Thứ Năm, Ngày 08 tháng 05 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 8/5: Thực hiện ca ghép gan phức tạp nhất cho bệnh nhi nhẹ cân
D.Ngân - 08/05/2025 09:29
 
Hệ thống Y tế Vinmec vừa thực hiện thành công ca ghép gan đặc biệt cho bệnh nhi N.L.T, 8 tháng tuổi, chỉ nặng 6,5kg, từ nguồn tạng hiến của người cho chết não.

Vinmec thực hiện ca ghép gan phức tạp nhất cho bệnh nhi nhẹ cân nhất từ trước đến nay

Đây là ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi và nhẹ cân hàng đầu từng được thực hiện tại Việt Nam bởi một cơ sở y tế tư nhân, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật ghép tạng nhi khoa tại nước ta.

Các bác sỹ của Vinmec trong ca ghép gan cho bệnh nhi.

Bệnh nhi N.L.T mắc xơ gan giai đoạn cuối do teo đường mật bẩm sinh. Dù đã trải qua phẫu thuật Kasai từ khi mới 1,5 tháng tuổi, tình trạng gan không cải thiện. Trẻ thường xuyên phải nhập viện do bụng chướng, lách to, có dịch ổ bụng và khó thở vì gan chèn ép cơ hoành. Ghép gan là phương án điều trị duy nhất giúp bé giành lại sự sống.

Khi có nguồn gan phù hợp từ một người hiến chết não tại Bệnh viện Bạch Mai, Hội đồng chuyên môn của Vinmec dưới sự chủ trì của TTND.PGS.TS.Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu Vinmec Times City, đã nhanh chóng kích hoạt quy trình phối hợp đa chuyên khoa để tiến hành ca ghép.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn 10 tiếng, do PGS-TS.Lê Văn Thành, cố vấn cao cấp Chương trình Ghép gan Vinmec, chuyên gia đầu ngành về ghép gan tại Việt Nam chỉ huy.

TS.Đào Đức Dũng, bác sỹ chuyên khoa Ngoại Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City là phẫu thuật viên chính. “Bệnh sử phức tạp khiến ca mổ gặp rất nhiều khó khăn về rối loạn đông máu, giải phẫu và tạo hình mạch máu”, bác sỹ Dũng cho biết.

Ngay sau khi kết thúc gây mê, bệnh nhi đã cất tiếng khóc khỏe mạnh - một tín hiệu sống đầy hi vọng sau hành trình sinh tử kéo dài 8 tháng. Hiện tại, sức khỏe bé T. tiến triển tích cực, chức năng gan cải thiện rõ rệt, bé ăn ngủ tốt và được theo dõi sát tại bệnh viện.

Mẹ bệnh nhi nghẹn ngào chia sẻ, con chị đã cất tiếng khóc đầu tiên rắn rỏi sau 8 tháng chống chọi với bệnh tật.  Chị như lặng đi bởi đó là tiếng khóc của một lần tái sinh.

Đây là một trong những ca ghép gan khó nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, không chỉ bởi bệnh nhi quá nhỏ tuổi và nhẹ cân, mà còn bởi tính chất phức tạp trong quá trình vận hành chuỗi lấy, vận chuyển - ghép tạng liên viện. Người hiến là trường hợp chết não hiến đa tạng (tim, phổi, gan, giác mạc), đòi hỏi toàn bộ quy trình được thực hiện một cách khẩn trương, chính xác và đồng bộ giữa các đơn vị.

PGS-TS.Phạm Đức Huấn nhấn mạnh, chúng tôi chỉ có một khoảng thời gian vàng rất ngắn để đảm bảo sự sống của lá gan được tiếp nối trong cơ thể người nhận, do đó từng bước đều cần tính toán tối ưu và phối hợp hoàn hảo về mặt chuyên môn, kỹ thuật và thời gian.

Hệ thống Y tế Vinmec đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan từ năm 2017 và là đơn vị tư nhân duy nhất tại Việt Nam có thể thực hiện cả ghép gan từ người hiến sống lẫn hiến chết não. Đến nay, Vinmec đã thực hiện thành công hàng chục ca ghép gan phức tạp, bao gồm: ghép gan cho trẻ dưới 10kg, bệnh nhân bất đồng nhóm máu, ghép lại gan lần 3, cũng như các ca có biến đổi giải phẫu gan, đường mật, mạch máu hiếm gặp.

Không chỉ dừng lại ở ghép gan, Vinmec còn ghi dấu ấn quốc tế với nhiều kỹ thuật tiên phong như: thay đồng thời xương chậu và xương đùi bằng xương in 3D đầu tiên trên thế giới; tái tạo thành ngực bằng titanium in 3D đầu tiên tại Đông Nam Á; điều trị Castleman sau phúc mạc và viêm não tự miễn bằng liệu pháp tế bào gốc lần đầu tiên tại Việt Nam.

Sau 12 năm phát triển, Vinmec đã trở thành hệ thống y tế tư nhân đa khoa hàng đầu tại Việt Nam với 9 bệnh viện và 4 phòng khám trên toàn quốc. Trong đó, 2 bệnh viện đã đạt tiêu chuẩn JCI (Mỹ) - chứng chỉ uy tín nhất toàn cầu về chất lượng y tế và an toàn người bệnh.

Thành công của ca ghép gan đặc biệt này không chỉ mang lại cơ hội sống cho bệnh nhi mà còn khẳng định vị thế tiên phong của y tế tư nhân Việt Nam trên bản đồ ghép tạng khu vực và quốc tế.

Hiệu quả ban đầu khi thử nghiệm thuốc miễn dịch tiềm năng điều trị ung thư của Mỹ

Sau ba tháng triển khai nghiên cứu VISTA-1 về thuốc miễn dịch đường uống RBS2418, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ nhóm bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đầu tiên tham gia thử nghiệm lâm sàng, trong đó có người bệnh 50 tuổi từng không còn hy vọng điều trị.

VISTA-1 là nghiên cứu quốc tế về thuốc miễn dịch RBS2418 do công ty công nghệ sinh học Riboscience (Mỹ) phát triển, phối hợp cùng các chuyên gia Đại học Stanford.

Thuốc nghiên cứu đã được FDA (Mỹ) phê duyệt thử nghiệm từ tháng 9/2024 và Bộ Y tế Việt Nam cấp phép vào tháng 12/2024. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một nghiên cứu thuốc điều trị ung thư ngay từ pha 2A - giai đoạn đánh giá hiệu quả lâm sàng ban đầu với vai trò là điểm nghiên cứu chính ngoài nước Mỹ.

Đến nay, 8 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đã được chọn lọc và đang sử dụng thuốc nghiên cứu theo đề cương VISTA-1. Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, hệ thống y tế Tâm Anh, các bệnh nhân được theo dõi sát sao và bước đầu chưa ghi nhận tác dụng phụ đáng kể liên quan đến thuốc.

Một trong những bệnh nhân đầu tiên là ông M. (50 tuổi), từng được chỉ định chăm sóc giảm nhẹ sau khi không đáp ứng với hóa trị và thuốc đích. Tuy nhiên, sau khi đủ điều kiện tham gia nghiên cứu VISTA-1 vào tháng 1/2025, ông chia sẻ, bản thân từng nghĩ mình không còn lựa chọn nào khác, nhưng nhờ được tham gia nghiên cứu, tôi thấy nhẹ nhõm hơn và có thêm hy vọng.

Một trường hợp khác là ông C. (75 tuổi), từng điều trị ung thư bằng nhiều phương pháp như hóa trị, đốt sóng cao tần, và liệu pháp nhắm trúng đích nhưng buộc phải ngưng vì tác dụng phụ. Khi đăng ký và được chọn vào VISTA-1, ông chia sẻ: “Thuốc dùng đường uống nên tôi có thể dùng tại nhà, rất tiện lợi cho người lớn tuổi như tôi”.

Hiện tại, các bệnh nhân đang được theo dõi định kỳ theo các mốc tuần thứ 6, 12 và 20, với các xét nghiệm, chụp chiếu và đánh giá chất lượng sống. Các tín hiệu ban đầu từ nghiên cứu là đáng khích lệ, đồng thời cũng mở ra kỳ vọng về một liệu pháp miễn dịch thuận tiện, ít tác dụng phụ hơn cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển.

TS Phương Lễ Trí, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), cho rằng việc tham gia các nghiên cứu thuốc quốc tế giúp người bệnh tại Việt Nam tiếp cận sớm với thuốc phát minh ngay trong nước, thay vì phải ra nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để giới chuyên môn Việt Nam được tiếp cận công nghệ điều trị hiện đại, đóng góp vào mạng lưới nghiên cứu toàn cầu.

Nghiên cứu VISTA-1 hiện vẫn tiếp tục thu tuyển bệnh nhân đủ điều kiện tại Việt Nam và Mỹ. Người tham gia được hỗ trợ chi phí thăm khám, đi lại, theo dõi thường xuyên và đồng hành cùng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu 24/7.

Cảnh báo nguy cơ tai nạn nghiêm trọng từ máy ép nước mía và máy ép hoa quả

Thời gian gần đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức liên tục tiếp nhận các ca tai nạn sinh hoạt nghiêm trọng liên quan đến máy ép nước mía và máy ép hoa quả, những thiết bị quen thuộc tại nhiều gia đình và hàng quán nhỏ lẻ, đặc biệt khi mùa hè đến gần, nhu cầu giải khát tăng cao.

Một trong những trường hợp tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 24/4, khi một bé trai 6 tuổi ở Bắc Giang được đưa đến cấp cứu trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng.

Tai nạn xảy ra khi cháu bé đứng gần máy ép nước mía đang vận hành, quần bị cuốn vào trục máy và tạo ra lực kéo mạnh đột ngột, trực tiếp tác động đến bộ phận sinh dục. Đây là tai nạn hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử và ảnh hưởng lâu dài đến khả năng sinh sản của trẻ.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sỹ tại Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khẩn trương tiến hành cấp cứu. ThS.BS Bùi Văn Quang, người trực tiếp thăm khám và điều trị cho biết, ê kíp đã phẫu thuật khâu lại da hai bên bộ phận sinh dục để bảo tồn tối đa chức năng. 

Chỉ hơn một tuần sau, ngày 3/5, bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ 70 tuổi ở Phú Thọ người bán nước mía nhập viện trong tình trạng bàn tay bị tổn thương nghiêm trọng do bị cuốn vào máy ép đang vận hành.

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp không điều trị và trong lúc làm việc bất ngờ bị chóng mặt, không kịp phản ứng khi tai nạn xảy ra. Kết quả là bàn tay của bà bị cuốn vào động cơ, gây dập nát nghiêm trọng.

ThS.Nguyễn Thành Luân, Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung - người trực tiếp điều trị cho biết, chúng tôi đã tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát, xử lý tổn thương da bị lóc và phải phẫu thuật cắt cụt ngón V. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ để tiếp tục phẫu thuật chuyển vạt, che phủ vùng khuyết mu da tay.

Theo các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những tai nạn do máy ép nước mía, hoa quả có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, đặc biệt với trẻ em, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tim mạch. Mùa hè là cao điểm cho các loại hình kinh doanh nước giải khát, khiến nguy cơ tai nạn từ các thiết bị gia dụng này tăng cao đáng kể.

Các bác sỹ đưa ra cảnh báo, tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp cận gần máy ép có động cơ khi đang vận hành. Người lớn tuổi, người có bệnh nền cần tránh làm việc khi cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt vì đó là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tai nạn. Khi sử dụng máy ép, người dân nên trang bị các thiết bị an toàn như găng tay bảo hộ, nút ngắt khẩn cấp, vỏ bọc trục máy… để hạn chế rủi ro khi máy gặp sự cố.

Trong trường hợp tai nạn xảy ra, người bệnh cần được đưa đến ngay cơ sở y tế có khả năng xử trí tổn thương phức tạp và phẫu thuật cấp cứu, điển hình như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nơi có đầy đủ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Tạo hình thẩm mỹ và Nam học, để được xử lý kịp thời và tránh di chứng lâu dài.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư