Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 09 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 5/9: Vì sao nhiều người mắc vi khuẩn ăn thịt người?
D.Ngân - 05/09/2024 09:47
 
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, đơn vị đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người'). Trong đó có một bệnh nhân tiên lượng nặng, đang được điều trị, chăm sóc tích cực.

Thêm nhiều ca bệnh mắc vi khuẩn ăn thịt người

Theo đó, bệnh nhân thứ nhất là Hà Ngọc T. (43 tuổi, trú huyện Đà Bắc, Hòa Bình), đi làm công nhân ở một tỉnh phía Nam được hơn 10 năm, công việc hàng ngày là đi giao hàng đông lạnh cho các đại lý.

Ảnh minh họa

Trước thời điểm nhập viện, bệnh nhân T. xuất viện sốt cao liên tục, đã đi khám và điều trị nhưng tình trạng sốt chỉ thuyên giảm, không khỏi hẳn. Ngày 28/8, gia đình xin cho bệnh nhân thôi điều trị để về quê (Hòa Bình).

Về đến Hòa Bình, bệnh nhân nhập T. viện trong tình trạng sốt cao, rét run, suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng. Bệnh nhân nhanh chóng được thở máy, lọc máu liên tục, dùng thuốc vận mạch, sử dụng kháng sinh phổ rộng, trong đó có kháng sinh đặc trị bệnh Whitmore.

Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị viêm - tràn dịch màng phổi 2 bên, áp xe gan nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomalle).

Hiện tại, bệnh nhân T. vẫn trong tình trạng nguy kịch, đang được điều trị, chăm sóc tích cực và hội chẩn nhiều chuyên khoa.

Bệnh nhân thứ 2 là Bùi Thị C. (59 tuổi, quê Lạc Sơn, Hòa Bình), có tiền sử bị bệnh đái tháo đường. Trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sưng, nóng, đỏ, đau vùng cổ tay bên phải, ho và khó thở tăng dần.

Bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp phải hỗ trợ bằng thở máy không xâm nhập, sốt cao liên tục, rét run, thể trạng nhiễm trùng -nhiễm độc, ho nhiều đờm, có ổ áp xe vùng cổ tay bên phải, chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh đám mờ đông đặc và tràn dịch màng phổi 2 bên.

Hiện bệnh nhân C. đã qua cơn nguy kịch. Dự kiến sẽ xuất viện sau khoảng 1 tuần và tiếp tục điều trị duy trì bằng thuốc uống từ 3 đến 6 tháng tại nhà.

Bệnh Whitmore không phải là bệnh mới ở Việt Nam. Mỗi năm cả nước có khoảng 100-200 người mắc bệnh này. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã điều trị cho hơn 10 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp diễn ra trong 3 tháng gần đây vốn là đang mùa mưa tại khu vực phía Nam.

Vi khuẩn ăn thịt người” Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore là vi khuẩn gram âm, có khả năng tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt như môi trường nghèo chất dinh dưỡng, khô hạn. Chúng thường sống trong môi trường đất ẩm tự nhiên, đặc biệt là lớp đất cách bề mặt 20-40 cm.

Vi khuẩn này có khả năng gây viêm mạnh mẽ, dẫn đến tổn thương mô và các cấu trúc xung quanh, bao gồm cả đĩa đệm và đốt sống.

Con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu là do các vị trí da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn hoặc người bệnh hít phải các hạt bụi đất nhiễm khuẩn.

Bệnh hay xảy ra ở người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước như nông dân, công nhân xây dựng, người làm vườn, quân nhân…

Bệnh Whitmore có thể xảy ra ở người và động vật như chó, mèo, bò, ngựa, chuột và thường rải rác quanh năm nhưng tăng cao hơn vào mùa mưa.

Bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Những người có bệnh lý nền như tiểu đường, nghiện rượu, sử dụng corticoid dài ngày, mắc bệnh phổi và thận mạn tính… thường có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với người bình thường.

Bệnh cũng có thể gặp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh và chưa ghi nhận trường hợp lây bệnh giữa người và động vật.

Các cuộc điều tra môi trường gần đây cho thấy hơn 80,0% mẫu đất ở miền Nam Việt Nam dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Người dân nên sử dụng thiết bị bảo hộ (như ủng, găng tay) và băng bó vết thương hở, vết cắt hoặc vết bỏng nếu phải tiếp xúc gần với đất, nước.

Những người có nguy cơ cao nên tránh ra ngoài sau khi mưa lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Whitmore.

Do bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa, mọi người cần thường xuyên rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.

Khi người bệnh có những biểu hiện sốt cao dài ngày, nhiễm trùng da, mô mềm, viêm phổi, đau bụng, đau lưng, đau đầu… nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn kỹ thuật cao để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Thông tin mới vụ nhiều sinh viên ở Thái Nguyên nhập viện

UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo Sở Y tế lấy mẫu bệnh phẩm, gửi đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để xét nghiệm, làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến nay, trên địa bàn đã không còn ghi nhận thêm ca bệnh mới liên quan việc hàng loạt học sinh Trường CĐ Công nghiệp Thái Nguyên nhập viện. Tình hình sức khỏe các bệnh nhân đang được điều trị tiến triển tốt, cơ bản ổn định.

Qua xét nghiệm tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đến nay chưa xác định nguyên nhân hàng loạt học sinh nhập viện bất thường trong những ngày qua. 

Hiện UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Sở Y tế lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích, xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân.

Được biết, sau vụ việc, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tăng cường chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. 

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc chủ động triển khai phòng, chống dịch trong mùa tựu trường.

Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên giám sát chặt chẽ các ca bệnh, không để dịch lây lan trong cộng đồng. 

Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình, có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Chỉ đạo tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh...

Cách ly toàn bộ học sinh tại 3 phòng ký túc xá có bệnh nhân tử vong và nhập viện, đảm bảo cung cấp suất ăn hàng ngày tại phòng. 

Thực hiện lau sàn nhà, tay nắm cửa, cầu thang... bằng dung dịch khử khuẩn thông thường.

Thông báo đến 1.102 học sinh nhà trường, trong đó có 486 học sinh ở nội trú ký túc xá, 212 em đến từ Hà Giang tự theo dõi sức khỏe và thông tin cho nhà trường khi có dấu hiệu bất thường.

Trung tâm Y tế TP.Thái Nguyên tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tại nhà trường, hướng dẫn triển khai các biện pháp cách ly, khử khuẩn, vệ sinh môi trường.

Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo thông tư của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh dịch bệnh truyền nhiễm.

Trước đó, trong các ngày 2 và 3/9, hàng loạt học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên phải nhập viện với các biểu hiện bất thường, 1 trường hợp đã tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông vụ việc, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo công tác kiểm tra, giải quyết. Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế hỗ trợ Thái Nguyên trong việc điều trị các bệnh nhân.

Phòng chống sỏi thận bằng cách nào?

Nếu sỏi thận để lâu không điều trị có thể phát sinh một số biến chứng nguy hiểm như thận ứ nước, nhiễm trùng tiểu, viêm thận, áp xe thận, teo nhỏ nhu mô thận, suy giảm chức năng thận, thậm chí nhiễm trùng vào máu có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Có đến 70-80% trường hợp sỏi thận mà người bệnh có thể tống sỏi ra ngoài cơ thể thông qua đường tiểu. Tuy nhiên, trường hợp tống sỏi ra ngoài khi đi tiểu bình thường chỉ xảy ra với sỏi thận có kích thước nhỏ.

Theo PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc trung tâm Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sỏi càng lớn càng có nguy cơ bị mắc kẹt.

Thông thường, một viên sỏi kích thước có đường kính nhỏ hơn ≤ 5mm có khả năng tự bài xuất, và chỉ những viên sỏi to, có đường kính lớn hơn > 5mm mới có thể bị kẹt.

Có hai yếu tố ảnh hưởng đến khả năng và tỉ lệ tự đào thải của sỏi thận: Kích thức sỏi thận và vị trí.

Kích thước sỏi thận là yếu tố chính trong việc quyết định liệu sỏi có thể tự đào thải tự nhiên được hay không. 80% những viên sỏi có kích thước nhỏ hơn < 4mm đều được hệ tiết niệu đẩy ra ngoài. Thông thường, chúng mất khoảng 31 ngày để di chuyển từ thận, đi qua hết đường tiết niệu.

Với những viên sỏi có kích thước từ 4 – 6mm, người bệnh mới cần điều trị. Tuy nhiên, khoảng 60% sỏi thận có kích thước này vẫn được đào thải một cách tự nhiên. Quá trình này mất trung bình 45 ngày.

Những viên sỏi lớn hơn > 6mm thường cần được điều trị y tế để loại bỏ ra khỏi cơ thể. Chỉ khoảng 20% sỏi có kích thước này có thể đào thải một cách tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian đào thải thường rất lâu, có thể mất đến một năm.

Những viên sỏi nằm ở phần cuối của niệu quản, gần với bàng quang (không phải phần cuối gắn vào thận) có nhiều khả năng tự di chuyển để đào thải ra khỏi cơ thể khi đi tiểu bình thường.

Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 79% những viên sỏi này sẽ tự di chuyển. 48% viên sỏi ở đoạn cuối niệu quản gần bàng quang sẽ tự di chuyển ra khỏi cơ thể khi đi tiểu mà không cần bất kỳ điều trị y tế nào.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước và thường xuyên vận động. Nhảy dây là một lựa chọn rất tốt. Sỏi có thể rời ra và tăng cơ hội tự đào thải, nhất là những sỏi thận đài dưới.

Khi sỏi thận mới hình thành chưa gây ra biến chứng, đường tiểu rộng rãi, không bị dị dạng và hẹp bẩm sinh…, cơ thể có thể đi tiểu ra sỏi 2-3 mm, thậm chí lên tới 8-9 mm. Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân dễ tiểu hơn, bằng cách cho uống nhiều nước và thuốc kháng viêm… để nội mạc đường tiểu không phù nề cản trở sỏi.

Ngoài ra, bác sỹ cũng có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc làm giãn nở ống tiểu để dễ dàng tống sỏi thận ra khỏi cơ thể. Vậy nên, không phải tất cả viên sỏi đều phải phẫu thuật. Rất nhiều trường hợp có thể điều trị bằng thuốc.

Kích thước quả thận của người trưởng thành có chiều dài khoảng 12cm. Vì thế, nếu sỏi thận nhỏ hơn 5mm, người bệnh chỉ cần uống thuốc và uống nhiều nước. Sỏi có thể tự đào thải qua đường tiểu. Sỏi thận 5 – 7mm cũng không phải là vấn đề lớn, chỉ đáng lo ngại khi sỏi thận gây nhiễm trùng, tái phát nhiều lần.

Sỏi thận có thể gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiễm trùng cũng có thể gây ra sỏi thận. Do đó, khi người bệnh sỏi thận có triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, cần phải điều trị song song cả sỏi thận và nhiễm trùng tiết niệu. Điều này sẽ giúp điều trị dứt điểm tình trạng bệnh.

Khi điều trị, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc hoặc tán sỏi dưới da. Tuy nhiên, người bệnh cần được điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng trước. Vì nếu còn nhiễm trùng, bác sĩ không thể tiến hành phẫu thuật tán sỏi. Mặt khác, nếu như nhiễm trùng tái phát, nguy cơ tán sỏi xong lại tiếp tục sinh sỏi là cao.

Với những viên sỏi kích thước to, mổ hở là phương pháp điều trị thích hợp, giúp lấy hoàn toàn viên sỏi. Phương pháp mổ hở trước đây là tối ưu, gọn gàng và rẻ tiền nhất.

Phẫu thuật mổ mở có ưu điểm lấy hoàn toàn sạch sỏi. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật kỹ thuật cao để tán dần dần sỏi ra khỏi cơ thể.

Nếu sỏi thận kích thước nhỏ (chỉ 1cm), và là sỏi cản quang, có độ cản quang không quá cứng, bác sỹ có thể áp dụng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, không phải nằm viện và chi phí khá rẻ. Đôi khi, sỏi thận có thể tán một lần không hết. Người bệnh có thể cần phải thực hiện tán sỏi 2- 3 mới hết.

Khi sỏi thận đã di chuyển xuống niệu quản gần bàng quang, bác sĩ có thể dùng ống nội soi bán cứng và tia laser tán sỏi. Với trường hợp sỏi thận vẫn còn ở trên cao, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi mềm để đưa lên.

Khi sỏi thận ở trung thận, bác sĩ sẽ dùng máy tán sỏi thận xuyên da đâm một lỗ nhỏ trên thận để phá sỏi. Phương pháp nội soi tán sỏi này đang được áp dụng nhiều nhất tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, vì ưu điểm ít xâm lấn. Bệnh nhân không đau, ít chảy máu và mau hồi phục. Hơn thế, các màn hình 2D-3D độ phân giải cao, giúp bác sĩ xử lý chính xác và sạch sỏi ngay trong cơ quan.

Ngoài ra, bác sỹ khuyên mọi người cần khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần để sớm phát hiện sỏi thận nói riêng, sỏi tiết niệu nói chung để có phương án điều trị phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư