Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 9/9: Quảng bá kỹ thuật cao về thận tiết niệu; Virus gây dịch đau mắt đỏ ở TP.HCM
D.Ngân - 09/09/2023 10:01
 
Nhiều kỹ thuật cao về thận tiết niệu tại Việt Nam đã được các chuyên gia đầu ngành giới thiệu tại Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023

Việt Nam ghi nhận có 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu

Hội nghị khoa học FAUA 2023 là một trong những diễn đàn y tế uy tín nhất trong khu vực và toàn cầu về lĩnh vực tiết niệu. Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) - thành viên Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh là đơn vị được lựa chọn để tổ chức chuỗi hoạt động khoa học quan trọng này.

Các chuyên gia mổ thị phạm cho các đồng nghiệp theo dõi từ xa tại Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á.

Năm nay, Hội nghị Tiết niệu Đông Nam Á 2023 đặc biệt mở rộng về quy mô với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đến từ Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU), Hiệp hội Tiết niệu Australia và New Zealand (USANZ), Trung tâm Y tế Asan Hàn Quốc, Nhóm Giảng dạy và Tập huấn phẫu thuật Tiết niệu châu Á (AUSTEG)...

Tại sự kiện, GS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho hay, Việt Nam và các nước Đông Nam Á nằm trong vành đai sỏi của thế giới.

Riêng Việt Nam ghi nhận có 2-12% dân số bị sỏi tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm 40%. Tại Việt Nam, ung thư tiền liệt tuyến đứng hàng thứ 11 với gần 4.000 ca mắc mới và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 13. Bệnh thường tiến triển chậm nên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, kết quả rất khả quan.

Người dân Việt Nam gia tăng các bệnh tiết niệu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu do lối sống, thói quen uống ít nước, ăn mặn, nhiễm trùng tiết niệu, mắc các bệnh chuyển hóa, ít vận động…

Các nước trong khu vực ASEAN có nhiều điểm chung giống nhau về chủng tộc, tình hình kinh tế, địa lý tương đồng, từ đó tương đồng cả về cơ cấu bệnh về tiết niệu.

Hội nghị có 22 chuyên gia nước ngoài tham dự với vai trò là chủ tọa, báo cáo viên đến từ các nước khu vực ASEAN, Pháp, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Chương trình trọng tâm của hội nghị năm 2023 là phần thực hiện kỹ thuật cao do các chuyên gia đầu ngành thực hiện, các ca mổ thị phạm được trình diễn ngay trong khuôn khổ hội nghị.

PGS.TS. Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM kiêm Chủ tịch Danh dự Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam, thành viên chủ chốt của ban tổ chức năm nay, cho biết, đến nay, Việt Nam đã có hầu hết những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, kể cả phẫu thuật nội soi và phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot, những kỹ thuật hỗ trợ sức khỏe sinh sản liên quan đến đường tiết niệu. Những kỹ thuật này Việt Nam tự tin đã sánh ngang với các nước trong khu vực.

Theo PGS-TS.Trần Quang Bính, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Viện Nghiên cứu Tâm Anh đang hình thành các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở chứng cứ để chuyển giao thành quả nghiên cứu vào ứng dụng trong chăm sóc bệnh nhân, khuyến khích hợp tác giữa các chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế để quyết tâm cải thiện sức khỏe của bệnh nhân ở Việt Nam và thế giới.

Do đó, việc tổ chức hội nghị chính là những bước tiền đề quan trọng để TAMRI tiếp tục cho các sự kiện kết nối thế giới với khoa học y học Việt Nam trong tương lai gần.

PGS-TS. Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch Hội Tiết niệu Thận học TP.HCM kiêm Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Thận học Việt Nam đánh giá, hiện trình độ của các bác sĩ tiết niệu Việt Nam sánh cùng bạn bè thế giới nên mới được FAUA lựa chọn đăng cai tổ chức. Điều này từng bước cho thấy sự tiến bộ của Việt Nam ở lĩnh vực y khoa nói chung và tiết niệu nói riêng.

Với khoảng 100 triệu dân, ngành tiết niệu Việt Nam trong tương lai còn phát triển mạnh hơn, thậm chí có thể vượt qua một số nước trong khu vực ở một số mặt bệnh, kỹ thuật điều trị.

Việt Nam tiếp nhận kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực, tạo hình phế quản

Với việc chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, ngày 8/9, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản cho bệnh nhân N.T.T.

Theo TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh nhân nữ mắc khối u ung thư phổi ở thể ác tính thấp.

Khối u đã xâm lấn vào phế quản thùy trên và thùy dưới phổi trái. Với kỹ thuật trước đây, bệnh nhân có thể phải cắt cả lá phổi trái mới loại bỏ hết tế bào ung thư.

Tại cuộc phẫu thuật sáng nay, với sự chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Nhật Bản kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi, các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã giải phóng tất cả động mạch, tĩnh mạch phổi, có dụng cụ đặc biệt khống chế động mạch, tĩnh mạch phổi.

Tiếp đó, các bác sĩ cắt thùy phổi có khối u xâm lấn, bảo đảm cắt triệt để tế bào ung thư. Sau đó, các bác sĩ tạo hình phế quản vào phế quản gốc bên trái, tạo hình mạch máu cho bệnh nhân.

Đây là kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi lần đầu tiên được các chuyên gia đến từ Nhật Bản chuyển giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương nhân dịp 3 chuyên gia người Nhật Bản đến từ Bệnh viện Đại học Fukuoka, Nhật Bản nhận lời thăm và trao đổi về lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực, các bệnh lý về phổi.

TS. Đinh Văn Lượng, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, hiện đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao như ghép tế bào gốc, ghép phổi, điều trị bệnh lý nấm phổi, xơ phổi… có chất lượng ngang tầm các nước phát triển.

Bệnh viện cũng đang khởi động chương trình điều trị y học tái tạo giúp những bệnh nhân mắc bệnh phổi giai đoạn muộn tưởng chừng như vô vọng, được nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống.

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi được triển khai thành công tại nhiều nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Tại Đông Nam Á, Singapore cũng đã làm chủ kỹ thuật này, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Nhiều người bệnh ung thư phổi phải chi trả khoảng 5-7 tỷ đồng để ra nước ngoài phẫu thuật. Nhưng khi kỹ thuật này được các bác sĩ Việt Nam làm chủ, chi phí chỉ tốn kém khoảng 1-2% so với con số đó, tức là khoảng 30-40 triệu đồng giống như một ca phẫu thuật nội soi thông thường.

“Điều này giúp cho bệnh nhân Việt Nam được hưởng y tế chất lượng cao với chi phí thấp. Nhiều bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được tiếp cận kỹ thuật này tại Việt Nam”, bác sĩ Lượng cho hay.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, bình thường với phẫu thuật cho các bệnh nhân mắc ung thư phổi, tỷ lệ không tái phát khoảng 5-6%, thì với kỹ thuật tạo hình khí phế quản và mạch máu qua phẫu thuật nội soi lồng ngực, sau 5 năm bệnh nhân không có khả năng tái phát lên tới 8-9%.

Để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật này, Bệnh viện Phổi Trung ương đã chuẩn bị hơn nửa năm.

Với việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tạo hình khí, phế quản trong các bệnh lý phức tạp về phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ làm chủ kỹ thuật phẫu thuật nội soi khá hoàn chỉnh.

Tìm ra virus khiến dịch đau mắt đỏ tại TP.HCM tăng chóng mặt

Báo cáo nhanh từ phòng xét nghiệm thuộc đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), enterovirus và adenovirus là hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay. 

Trong đó, chiếm ưu thế là enterovirus (86%), còn tác nhân thường gặp trước đây là adenovirus chỉ chiếm số ít (14%).

Trước đó, trước tình hình số ca đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tăng cao so với các năm gần đây, Sở Y tế TP đã yêu cầu hai đơn vị nêu trên phối hợp với Bệnh viện Mắt TP và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) khảo sát nhanh trên những bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ.

Có 39 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt TP vào ngày 7-9 được lấy mẫu bệnh phẩm (mẫu phết mí mắt dưới). Các mẫu bệnh phẩm sau khi lấy được gửi đến phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP thực hiện kỹ thuật PCR đa mồi.

Một ngày sau, nhóm nghiên cứu phát hiện adenovirus trong năm bệnh nhân, enterovirus trong 32 bệnh nhân và hai ca không tìm thấy tác nhân. Không có trường hợp nào dương tính với metapneumovirus hay parainfluenza virus và cũng không có trường hợp nào đồng nhiễm giữa enterovirus và adenovirus.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc xác định được tác nhân gây bệnh sẽ giúp xác định mô hình bệnh tật, từ đó có các giải pháp điều trị và phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia về mắt và kiểm soát bệnh tật, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút hiện nay là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Người dân cần vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Đặc biệt là hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư