai. Cụ thể, tính đến 17h00 ngày 14/8/2021, Thành phố đã có 3.101 ca mắc COVID-19.

Theo đánh giá mức độ nguy cơ tại Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, TP. Cần Thơ thuộc nhóm nguy cơ rất cao. Trong đó, có 7/9 quận, huyện của Thành phố thuộc nhóm nguy cơ rất cao, 01/9 nhóm nguy cơ cao (huyện Thới Lai) và 01/9 thuộc nhóm nguy cơ (huyện Vĩnh Thạnh).

Theo kế hoạch, TP. Cần Thơ thành lập 75 khu cách ly y tế tập trung với khả năng tiếp nhận 11.473 công dân. Trong đó, đã kích hoạt 44 khu cách ly với khả năng cách ly 7.559 công dân. Tính đến nay, có 31 khu cách ly đã tiếp nhận 1.593 công dân; khả năng cách ly còn lại 5.966 công dân.

TP.HCM đã triển khai tiêm 85.608 liều vắc-xin Vero Cell

Trong ngày 14/8, TP.HCM đã tiêm 85.608 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Tất cả là vắc-xin Vero Cell của Sinopharm. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định và an toàn.

Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện có 2 quận/huyện đã hoàn thành công tác tiêm chủng mũi 1 cho người trên 18 tuổi là Phú Nhuận và Cần Giờ. Có hai quận không tổ chức tiêm ngày 14/8 là quận 3 và quận 12, nhưng từ ngày 15/8 sẽ triển khai tiêm bình thường. Như vậy, từ 22/7 đến hết 13/8, TP.HCM đã tiêm được cho 3.490.295 người. Tất cả đều an toàn.

Trong ngày 14/8, quận Gò Vấp tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng tại các điểm tiêm trên địa bàn. Hiện quận Gò Vấp đã tiêm hơn 2.000 liều vắc-xin Vero Cell. Quá trình tiêm diễn ra an toàn và đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Đại diện Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân, ngoài 6 điểm tiêm đang triển khai, quận đã thành lập thêm điểm tiêm tại Trung tâm Thể dục Thể thao quận và điểm tiêm tại các phường: 5, 12, 14; đồng thời triển khai tiêm lưu động bằng xe chuyên dụng cho người cao tuổi, người đi lại khó khăn…

***

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính đến 6 giờ ngày 15/8/2021, có 147.929 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, trong đó 147.533 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 396 trường hợp nhập cảnh.

Hiện các cơ sở y tế của Thành phố đang điều trị cho 32.293 bệnh nhân, trong đó 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 14/8 có 3.417 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 70.727 bệnh nhân. Có 285 trường hợp tử vong trong ngày. Trong ngày không phát hiện thêm ổ dịch mới. Hiện có 20 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Hiện TP.HCM có 35.900 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó có 11.444 trường hợp F0 mới và 24.456 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Thời gian tới TP.HCM tiếp tục ưu tiên tối đa công tác phòng chống dịch và đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết. Thành phố đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca mắc Covid-19 về mức thấp nhất.

Vĩnh Long tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 25/8

Ngày 15/8, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16.

Theo đó Vĩnh Long kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 10 ngày, bắt đầu từ 0 giờ 00 phút ngày 16/8 đến hết ngày 25/8. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, người dân được yêu cầu không ra đường trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau.

Tính đến 07 giờ sáng ngày 15/8, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 23 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 nâng tổng số ca nhiễm toàn Tỉnh lên 1.705 ca.

Chính thức thử nghiệm vắc-xin ARCT-154

Hôm nay (15/8), Trường Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 giai đoạn 1.

Giai đoạn này được thực hiện trên 100 người tình nguyện khỏe mạnh phân nhóm ngẫu nhiên theo tỉ lệ 3:1 (75 người tiêm ARCT-154 và 25 người tiêm giả dược) nhằm đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Người tình nguyện được tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc giả dược cách nhau 28 ngày.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 6h ngày 15/8, thông qua chiến dịch mở rộng xét nghiệm sàng lọc vừa qua, thành phố đã lấy được tổng cộng 281.894/300.000 mẫu bệnh phẩm dự kiến. 

Vắc-xin ARCT-154 được sản xuất theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA - mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc-xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Gamma, Delta…

Đây là lần đầu tiên công nghệ này được áp dụng tại Việt Nam và do Công ty CP Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc VinGroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Mỹ. VinBioCare đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Chính phủ đồng ý mua bổ sung gần 20 triệu liều vắc-xin của Pfizer

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về mua bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 của Chính phủ về mua vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung trong Tờ trình số 341/TTr-BYT ngày3-8-2021 và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc-xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer để có vắc-xin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vắc-xin.

Dự kiến trong quý III và quýIV4/2021 vắc-xin sẽ về hàng tuần.

Theo Bộ Y tế, Vắc-xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech là vắc-xin RNA (mRNA), giúp các tế bào cơ thể tạo ra một loại protein vô hại. Sau đó, protein vô hại này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại virus SARS-COV-2.

Vắc xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech được Tổ chức Y tế thế giới thông qua chấp thuận sử dụng vắc xin trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Vắc xin này đã được nhiều quốc gia trên thế giới cấp phép lưu hành và sử dụng.

Tại Việt Nam vắc-xin Comirnaty của Pfizer - BioNTech đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Hà Nội - dịch có xu hướng giảm

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội sáng 15/8, thành phố phát hiện thêm 5 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 là F1 với F0 phát hiện qua sàng lọc trước đó. Trước đó trong ngày 14/8, số ca mắc của Hà Nội cũng chỉ ghi nhận 41 ca bệnh, trong khi đó ngày 13/8 số ca mắc ở thành phố ở mức 3 con số.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.175 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 6h ngày 15/8, thông qua chiến dịch mở rộng xét nghiệm sàng lọc vừa qua, thành phố đã lấy được tổng cộng 281.894/300.000 mẫu bệnh phẩm dự kiến. Qua đó, Hà Nội phát hiện 23 trường hợp dương tính với virus, 266.885 người âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.

Hiện Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 6h ngày 23/8. Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nhấn mạnh giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để dập tắt ổ dịch, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng nhân dân.

Nếu không thực hiện giãn cách xã hội kịp thời, Hà Nội có thể đã không giữ được tình hình dịch như hiện nay. Và nếu dừng giãn cách xã hội, thành phố sẽ không thể giữ được thành quả hiện tại, không có đủ điều kiện để kiểm soát và tiến tới khống chế dịch.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố hiện vẫn phức tạp, các ca nhiễm ngoài cộng đồng tiếp tục gia tăng. Do đó, ngành y tế sẽ tận dụng thời gian thành phố giãn cách thêm 15 ngày để vét sạch F0 ra khỏi cộng đồng.

Bình Dương thí điểm điều trị F0 không triệu trứng tại nhà

Tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn cho thực hiện theo dõi y tế tại nhà đối với những người nhiễm Covid-19 không triệu chứng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương tổ chức thí điểm cách ly y tế F0 tại nhà và giao Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể điều kiện, đối tượng, quy trình và phương án thực hiện cụ thể.

Đối với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại cơ sở y tế hoặc các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện trong cộng đồng và F1 ít nguy cơ, có đủ điều kiện theo quy định cũng được tổ chức cách ly tại nhà theo hướng dẫn.

Riêng các trường hợp F1 đã cách ly y tế tập trung 7 ngày, nếu kết quả xét nghiệm ngày thứ 1, ngày thứ 7 âm tính (thực hiện xét nghiệm PCR ngày thứ 7) thì xem xét cho cách ly tại nhà trong 7 ngày tiếp theo và phải thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 14 theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Thống kê sơ bộ, hiện đang có 967 trường hợp người nhiễm Covid-19 đang được theo dõi y tế tại nhà.

Để hỗ trợ cho người nhiễm Covid-19 theo dõi cách ly y tế tại nhà, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thành lập những đội hỗ trợ nhanh, đường dây nóng để tư vấn, nắm thông tin và kịp thời xử lý khi người dân cần.

Bà Phạm Thị Thảo, Phó chủ tịch UBND Thị xã Bến Cát, cho biết thị xã có 12 đội hỗ trợ nhanh, ở tất cả các xã, phường. 

Trong đó, mỗi đội đều được bố trí đầy đủ phương tiện để sẵn sàng giúp đỡ người dân và người bệnh, đồng thời công bố số điện thoại đường dây nóng của thị xã với thời gian làm việc 24/7 để người dân liên hệ phản ánh liên quan tình trạng bản thân, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ thực phẩm thiết yếu, tiếp nhận các thông tin phản ánh, yêu cầu của người dân trên địa bàn thị xã trong thời gian giãn cách xã hội.

“Thị xã Bến Cát đã cho phép 55 trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng được theo dõi y tế tại nhà tại 5/8 xã, phường. Đến nay, 15 trường hợp đã khỏi bệnh và tiếp tục theo dõi y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế”, bà Thảo cho biết.

Cho phép người nhiễm Covid-19 không triệu chứng được theo dõi y tế tại nhà giúp giảm tải cho các cơ sở y tế. Mô hình này rất phù hợp với thị xã Bến Cát hiện nay. Tuy nhiên, để được theo dõi cách ly y tế tại nhà điều kiện quan trọng là người nhiễm không có triệu chứng. Nhà phải rộng, có phòng riêng, khép kín.

Những trường hợp người nhiễm Covid-19 có thể gọi điện đến nhân viên trạm y tế và số điện thoại đường dây nóng của tỉnh, huyện và trung tâm y tế để được giúp đỡ về cấp cứu, chuyển viện, tư vấn sức khỏe…

Để quyết định cho phép người nhiễm Covid-19 không triệu chứng được cách ly y tế tại nhà, khâu khám sàng lọc cần được thực hiện kỹ, người nhiễm không có bệnh lý nền, phải cam kết tuân thủ quy định về cách ly y tế. 

“Đây là hướng mới, người dân có nhu cầu được ở nhà giúp họ có tâm lý thoải mái từ đó nhanh khỏi bệnh”, bà Thảo khẳng định.

Ban Dân vận Trung ương đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động; sớm nghiên cứu tiêm vắc-xin dịch vụ
Theo Ban Dân vận, tiêm vắc-xin dịch vụ không chỉ giúp doanh nghiệp có nhu cầu có thể bảo vệ sức khỏe người lao động mà còn đảm bảo sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư