Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tin y tế mới ngày 22/12: Gánh nặng bệnh thận mạn tại Việt Nam
D.Ngân - 22/12/2024 09:14
 
Bệnh thận mạn không thể khỏi hoàn toàn. Ngay cả khi người bệnh đã được ghép thận thành công, họ vẫn được xem là mắc bệnh thận mạn vì phải dùng thuốc suốt đời.

Gánh nặng bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn thường diễn tiến âm thầm, khiến phần lớn người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, người bệnh thường phải điều trị thay thế thận, bao gồm các phương pháp như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. Điều này đặt ra một vấn đề quan trọng là cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để ngăn ngừa sự suy giảm chức năng thận.

Người bệnh thận mạn, cần chuẩn bị tâm lý "sống chung với bệnh" vì không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Bệnh thận mạn là tình trạng thay đổi bất thường về chức năng hoặc cấu trúc của thận kéo dài trên 3 tháng.

Cụ thể, thay đổi cấu trúc có thể bao gồm thận teo nhỏ hoặc mất phản âm tủy vỏ, làm mất đi sự phân biệt rõ ràng giữa tủy và vỏ thận. Về chức năng, bệnh thận mạn có thể được phát hiện qua sự xuất hiện của đạm và hồng cầu trong nước tiểu.

Một dấu hiệu quan trọng khác là độ lọc cầu thận (eGFR) giảm xuống dưới 60 ml/phút/1,73 m² da, điều này cho thấy chức năng thận đang suy giảm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh thận mạn ở Việt Nam cũng như trên thế giới là đái tháo đường (tiểu đường), tăng huyết áp và béo phì (chỉ số khối cơ thể BMI trên 25 kg/m²).

Ngoài ra, còn có các yếu tố nguy cơ khác như thói quen hút thuốc lá, tiền sử gia đình, hoặc việc tự ý dùng thuốc và lạm dụng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ.

Giải thích nguyên nhân vì sao nhiều người chỉ phát hiện bệnh thận mạn khi đã ở giai đoạn muộn, BS.CKII Đinh Cẩm Tú cho biết các đơn vị thận (nephron) có khả năng bù trừ cho nhau.

Các đơn vị thận khỏe mạnh có thể tăng cường hoạt động để bù đắp cho các đơn vị thận bị suy giảm chức năng, do đó người bệnh thường không cảm nhận được bất kỳ triệu chứng bất thường nào.

Tuy nhiên, khi khả năng bù trừ không còn hiệu quả, các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện, như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn… Khi đó, bệnh thận mạn đã tiến triển đến giai đoạn cuối.

Các bác sỹ đều thống nhất rằng việc khám sức khỏe và kiểm tra chức năng thận định kỳ là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phát hiện sớm bệnh thận mạn.

Chức năng thận được đánh giá thông qua các xét nghiệm nước tiểu (tổng phân tích nước tiểu, protein niệu, microalbumin niệu…), xét nghiệm máu (creatinin huyết thanh, mức lọc cầu thận, nitơ urê máu…), và chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, sinh thiết…). Tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người bệnh, bác sỹ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

Theo bác sỹ Tạ Phương Dung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh thận mạn không thể khỏi hoàn toàn. Ngay cả khi người bệnh đã được ghép thận thành công, họ vẫn được xem là mắc bệnh thận mạn vì phải dùng thuốc suốt đời.

Nếu điều trị đúng cách, bệnh thận mạn có thể được kiểm soát, làm chậm tiến triển và thậm chí đẩy lùi mức độ suy giảm chức năng thận thông qua các phác đồ điều trị bảo tồn, chế độ dinh dưỡng, và tập luyện thể chất phù hợp với từng bệnh nhân.

Bác sỹ cũng chia sẻ rằng có những trường hợp người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi, khi phát hiện bệnh thận mạn ở giai đoạn cuối đã phải chuẩn bị chạy thận hoặc thậm chí đăng ký ghép thận.

Tuy nhiên, nếu được điều trị bảo tồn theo phác đồ cá thể hóa, nhiều bệnh nhân đã phục hồi chức năng thận từ giai đoạn 4, 3, và không còn phải chuyển sang lọc máu hoặc ghép thận.

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng điều trị bảo tồn, sẽ phải chuyển sang các phương pháp điều trị thay thế như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận.

Hiện nay, chạy thận nhân tạo có nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm chạy thận thông thường, chạy thận với màng lọc Hyflux (màng lọc chất lượng cao), và chạy thận HDF online (một phương pháp giúp loại bỏ các độc tố có trọng lượng phân tử trung bình đến cao mà phương pháp chạy thận thông thường không thể xử lý).

Bác sỹ Tạ Phương Dung cũng đưa ra lời khuyên dành cho người bệnh thận mạn, cần chuẩn bị tâm lý "sống chung với bệnh" vì không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Tuy nhiên, với việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, người bệnh có thể làm chậm tiến triển bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mục tiêu điều trị là kiểm soát các vấn đề sức khỏe đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu, loãng xương, suy dinh dưỡng và các rối loạn chuyển hóa khác, từ đó giúp kéo dài thời gian tránh phải lọc máu và giảm thiểu các biến chứng.

Biến chứng lupus khiến cụ bà suýt mất cả hai chân

Bà Thoa, 66 tuổi, đã phải cắt một phần chân trái do biến chứng lupus gây hoại tử, và giờ đây, chân phải của bà có dấu hiệu tương tự, nguy cơ phải cắt tiếp.

Vào tháng 8/2023, bà Thoa (Long An) cảm thấy đau nhức dữ dội ở chân trái, đồng thời phát hiện hoại tử ngón II, III, IV của chân trái. Hình ảnh chụp CT cho thấy tình trạng hẹp nghiêm trọng động mạch chày trước. Bà được phẫu thuật cắt bỏ 1/3 cẳng chân trái và đã tái khám định kỳ sau mổ.

Đến tháng 11/2024, đầu ngón chân thứ ba của chân phải bắt đầu loét, ban đầu chỉ to bằng lỗ kim, sau đó ngày càng lan rộng. Ngón chân trở nên tím tái, kèm theo cảm giác đau nhức từ cẳng chân xuống bàn chân phải, đặc biệt cơn đau trở nên dữ dội vào ban đêm khiến bà mất ngủ. Lo lắng về tình trạng sức khỏe, bà đến bệnh viện để thăm khám.

ThS.BS Nguyễn Phạm Diễm Kiều, Khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch cho biết, khi bà Thoa đến viện, chân phải của bà bị đau nhức nhiều, ngón thứ ba đã chuyển màu đen thẫm, có dấu hiệu hoại tử.

Bà Thoa được chụp CT và DSA động mạch chi dưới, kết quả cho thấy tình trạng hẹp nghiêm trọng động mạch chày, động mạch mác và động mạch mu chân.

Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sỹ phát hiện bà Thoa đã được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống (SLE) hơn 20 năm trước. Mặc dù đã điều trị tích cực, bệnh vẫn tiến triển, gây ra các biến chứng như suy tim, suy thận và viêm tắc mạch máu chi dưới.

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các mô lành trong cơ thể, thay vì bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và diễn biến phức tạp, với các giai đoạn nặng nhẹ xen kẽ. Một trong những biến chứng nghiêm trọng của lupus là xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, suy tim và đột quỵ. Trong trường hợp của bà Thoa, mảng xơ vữa tích tụ đã gây tắc nghẽn hệ động mạch chi dưới.

Vùng cẳng chân, bàn chân và ngón chân của bà thiếu máu nuôi nghiêm trọng, gây ra các triệu chứng đau chân, vết thương khó lành và một số mô đã bị hoại tử.

Nếu không kịp thời nong mạch để khôi phục dòng máu, vết thương sẽ lan rộng, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và hoại tử toàn bộ bàn chân và cẳng chân, buộc phải cắt cụt.

Các bác sỹ đã thực hiện can thiệp nong mạch bằng bóng qua động mạch chày trước và động mạch mu chân, giúp tăng lưu thông máu, cứu giữ các mô lành và giảm nguy cơ phải cắt bỏ chân.

Tuy nhiên, ngón chân thứ ba của bà đã hoại tử nặng, không thể phục hồi nên buộc phải cắt bỏ. Việc làm này giúp ngừng sự lan rộng của vết thương, giúp chân còn lại phục hồi nhanh chóng.

Sau can thiệp, bà Thoa cảm thấy giảm đau, chân ấm dần và các ngón chân trở lại màu hồng. Bà được xuất viện sau một tuần điều trị.

"Một năm trước, tôi đã mất 1/3 chân trái, giờ nếu phải cắt tiếp một phần chân phải, tôi sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời, rất bất tiện trong sinh hoạt. Thật may mắn khi bác sỹ đã giữ được chân phải cho tôi," bà chia sẻ.

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh lupus. Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sỹ để ngăn ngừa các đợt bùng phát và hạn chế biến chứng.

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng hàng ngày để ngăn ngừa tia UVA và UVB, thận trọng khi sử dụng thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng, kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thiền, yoga, massage, đọc sách hay nghe nhạc; duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc (7 giờ mỗi đêm).

Theo các bác sỹ lupus ban đỏ hệ thống có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, với các triệu chứng đa dạng. Người bệnh nên chú ý đến các dấu hiệu bất thường như đau khớp, mệt mỏi kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, rụng tóc, phát ban trên da và đi khám sớm. Ngoài ra, bệnh nhân lupus cần được theo dõi sức khỏe mạch máu để phát hiện và can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan.

Kỹ thuật hiện đại điều trị cho bệnh nhân đột quỵ

Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa trở thành một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp đặt stent chuyển hướng dòng chảy điều trị cho bệnh nhân bị phình động mạch não khổng lồ.

Một trường hợp điển hình là bệnh nhân T.N.G, 67 tuổi, ở Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ, thường xuyên bị đau đầu âm ỉ kéo dài. Sau khi được khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và chụp cộng hưởng từ 3.0, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có túi phình động mạch cảnh trong phải, kích thước lớn và cổ rộng (4,8 mm x 5,3 mm, cổ túi phình 3,7 mm).

Vì kích thước túi phình quá lớn và cổ rộng, phương pháp can thiệp thông thường bằng nút coil không thể thực hiện được. Sau khi hội chẩn, các chuyên gia Trung tâm Đột quỵ đã quyết định áp dụng giải pháp can thiệp đặt stent chuyển dòng.

Kết quả sau can thiệp, dòng máu đã được khôi phục và chuyển hướng qua stent, giúp ngừng dòng máu vào túi phình. Chỉ sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.

Trước đó, Bệnh viện cũng đã điều trị thành công cho hai trường hợp phình mạch não khác. Cụ thể, bệnh nhân nữ, 46 tuổi, ở Tân Sơn, Phú Thọ, và bệnh nhân H.T.H, 37 tuổi, ở Phù Ninh, Phú Thọ, đều bị đau đầu âm ỉ kéo dài và phát hiện có túi phình động mạch não qua chụp cộng hưởng từ và chụp mạch não.

Cả hai bệnh nhân đã được can thiệp đặt stent chuyển dòng để ngăn ngừa nguy cơ vỡ túi phình, và đều có diễn biến thuận lợi, không gặp tai biến, được xuất viện sau 3-4 ngày điều trị.

ThS.Phan Ngọc Nhu, Trưởng Khoa Điều trị Thần kinh - Đột quỵ bán cấp cho biết, túi phình có kích thước lớn, cổ rộng và phức tạp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây đau đầu kéo dài, nguy hiểm hơn, túi phình có thể vỡ bất kỳ lúc nào, dẫn đến chảy máu não, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

Trong những trường hợp này, các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật hay can thiệp nút coil gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ tái phát cao, do đó, đặt stent chuyển dòng là giải pháp tối ưu, giúp điều trị hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

Kỹ thuật đặt stent chuyển dòng được áp dụng trong điều trị các túi phình phức tạp, như phình khổng lồ hoặc phình hình thoi, nơi các phương pháp thông thường không thể thực hiện hoặc có nguy cơ cao gây tai biến.

Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, chỉ cần mở một lỗ nhỏ ở vùng bẹn (động mạch đùi), từ đó bác sỹ sẽ đưa hệ thống ống thông đến vị trí mạch máu có túi phình dưới sự hướng dẫn của hệ thống DSA (hệ thống chụp mạch máu số hóa xoá nền).

Khi stent được đặt vào trong động mạch, nó giúp giữ vững thành mạch và tạo ra một "đường ưu tiên" cho máu lưu thông. Dòng máu sẽ được chuyển hướng qua stent thay vì vào túi phình, làm giảm áp lực máu trong túi phình. Theo thời gian, huyết khối sẽ hình thành, gây tắc nghẽn và làm giảm kích thước túi phình, từ đó giảm nguy cơ vỡ túi phình.

Việc áp dụng kỹ thuật này không chỉ giúp điều trị hiệu quả các trường hợp túi phình động mạch não phức tạp mà còn mang lại sự an toàn cao cho người bệnh.

Với thời gian phục hồi nhanh và ít tai biến, phương pháp này đang mở ra một hướng đi mới trong điều trị bệnh lý mạch máu não tại các bệnh viện tuyến tỉnh

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư