Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 25/7: Việt Nam tiếp nhận 3 triệu liều vắc-xin Moderna, Hà Nội thêm 10 ca nhiễm mới
D.Ngân - 25/07/2021 08:19
 
Việt Nam đã tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX.

(Tiếp tục cập nhật)

Hơn 5 triệu liều vắc-xin Modern đã về Việt Nam

Chiều tối ngày 25/7, chiếc máy bay chở hơn 1,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Moderna đáp xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Số vắc-xin này nằm trong hơn 3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Với hơn 3 triệu liều đã tiếp nhận đã nâng tổng số vắc-xin do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thông qua cơ chế COVAX lên đến hơn 5 triệu liều.

Ngoài Moderna, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 14 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 thông qua các nguồn khác nhau, trong đó có 7.493.300 liều vắc-xin Covid-19 với 4 lô hàng từ cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca, còn lại là các vắc-xin từ nguồn khác như Pfizer, Sinopharm.

Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 25/7, tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm tại Việt Nam là 4.535.741 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

Tại buổi tiếp nhận, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa của phía Hoa Kỳ đối với Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh và phức tạp tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam và nguồn cung vắc-xin toàn cầu tiếp tục khan hiếm trầm trọng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiếp tục phối hợp với Cục Vận tải và Quân khu 2, Bộ Quốc phòng trong việc tiếp nhận số vắc-xin này về kho vắc-xin của Chương trình Tiêm chủng Quốc gia.

Dự kiến số vắc-xin này sẽ được lấy mẫu kiểm định và cấp phát đến các địa phương, kịp thời sử dụng ngay trong cuối tháng 7 này.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ vận chuyển lô vắc-xin Covid-19 này, Thượng tá Hoàng Minh Nhuệ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 971, Cục Vận tải, Tổng Cục Hậu cần Bộ Quốc phòng cho biết, để vận chuyển lô vắc-xin này về kho bảo quản, Lữ đoàn đã nhanh chóng khẩn trương triển khai, lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm tổ chức chỉ huy, lái xe có kinh nghiệm chuyên môn cao.

“Lữ đoàn đã tổ chức hướng dẫn cho lực lượng tham gia vận chuyển nắm chắc về quy trình giao nhận, vận chuyển vắc-xin cũng như quy trình xử trí sự cố trong quá trình vận chuyển để đảm bảo vận chuyển vắc-xin được đầy đủ, kịp thời, an toàn, chất lượng”, Thượng tá Hoàng Minh Nhuệ cho biết.

***

Hơn 1.300 người lên đường chống dịch theo lời hiệu triệu của lãnh đạo Bộ Y tế

Đến chiều ngày 25/7, đã có hơn 1.300 lượt người đăng ký, trong đó đối tượng là bác sĩ có trình độ đại học gần 300 người; dược sĩ là 200 người; các ngành nghề khác gần 700 người.

Chủ yếu những tình nguyện viên này hiện đang sinh sống tại TP.HCM, chỉ có một số nhỏ là ở khu vực ngoại thành.

Dự kiến, trong thứ Hai tuần tới, TP.HCM và Sở Y tế sẽ phân bổ số nhân lực tình nguyện này đến các cơ sở điều trị và các quận, huyện có nhu cầu về nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố.

Về ca mắc Covid-19, theo Bộ Y tế, trong ngày 25/7, Việt Nam có 7.525 ca Covid-19. TP.HCM vẫn có số ca mắc cao nhất với 4.555 ca, Bình Dương (1.249), Tây Ninh (313), Đồng Nai (253), Tiền Giang (218)…

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ 27/4 đến nay là 94.717. Trong đó, 16.564 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của Trung ương, địa phương chi viện cho TP.HCM và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ địa phương khi vượt quá khả năng.

"Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáng 25/7 về công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nêu rõ nếu dịch bệnh lây lan vào hệ thống cảng biển, cơ sở dầu khí sẽ tác động đến toàn bộ mạng lưới vận tải, logistic của Việt Nam cũng như các hoạt động kinh tế dầu khí của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh này đã giãn cách xã hội thì phải đúng giãn cách, đã cách ly là đúng cách ly. Tuyệt đối không để giãn cách nhưng vẫn giao lưu, tụ tập đông người. Tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Đối với xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị tương đối đầy đủ nhân lực, máy móc xét nghiệm, sinh phẩm và cần cố gắng bám sát các hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR, mẫu đơn, mẫu gộp, để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.

Thông tin xét nghiệm phải được cập nhật liên tục lên hệ thống dữ liệu dịch bệnh toàn quốc để phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch của địa phương và cả nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung lực lượng lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc tại các chợ cá, khu vực đông dân cư, chợ dân sinh để nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, dập dịch.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cần điều chỉnh chiến lược xét nghiệm, trong đó xét nghiệm nhanh chỉ dùng ở những khu vực dịch đậm đặc, có thể dùng mẫu gộp kết hợp với xét nghiệm RT-PCR. Trong sàng lọc nguy cơ thì tiến hành xét nghiệm sàng lọc mẫu gộp 10 mẫu đơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế, kết hợp xét nghiệm nhanh với xét nghiệm RT-PCR không chỉ tránh lãng phí mà còn tránh cả tâm lý chủ quan.

Chỉ sử dụng xét nghiệm nhanh đối với những vùng dịch, ổ dịch đậm đặc cần bóc ngay F0 ra khỏi cộng đồng, còn những khu vực khác thì ưu tiên sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp rà quét những vùng có dịch để làm sạch, giữa chắc vùng đã an toàn.

Trong điều trị, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý các khu thu dung F0 chưa có triệu chứng phải bố trí nhân viên y tế theo dõi sát để xử lý kịp thời những trường hợp chuyển sang có triệu chứng, chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên.

Thực hiện cấp, phát ngay các loại thuốc đông y, tây y cho các F0, F1, người dân trong khu phong toả theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nâng cao thể trạng cho các F0, F1, hỗ trợ dự phòng điều trị Covid-19.

Hệ thống các bệnh viện phải bảo đảm an toàn tối đa, tăng tần suất xét nghiệm sàng lọc định kỳ, những người có triệu chứng nghi nhiễm phải được xét nghiệm ngay.

***

Trưng dụng nhà xưởng để xây dựng Bệnh viện dã chiến lớn nhất tại Bình Dương

Với quy mô 6.000 giường, Bệnh viện dã chiến Bình Dương đang được thiết lập trên một phần nhà xưởng trong khu công nghiệp Thới Hòa, thị xã Bến Cát. Đây được xem là bệnh viện dã chiến có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Công suất của bệnh viện dự kiến lên tới 6.000 giường bệnh, trong đó có 200 - 300 giường hỗ trợ máy thở với 250 nhân sự là y, bác sĩ và đội ngũ hậu cần hỗ trợ.

Bệnh viện Dã chiến số 2 tỉnh Bình Dương được chia làm 2 khu, mỗi khu quy mô 3.000 giường bệnh.

Tất cả việc quản lý tại đây đều được số hóa để giảm tải nhân lực, tránh quá tải trong quá trình vận hành. Số liệu sẽ được cập nhật 15 phút/lần, hệ thống camera giám sát có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường cho biết, Bệnh viện Dã chiến số 2 sẽ là nơi điều trị tầng 2 tức thu dung các bệnh nhân trung bình và nặng, trường hợp rất nặng sẽ được chuyển sang Bệnh viện dã chiến Becamex Bình Dương.

Trước đó, sáng ngày 24/7, Bình Dương đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng vắc-xin và ra quân phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong vòng 2 tuần.

***

Các ca bệnh nặng ở Đồng Tháp đang được kiểm soát

Gần 20 bệnh nhân tại khoa Hồi sức tích cực (ICU) của Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp có tiên lượng rất nặng. Bên cạnh tổ công tác của Bộ Y tế, chuyên gia hồi sức tích cực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bắc Giang và Bắc Ninh đã được huy động tới Đồng Tháp với mục tiêu hạn chế tối đa nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân nặng.

Đồng Tháp đang thực hiện giãn cách toàn tỉnh theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, vẫn tiếp tục ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng khi đến khám tại cơ sở y tế. Sàng lọc chủ động đã phát hiện ca mắc mới tại các khu vực chợ đầu mối, chợ dân sinh. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong thời gian tới khi tăng cường xét nghiệm diện rộng và nếu không thực hiện nghiêm việc giãn cách theo chỉ thị 16.

Đặc biệt, có gần 20 bệnh nhân tại khoa ICU Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Vậy nên song song với xét nghiệm diện rộng, khống chế lây lan thì Đồng Tháp phải nâng cao năng lực điều trị.

Để sớm phát hiện ca bệnh, theo yêu của của đại diện Bộ Y tế, Đồng Tháp cũng phải đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực Sa Đéc, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh.

Chính quyền các phường, khóm, ấp phải cử cán bộ hỗ trợ các tổ lấy mẫu trong công tác phân luồng, giãn cách những người được lấy mẫu nhằm phòng chống nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra cộng đồng.

Phân công cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ các quy định tại các khu cách ly y tế tập trung qua camera giám sát kết nối tập trung. Hiện nay đã có kết nối tuy nhiên chưa rõ ai chịu trách nhiệm giám sát qua camera.

***

Đã có 730 bệnh nhân ở Bệnh viện Dã chiến số 8 được xuất viện

Tại các Bệnh viện Dã chiến ở TP.HCM, công tác tiếp nhận, điều trị đã đi vào quy củ, nhờ sự nhập cuộc nhanh của đội ngũ các y bác sĩ từ các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM. Nhiều bệnh nhân Covid-19 từ các bệnh viện này đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Đến ngày 25/7 đã có 730 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 8 được xuất viện. Việc quản lý, thu dung bệnh nhân làm theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sau khi các ca khỏi bệnh xuất viện, Bệnh viện Dã chiến số 8 tiếp tục tiếp nhận các ca mắc mới. Với quy mô gần 4.000 giường, bệnh viện được trang bị phương tiện đủ sức điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ đến trung bình.

Bệnh viện cũng thiết lập một bộ phận hồi sức tích cực để kịp thời điều trị những bệnh nhân trở nặng trong khi chờ đợi chuyển lên tuyến trên.

Theo lãnh đạo Bệnh viện, vừa qua tại Bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp lúc vào thì khỏe mạnh nhưng 4 tiếng sau thì suy hô hấp. Nhờ có đơn vị hồi sức tại chỗ mà bệnh nhân này đã được thở ô xy và xử lý kịp thời, không để chuyện đáng tiếc xảy ra.

***

TP.HCM: Đặt hàng các cơ sở y tế đủ năng lực tham gia xét nghiệm Covid-19

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) về việc triển khai đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM giao HCDC khẩn trương triển khai, ký hợp đồng đặt hàng với các cơ sở y tế bộ, ngành và các cơ sở y tế ngoài công lập có phòng xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, để xét nghiệm mẫu cho Thành phố.

Tùy theo năng lực xét nghiệm, các đơn vị sẽ được phân bổ số lượng mẫu phù hợp để đảm bảo trả kết quả trong vòng 12-24 giờ sau khi lấy mẫu. Giá xét nghiệm tối đa 616.200 đồng/mẫu, do ngân sách nhà nước chi trả.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản gửi các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, HCDC, Trung tâm y tế, phòng y tế… để hướng dẫn thực hiện xét nghiệm với từng nhóm đối tượng nguy cơ.

Theo đó, đối với trường hợp F1 trong cộng đồng, không áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR đối với từng mẫu đơn để sàng lọc. Thay vào đó, thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh để sàng lọc, nếu kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính thì thực hiện xét nghiệm mẫu đơn RT-PCR.

Với trường hợp F1 cách ly tập trung, đến ngày thứ 7 có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính thì đủ điều kiện chuyển về tiếp tục cách ly tại nhà.

Trường hợp F1 cách ly tại nhà thì thực hiện xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên thay vì xét nghiệm RT-PCR.

Đối với vùng nguy cơ rất cao và vùng nguy cơ cao, các đơn vị thực hiện xét nghiệm gộp mẫu trong test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 theo hộ gia đình. Tiến hành giải gộp ngay bằng test nhanh đối với mẫu gộp có kết quả dương tính. Khẳng định lại bằng phương pháp Realtime RT-PCR với những mẫu đơn có kết quả test nhanh dương tính. Lặp lại xét nghiệm test nhanh sau 72 giờ và thực hiện tối thiểu 3 lần (riêng lần thứ ba thực hiện mẫu gộp nhiều hộ gia đình).

Riêng khu vực nguy cơ, thực hiện xét nghiệm gộp mẫu trong test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 đối với từng hộ gia đình tương tự như vùng nguy cơ cao trong lần thứ nhất. Sau 5 ngày, thực hiện xét nghiệm lần 2 bằng Realtime RT-PCR gộp 10 mẫu.

Còn tại khu vực cộng đồng bình thường mới, thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình.

Tại Hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 toàn Thành phố (23/7), ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, từ ngày 9/7 đến ngày 23/7, TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho hơn 1,6 triệu mẫu. Trong đó có hơn 1,3 triệu mẫu được test kháng nguyên nhanh và RT-PCR. Công tác xét nghiệm được triển khai đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm kiểm soát và tách F0 ra khỏi cộng đồng.

***

Trong 11 tiếng, TP.HCM ghi nhận 2.328 trường hợp nhiễm mới

Tính từ 19 giờ ngày 24/7 đến 6 giờ sáng nay (25/7) TP.HCM ghi nhận thêm 2.328 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có gần 58.200 trường hợp mắc Covid-19.

Hiện nay, số lượng ca mắc Covid-19 ngày càng tăng, trong đó có nhiều trường hợp là người bệnh tâm thần.

Để sẵn sàng ứng phó với tình hình mới, Thành phố thực hiện chuyển đổi một phần công năng của Bệnh viện Tâm thần cơ sở 2 (địa chỉ F4/12 Tỉnh lộ 10, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân cho người bệnh tâm thần mắc Covid-19 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ ngày 26/7.

Theo đó, bệnh viện sẽ được tách thành 2 khu vực riêng biệt: một khu vực để điều trị bệnh nhân không mắc Covid-19 và một khu vực tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với quy mô 100 giường (10 giường hồi sức cấp cứu).

Để nhanh chóng khống chế dịch bệnh, đưa TP.HCM sớm trở lại cuộc sống bình thường, PGS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe cùng tham gia hỗ trợ vào công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh tại TP.HCM.

Trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19, TP.HCM luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của người dân.

Để cùng Thành phố giành thắng lợi trong cuộc chiến này, mỗi người dân hãy thực hiện tốt nhất có thể các biện pháp phòng bệnh, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thông điệp 5K của Bộ Y tế và nhất là đảm bảo giãn cách, thực hiện triệt để “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình”.

Tất cả cần chung tay, cùng nhau khống chế dịch bệnh đưa Thành phố sớm quay lại cuộc sống bình thường.

*** 

Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc mới tại 6 ổ dịch

Sáng ngày 25/7, thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2 tại 6 ổ dịch. 

4 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Bắc Giang tại công ty SEI; 2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng.

1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng (thứ phát) là N.T.T.H, nữ, sinh năm 1994, Phụng Châu, Chương Mỹ. Bệnh nhân là người liên quan đến Đ.P.H, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc chủ động ngày 22/7, kết quả dương tính.

1 bệnh nhân thuộc chùm sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng  (nguyên phát) là  N.T.L, nữ, sinh năm 1963, Vĩnh Lộc 1, Phùng Xá, Thạch Thất. Ngày 15/7, bệnh nhân xuất hiện ho, đau họng, ngày 22/7, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người sốt, ho, kết quả dương tính.

1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan TP.HCM là M.T.T.T, nữ, sinh năm 1989, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm. 

1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến Tân Mai, Hoàng Mai là P.V.T.L, nam, sinh năm 2014, Phú Lãm, Hà Đông. 

Bệnh nhân là F1 (cháu) của N.T.H. Ngày 21/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm (âm tính) và chuyển đi cách ly tập trung. Ngày 23/7, bệnh nhân xuất hiện sốt, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.

Như vậy, Hà Nội đã có tổng số 699 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4 đến nay, với 427 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 272 trường hợp là những người đã được cách ly tập trung. 

TP. Hà Nội đang tích cực sàng lọc các trường hợp ho sốt tại cộng đồng cũng như lấy mẫu ngẫu nhiên những trường hợp là lái xe, phụ xe bus để xét nghiệm sàng lọc, đánh giá yếu tố nguy cơ.

***

Đăng ký tiêm vắc-xin trực tuyến

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022, theo đó, người dân từ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký tiêm vắc-xin trực tuyến.

Ngoài các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy và phát triển kinh tế, thì toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất đều có thể đăng ký tiêm.

Người dân có thể đăng ký tiêm cho cá nhân và người thân thông qua Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn); hoặc qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” được cài đặt trên điện thoại.

Để đăng ký tiêm, người dân cần kê khai đầy đủ thông tin cá nhân trên bảng đăng ký như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số điện thoại, số chứng minh nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu, địa chỉ, nghề nghiệp, và ngày muốn được tiêm (dự kiến), tiền sử bệnh tật...

Sau khi nhấn nút "Xác nhận" đồng ý tiêm, thông tin sẽ được chuyển đến các điểm tiêm chủng mà người dân đã đăng ký. 

Các điểm tiêm sẽ sàng lọc, đánh giá tính chính xác của thông tin, từ đó lập danh sách để khi có vắc-xin sẽ hẹn thời gian người dân đến khám sàng lọc và thông báo lịch tiêm cụ thể.

Bên cạnh việc theo dõi phản ứng sau tiêm, quản lý sức khỏe sau tiêm, Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách; số lượng liều vắc-xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày tại các cơ sở tiêm chủng. 

Người dân cũng có thể tra cứu kết quả đăng ký tiêm, tra cứu chứng nhận tiêm trên cổng thông tin này.

Sau khi được tiêm, thông tin tiêm chủng của người tiêm như số mũi vắc-xin, chủng loại vắc-xin, ngày tiêm sẽ được cập nhật. 

Thông qua màu của mã QR code được cấp của mỗi người dân sau khi đăng ký tiêm sẽ biết tình trạng tiêm chủng của cá nhân đó. Và đây sẽ là căn cứ cho “hộ chiếu vắc-xin” sau này.

Về số lượng người đã tiêm vắc-xin Covid-19, theo Bộ Y tế, trong ngày có 57.908 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

***

180 cơ sở thực hiện xét nghiệm Covid-19

Về việc xét nghiệm Covid-19, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố có 180 cơ sở y tế ngoài công lập đã được tập huấn lấy mẫu, thực hiện test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 và 4 bệnh viện đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm RT-PCR.

4 bệnh viện ngoài công lập thực hiện xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR, là: Medlatec; Hồng Ngọc; Vinmec Times City; Đa khoa quốc tế Thu Cúc.

42 bệnh viện ngoài công lập và 138 phòng khám đa khoa ngoài công lập đã được tập huấn lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR, test nhanh kháng nguyên vi rút phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 và các quy định khác của Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội.

Đối với xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, trong trường hợp lấy mẫu xét nghiệm đồng thời cho nhiều người, trước khi tổ chức xét nghiệm cần thông báo cho các nhóm đối tượng khung thời gian và địa điểm xét nghiệm, tránh tập trung quá đông người tại cùng một thời điểm, bố trí điểm lấy mẫu theo nguyên tắc một chiều từ chờ lấy mẫu, lấy mẫu, chờ kết quả xét nghiệm, đọc và ghi nhận kết quả xét nghiệm. 

Với những người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính thì bố trí vào một khu vực riêng, ghi nhận thông tin tối thiểu (tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) và triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, chưa loại trừ nhiễm virus SARS-CoV-2, cần hướng dẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch chủ động.

Địa điểm lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên cần bố trí khoảng cách phù hợp giữa các khu vực, vị trí của người đến xét nghiệm theo quy định phòng, chống dịch, có đủ dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang, hướng dẫn người đến xét nghiệm tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, không tiếp xúc khi không cần thiết.

***

Thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Để điều trị bệnh nhân Covid-19, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có Công văn số 887/KCB-NV về việc thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẩn trương rà soát, lập kế hoạch và triển khai thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực với quy mô 500 giường bệnh, đồng thời báo cáo khẩn về thực trạng Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Cùng với đó, Bệnh viện chuẩn bị nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc... để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực.

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ cung cấp cho bệnh viện 12 trang thiết bị hồi sức tích cực (ICU), như: Giường ICU, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục, máy thở dòng cao HFNC, monitor (5 thông số), bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy X-quang di động, máy siêu âm Doppler màu, máy đo khí máu, máy điện tim.

Trước đó, Bộ Y tế xây dựng dự thảo đề án 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, được đặt tại: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM (tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh). 

Mỗi trung tâm sẽ có từ 500 đến 1.000 giường bệnh. Ngoài ra, có gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi bệnh viện từ 50 đến 100 giường bệnh.

***

16 trường đại học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản đề nghị 16 trường đại học, học viện, cao đẳng sư phạm thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn TP.Hà Nội và các địa phương lân cận chung tay với Thủ đô ứng phó khẩn cấp với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị phương án sẵn sàng điều chuyển sinh viên, cán bộ đến khu vực an toàn và dành các khu vực ký túc xá, nhà thi đấu, sân vận động, hội trường có thể sử dụng để thành lập khu vực cách ly, điều trị hoặc tổ chức các hoạt động y tế khác để phòng, chống Covid-19.

Đặc biệt, các cơ sở cần cung cấp khẩn các số liệu cơ sở vật chất về ký túc xá, nhà thi đấu, sân vận động, hội trường có thể sử dụng để thành lập khu vực cách ly, điều trị hoặc tổ chức các hoạt động y tế khác để phòng, chống Covid-19 tại địa chỉ: http://bit.ly/khaosatktx.

Danh sách các trường bao gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Hà Nội, 

Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Quản lý giáo dục, Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương.

***

Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vắc-xin Moderna
Đây là số vắc-xin do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trong đó 1.499.960 liều đã được chuyển đến TP Hồ Chí Minh ngày 24/7 và 1.500.100 liều đến Hà Nội vào ngày 25/7/2021. 
1.500.100 liều vắc-xin Moderna đến Hà Nội vào hôm nay. 

Đây là lô vắc-xin Moderna thứ hai đến Việt Nam trong tháng này, nâng tổng số vắc-xin do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX lên đến hơn năm triệu liều.

Vắc-xin được hỗ trợ thông qua cơ chế chia sẻ vắc-xin của COVAX, theo đó các quốc gia có lượng vắc-xin dồi dào chia sẻ vắc-xin với các quốc gia khác nhằm giúp bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu. 

Số vắc-xin này sẽ góp phần việc thực hiện mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng 20% ở các quốc gia thu nhâp thấp và trung bình trong giai đoạn phân bổ vắc-xin đầu tiên.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 7.493.300 liều vắc-xin Covid-19 với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca. 

Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vắc-xin và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính.

Đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm gần 4,5 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có 353,601 người đã được tiêm liều thứ hai. 

Nguồn vắc-xin bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.

Trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc. 

Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). 

AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc-xin COVID-19.

***

Thêm 3.973 người mắc Covid-19

Sáng ngày 25/7, Bộ Y tế cho hay đã phát hiện thêm 3.973 ca mắc mới tại các ổ dịch. Những bệnh nhân này được phát hiện tại 21 tỉnh, thành. TP.HCM là nơi có số lượng mắc mới cao nhất với (2.328) bệnh nhân, Bình Dương (881), Tiền Giang (218), Đồng Nai (134), Tây Ninh (127)

Tính đến sáng 25/7, Việt Nam có tổng 94.913 ca mắc. Trong đó, 2.178 bệnh nhân nhập cảnh và 92.735 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước từ 27/4 đến nay là 91.165, trong đó, 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.

***

Thứ trưởng Y tế gửi thư ngỏ tới toàn ngành

Ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, đã gửi thư ngỏ kêu gọi toàn ngành Y tế tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Sơn cho biết sự bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã gây ra những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố và gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Hiện tại, nhờ nỗ lực của TP.HCM và sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát, khống chế dịch bệnh được tích cực thực hiện. Nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, lương y, giảng viên, sinh viên tại những trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào hoạt động chống dịch tại TP.HCM.

2 triệu liều vắc-xin Moderna do Hoa Kỳ hỗ trợ về đến Việt Nam
Ngày 10/7, Việt Nam đã tiếp nhận 2.000.040 liều vắc-xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư