Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 30/1: Hành khách nhập cảnh không cần test nhanh
D.Ngân - 30/01/2022 09:38
 
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu tăng chuyến bay quốc tế đáp ứng nhu cầu về nước dịp Tết Nguyên đán đồng thời quy định người nhập cảnh không cần test nhanh.

Việt Nam đã ghi nhận 184 ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 13.694 ca nhiễm mới, trong đó có 38 ca nhập cảnh và 13.656 ca tại 61 tỉnh, thành phố.

Ngoài ra, nước ta có thêm 18 ca nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 184 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 14 tỉnh, thành phố: TP.HCM (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).

Cụ thể, tính từ 16h ngày 29/1 đến 16h ngày 30/1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.694 ca nhiễm mới, trong đó, 38 ca nhập cảnh và 13.656 ca tại 61 tỉnh, thành phố (gồm có 8.196 ca tại cộng đồng).

So với ngày hôm qua, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua đã giảm 1.444 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Thanh Hóa (giảm 227 ca), Bắc Ninh (giảm 189 ca), Đắk Lắk (giảm 178 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Phú Yên (tăng 178 ca), Phú Thọ (tăng 148 ca), Hà Nội (tăng 118 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.030 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.263.053 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.929 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.256.071 ca, trong đó có 2.014.798 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (513.726), Bình Dương (292.858), Hà Nội (128.790), Đồng Nai (99.881), Tây Ninh (88.068).

Vẫn còn hơn 3.800 F0 nặng đang điều trị

Về tình hình điều trị, có thêm 55.018 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.017.615 ca. Ngoài ra, có 3.840 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 29/1 đến 17h30 ngày 30/1, nước ta ghi nhận 121 ca tử vong tại: TP.HCM (5), Hà Nội (22), Đồng Nai (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (8), Tiền Giang (8), Kiên Giang (7), Vĩnh Long (6), Đồng Tháp (5), Hải Phòng (5), Bến Tre (4), Cần Thơ (4), Bạc Liêu (3), Bắc Ninh (3), Bình Dương (3), Đà Nẵng (3), Hậu Giang (3), An Giang (2), Bình Phước (2), Nam Định (2), Sóc Trăng (2), Bình Định (1), Cà Mau (1), Đắk Lắk (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Lào Cai (1), Ninh Bình (1), Phú Thọ (1), Quảng Trị (1), Thừa Thiên - Huế (1), Yên Bái (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 136 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.668 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội ghi nhận 2.924 ca Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 29/1 đến 18h ngày 30/1, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.924 ca bệnh, trong đó có 648 ca tại cộng đồng. Quận Nam Từ Liêm là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 2.924 bệnh nhân nhiễm mới phân bố tại 494 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm (133); Đống Đa (127); Hoàng Mai (122); Đông Anh (115); Hoài Đức (108).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 131.941 ca. 

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 29/1, trên địa bàn Thành phố có 68.145 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 145 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 165 ca, các bệnh viện của Hà Nội là 3.283 ca, cơ sở thu dung, điều trị thành phố 359 ca, cơ sở thu dung quận, huyện 2.223 ca, theo dõi cách ly tại nhà 61.967 ca.

Trong ngày, ghi nhận 1 bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung; số ca tử vong trong ngày là 22 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 611 người.

Về công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tính đến nay, Thành phố đã tiêm được hơn 14,7 triệu mũi.

Ngoài ra, Thành phố cũng đã triển khai tiêm được 244.396 mũi bổ sung và 2.358.340 mũi vắc xin nhắc lại.

Hiện tại, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Tạo thuận lợi cho người dân nhập cảnh

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về việc tạo điều kiện cho người nhập cảnh về nước dịp Tết Nguyên đán.

Người nhập cảnh về nước không cần test nhanh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp xét nghiệm, phòng chống dịch với người nhập cảnh theo hướng dẫn của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế và thông lệ quốc tế như khai báo y tế trước khi nhập cảnh; sau khi nhập cảnh Việt Nam phải cài đặt và sử dụng PC COVID để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ...

Người nhập cảnh không cần xét nghiệm nhanh trước khi lên và sau khi xuống máy bay.

Công văn này cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại các nước thúc đẩy các đối tác sớm trả lời đề nghị nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ và để người Việt Nam không bị yêu cầu cách ly khi đến các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đồng thời, các Cơ quan đại diện của Việt Nam cũng có hướng dẫn về thủ tục nhập cảnh với người Việt Nam bị các nước từ chối nhập cảnh. Bộ Y tế có hướng dẫn phòng chống biến chủng Omicron với người nhập cảnh vào Việt Nam qua đường hàng không, đường bộ và đường thuỷ.

Kịp thời tiếp nhận bệnh nhân Covid-19

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi lãnh đạo y tế các bộ, ngành về việc tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế đề nghị các lãnh đạo trực thuộc Bộ, ngành xem xét giao nhiệm vụ cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Đồng thời hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 cho địa phương khi có đề nghị, bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của bệnh viện.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản giao 37 bệnh viện, viện tuyến trung ương có trách nhiệm tiếp nhận thăm khám, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền).

Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Thanh Hóa quy định các F0 được điều trị tại nhà

Theo quy định, người nhiễm Covid-19 cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây sẽ được xem xét quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú: Không có triệu chứng lâm sàng, chỉ số SpO2 từ 97% trở lên; 

Đã tiêm đủ liều cơ bản vắc-xin phòng Covid-19; Trẻ em ≥ 03 tháng tuổi, người lớn ≤ 49 tuổi; Chưa phát hiện bệnh lý nền; Không đang mang thai; 

Nếu mới sinh con thì đã được trên 42 ngày; Có thể tự chăm sóc bản thân, biết cách đo thân nhiệt, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát. Nếu người nhiễm SARS-CoV-2 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc, biết cách phòng ngừa lây nhiễm; Chỉ bố trí một người chăm sóc và không thay đổi trong suốt thời gian cách ly để hạn chể lây nhiễm.

Theo phương án của tỉnh này ban hành, điều kiện về cơ sở vật chất khi F0 cách ly, điều trị tại nhà là: Có phòng riêng dành cho người nhiễm Covid-19 không triệu chứng, có cửa sổ thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế để liên hệ khi cần thiết; 

Có bàn hoặc ghế cá nhân đặt trước cửa phòng cách ly để nhận thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết; có thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm; 

Có sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%); Có các vật dụng tối thiểu: Khẩu trang y tế dùng 1 lần (tối thiểu đủ dùng cho cả gia đình trong 2 tuần); 

Găng tay y tế (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 tuần); nhiệt kế, máy đo huyết áp; thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon để lót bên trong thùng. 

Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm Covid-19: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân. Có một số loại thuốc gồm thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng.

Trong trường hợp tất cả người trong hộ gia đình đều là người nhiễm Covid-19 không triệu chứng có thể tự chăm sóc sức khỏe lẫn nhau thì không cần điều kiện phòng riêng cho từng cá nhân.

Cách ly y tế tại nhà/nơi lưu trú đủ 10 ngày. Không xuất hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh lý Covid-19 trong suốt thời gian cách ly; Có kết quả xét nghiệm vào ngày thứ 10 âm tính thì kết thúc cách ly. 

Người nhiễm Covid-19 không triệu chứng tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú 7 ngày tiếp theo sau khi kết thúc thời gian cách ly tại nhà.

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) cho người nhiễm Covid-19 vào ngày thứ 10 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. 

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, cơ sở được phân công quản lý người nhiễm Covid-19 lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã để cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định. 

Làm xét nghiệm hoặc hướng dẫn tự xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà/nơi cư trú với người nhiễm Covid-19 vào ngày thứ 10 cùng với người nhiễm hoặc khi có triệu chứng.

Hà Nội đã có hơn 600 F0 tử vong do Covid-19

Hiện Hà Nội có 68.145 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (145), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (165), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3283), cơ sở thu dung điều trị thành phố (359), cơ sở thu dung quận, huyện (2223), theo dõi cách ly tại nhà (61.967). 

Trong ngày ghi nhận 1 bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung; số ca tử vong trong ngày là 22 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 611 người.

Trong ngày toàn Thành phố tiêm được 33.370 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là 14.723.366 mũi tiêm; 244.396mũi bổ sung và 2.358.340 mũi vắc-xin nhắc lại.

Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành Y tế phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Siết chặt nhập cảnh, ngăn biến thể Omicron lây lan
Với số ca nhiễm biến thể Omicron tăng, các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đang được triển khai mạnh mẽ nhằm ngăn chặn đà lây lan.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư