Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 23/3: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; Nỗ lực loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam
D.Ngân - 23/03/2023 08:17
 
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới, nhất là khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách mở cửa để phát triển kinh tế xã hội, giao thương, du lịch.

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tiếp tục xuất hiện và lây lan như bệnh Marburg tại khu vực châu Phi, cúm A(H5N1) tại Campuchia... Các tác nhân gây bệnh, các chủng virus cúm liên tục biến đổi làm giảm khả năng bảo vệ của vắc-xin, tiềm ẩn nguy cơ đại dịch.

Trong nước, dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; đồng thời một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc.

Ảnh minh hoạ.

Nhằm mục tiêu giảm số mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch và góp phần trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT.

Do đó, tại văn bản về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch năm 2023, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể: Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là dịch Covid-19.

Chỉ đạo Sở Y tế chủ động tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh;

Tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch; đảm bảo công tác thu dung, điều trị để hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.

Thực hiện hiệu quả chương trình tiêm chủng mở rộng và thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt tiêm chủng cho nhóm từ 12 - dưới 18 tuổi, nhóm nguy cơ cao và trẻ em.

Phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trong phòng, chống, điều trị dịch bệnh truyền nhiễm.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế và các cơ quan truyền thông trên địa bàn chủ động triển khai hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng vắc-xin để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch; Đồng thời chỉ đạo việc triển khai công tác thanh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Nỗ lực loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương vừa phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng năm 2022; Triển khai kế hoạch năm 2023 và thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, năm 2022 có 6 tỉnh: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, nâng tổng số địa phương loại trừ sốt rét lên 42 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, sốt rét vẫn diễn biến phức tạp ở ở một số tỉnh như: Lai Châu, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, Bình Thuận, các yếu tố nguy cơ để bệnh sốt rét bùng phát như: Tập quán đi rừng, ngủ rẫy; Dân di biến động, giao lưu trong nước, hoặc người từ nước có bệnh sốt rét lưu hành trở về; Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; côn trùng kháng hóa chất...

TS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, nguy cơ sốt rét quay trở lại là rất lớn nếu không có những biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời. Sốt rét chủ yếu xuất hiện tại vùng người dân, đồng bào dân tộc ít người, lao động thời vụ tại các nương rẫy, còn có thói quen đi rừng, ngủ rẫy, người dân chưa có ý thức phòng, chống bệnh. Trong năm 2022 đã có 455 bệnh nhân sốt rét, trong đó có một trường hợp tử vong.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát bố trí nhân lực để bảo đảm cho hoạt động phòng chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn phù hợp với tình hình bệnh sốt rét, bệnh ký sinh trùng, côn trùng hiện nay, trình Bộ Y tế ban hành.

Đồng thời tiến hành các nghiên cứu khoa học để có bằng chứng cho lập kế hoạch và can thiệp hiệu quả; Nghiên cứu áp dụng các mô hình mới, hiệu quả, đặc biệt là các mô hình áp dụng vào các khu vực khó khăn, xa xôi hẻo lánh,… để hoàn thành chặng đường cuối cùng loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam.

Đối với các tỉnh, thành phố đã đạt tiêu chí loại trừ sốt rét, không được chủ quan, lơ là, cần xây dựng kế hoạch để duy trì thành quả bền vững và phòng sốt rét quay trở lại; Tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát chủ động, đặc biệt đối với dân di biến động, giao lưu biên giới, người lao động từ Châu Phi về.

Đồng thời rà soát bố trí nhân lực để bảo đảm cho hoạt động phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện; Để đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động phòng, chống sốt rét đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí hàng năm cho công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét theo phân cấp.

Về công tác phòng, chống các bệnh ký sinh trùng, cần tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng, chống nhằm làm giảm tỷ lệ nhiễm, giảm tác hại của bệnh ký sinh trùng đặc biệt là đối với những nhóm đối tượng nhạy cảm với tác hại của bệnh như: trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh sản. Nghiên cứu, phát triển các biện pháp chẩn đoán, điều trị có hiệu quả các bệnh ký sinh trùng.

Hai bệnh viện Vinmec đạt chuẩn ACC (Mỹ) về quản lý và điều trị suy tim

Vinmec Times City (Hà Nội) và Vinmec Central Park (TP.HCM) vừa được nhận chứng chỉ ACC chuẩn Mỹ về quản lý bệnh lý suy tim, với kết quả áp dụng mang lại những lợi ích vượt trội cho người bệnh. Sự kiện đã đưa Vinmec trở thành Hệ thống Y tế đầu tiên tại Châu Á có hai bệnh viện đạt tiêu chuẩn này

Chứng nhận của American College of Cardiology (ACC) là tiêu chuẩn hàng đầu về quản lý và điều trị các bệnh lý tim mạch, được công nhận trên khắp thế giới với các tiêu chí đánh giá nghiêm ngặt và toàn diện.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện bộ quy trình quản lý suy tim được xây dựng, chuẩn hóa và cập nhật theo các tiêu chuẩn của ACC, hai Trung tâm Tim mạch thuộc Vinmec Times City (Hà Nội) và Vinmec Central Park (TP. HCM) đã được Hội đồng thẩm định ACC công nhận đạt chuẩn về chương trình quản lý suy tim.

Chứng chỉ này có hiệu lực 3 năm và sẽ được tái thẩm định để đảm bảo sự tuân thủ và liên tục cải thiện chất lượng điều trị. Đây là một trong những hoạt động thiết thực để hiện thực hóa mục tiêu hoàn thiện mô hình Trung Tâm Điều Trị Xuất Sắc (COE) trong lĩnh vực Tim mạch của Hệ thống Y khoa Vinmec.

Suy tim là hậu quả cuối cùng của tất cả các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp tim,... Nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và theo dõi sát sao thì suy tim có thể nhanh chóng nặng lên, dẫn đến suy tim cấp và người bệnh có thể tử vong.

Các nghiên cứu đã thấy rằng, nếu không được điều trị tốt thì có đến gần 50% người bệnh suy tim có thể tử vong trong vòng 5 năm sau khi phát hiện, và tỷ lệ này còn cao hơn nhiều các bệnh lý ung thư. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu bệnh nhân suy tim.

Việc áp dụng mô hình chuẩn quốc tế trong quản lý bệnh suy tim sẽ giúp cho người bệnh tim mạch thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ và tối ưu chi phí cho người bệnh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Quản lý bệnh nhân suy tim toàn diện được chứng minh không chỉ cải thiện rõ ràng chất lượng điều trị và nâng cao cuộc sống cho người bệnh mà cũng tạo điều kiện cho bệnh viện tối ưu nguồn lực thông qua việc có thể luân chuyển giường nội trú nhanh và tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn.

Công bố kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm 2023
Theo Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư