Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Trần Nguyễn Lê Văn, sáng lập Vexere.com: Bỏ học để… bán vé xe đò
Hồng Phúc - 28/08/2016 09:08
 
Bỏ ngang chương trình đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) ở Mỹ với học bổng trị giá 86.000 USD để về nước ... bán vé xe đò, nhà sáng lập Vexere.com với 1,5 triệu lượt truy cập và đặt vé mỗi tháng Trần Nguyễn Lê Văn đã chứng minh rằng, nếu đam mê thực sự, sẽ có nhiều con đường để khởi nghiệp.

Làm vì đam mê

Vexere.com không phải dự án khởi nghiệp đầu tiên của Trần Nguyễn Lê Văn.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2008, Văn mượn 20 triệu đồng của gia đình để làm bánh đúc. Lúc đó, Văn đơn giản nghĩ là bánh đúc Đồng Nai là một thương hiệu và việc đưa thương hiệu nổi tiếng ra… thế giới chắc không khó. Nhiều người đã làm và đã thành công. Nhưng, cả 2 yếu tố quan trọng nhất là thị trường và khách hàng Văn đều chưa có, nên giấc mộng… chuỗi cửa hàng bánh đúc nhanh chóng vỡ tan... Không dừng lại, Lê Văn nhận làm đại lý cung cấp thịt cho các cửa hàng. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, Văn đã kiếm được, lãi không nhỏ.

.
.

Nhưng, đúng lúc này, Văn nhận được học bổng toàn phần  để học MBA tại Mỹ. “Anh bán thịt bò” quyết định dừng lại, đến với “giấc mơ Mỹ”. Những thay đổi lớn bắt đầu từ đây.

Vào dịp Tết ở xứ người, Văn đọc báo và thấy cảnh hàng triệu người lao động và sinh viên Việt Nam mệt mỏi, vật vã, chen chúc xếp hàng mua vé về quê. Văn tự hỏi, tại sao ở Mỹ không có tình trạng này? Tại sao Việt Nam không áp dụng mô hình đặt vé xe trực tuyến như ở Mỹ?

“Học MBA ở Mỹ, tôi không  được dạy bán vé xe thế nào, thành lập hệ thống ra sao, nhưng ở đó, tôi học được là cái gì đã đam mê thì phải thực hiện”, Văn chia sẻ.

Nói là làm, Văn tìm hiểu thị trường vận tải hành khách, nhu cầu hành khách, khó khăn của hệ thống giao thông vận tải trong nước, nhận ra, mỗi năm Việt Nam có tới 24 triệu lượt người đi lại bằng xe khách, nếu mỗi người tốn 30 phút tìm và đi lại mua vé xe, quỹ thời gian hao phí của xã hội là rất lớn.

Dù chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp, nhưng chàng trai này quyết định trở về Việt Nam để có thể bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng mới. Văn nghĩ, ở lại Mỹ cũng không giải quyết được vấn đề gì, trong khi nếu cải tiến nhanh được các phương thức tổ chức, quản lý, điều hành trong ngành vận tải hành khách, Văn sẽ tạo ra lợi ích lớn cho cộng đồng.

“Nghỉ học ở Mỹ là tôi nghỉ học ở trường lớp, nhưng tôi không nghỉ học ở trường đời”, Văn chia sẻ.

Thế chân kiềng của Vexere.com

Vexere.com được bắt đầu bởi những mảnh ghép không đồng đều. Tiền ít, kỹ năng chưa đủ, kiến thức công nghệ thông tin không nhiều…

Nhưng bù lại, Văn có một sự đam mê mãnh liệt và một niềm tin vững chắc về điều mình đang làm. Đây là lý do chính để Vexere.com có thêm 2 đồng sáng lập nữa là Đào Việt Thắng và Lương Ngọc Long.

Thắng từng là quản trị viên tập sự của Ngân hàng ANZ, tốt nghiệp hạng ưu Cử nhân tài chính ở Mỹ, hiện đảm nhận vai trò quản lý tài chính, kinh doanh của hệ thống Vexere.com. Còn Long là bạn học với Văn ở Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, từng đoạt giải Olympic tin học cấp quốc gia năm 2005. Long phụ trách mảng công nghệ thông tin và sản phẩm của Vexere.com.

Cả hai đã từ chối nhiều lời  chào mời với mức lương vài ngàn USD/tháng để hợp sức với Văn tạo nên một sản phẩm mà họ tin là sẽ mang lợi ích cộng đồng.

Thế chân kiềng của Vexere.com thành hình. Tháng 7/2013, Vexere.com chính thức ra đời. Không có vốn, nhưng Vexere.com hiểu nhu cầu khách hàng. Kinh nghiệm chưa đủ, 3 nhà sáng lập lao vào việc, vừa thiết kế, xây dựng trang web, vừa thuyết phục các hãng xe hợp tác.

Nhưng khác với các phương án giả định của trường lớp, thách thức ở trường đời là thật và nhiều khi không thể dự đoán. Đề nghị hợp tác từ Vexere.com bị từ chối.

“Chủ nhà xe phần nhiều đi lên từ tài xế nên không dễ thay đổi thói quen. Họ thấy vẫn làm ăn được, vẫn có khách thì tại sao phải hợp tác với chúng tôi, tại sao phải đau đầu với công nghệ mới làm gì”, Văn kể lại.

Để có tiếng nói chung, Văn quyết định bám theo nhu cầu hiện tại của nhà xe trước khi đưa ra kế hoạch mới. Bắt đầu từ cung cấp phần mềm quản lý vé xe khách miễn phí cho 2 nhà xe. Kết quả, họ tiết kiệm 40% chi phí điện thoại, giảm thiểu sai sót so với quy trình thủ công và tăng doanh thu vé bán lên 10-20%. “Cộng thấy tiền rồi, chủ nhà xe này đồng ý hợp tác với chúng tôi. Trong kinh doanh ở Việt Nam, một người thấy lợi là một thành công. Chính chủ nhà xe này đã giới thiệu chúng tôi với doanh nghiệp khác. Thế là Vexere.com được chấp nhận”, Văn kể lại kinh nghiệm triển khai dự án Vexere.com.

Nhưng, đó mới là ở phía nhà xe. Vexere.com chưa tìm được cách thay đổi thói quen mua vé online thay vì mua vé truyền thống vì khách đi xe phần lớn là người lao động có thu nhập trung bình, thấp, ít sử dụng Internet. Nếu không giải được, Vexere.com sẽ lại tắc.

“Chúng tôi đưa ra 2 lời giải. Một là, giá vé mua online tiện lợi, rẻ hơn hoặc bằng mua trực tiếp. Hai là, phải đưa hình thức mua vé này tới giới trẻ. Các cuộc thi về công nghệ được chọn để quảng bá Vexere.com”, Văn hào hứng

Cách làm này khiến các nhà sáng lập Vexere.com được cả “tiếng lẫn miếng”. Giới trẻ mê công nghệ tiếp cận hào hứng với hình thức mới. Còn Vexere.com kiếm được tiền, không chỉ trực tiếp từ khách hàng cũng như các đại lý bán vé. 2 quỹ đầu tư là CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và Pix Vine Capital (Singapore) đang rót vốn vào Vexere.com.

Không tiết lộ lượng vé bán hàng ngày, nhưng theo Văn, Vexere.com có hơn 20.000 đại lý, 2.000 nhà xe tham gia. Hệ thống này cho phép hành khách chọn giá vé, nhà xe, ghế ngồi, tuyến đường theo ý muốn với các hình thức thanh toán linh hoạt. Tùy từng thời điểm và chính sách của hãng xe, hành khách có thể mua được vé xe rẻ hơn giá thực tế từ 10-50%. Còn Vexere.com nhận được chiết khấu 10%/vé.

Tất nhiên, Vexere.com chưa dừng lại. Lê Văn nói sẽ tiếp tục gọi vốn để thực hiện mục tiêu trong 2 năm nữa là sẽ bán cả vé xe lửa, vé máy bay và 3 năm nữa sẽ phát triển hệ thống ra khu vực Đông Nam Á...

Trò chuyện với Trần Nguyễn Lê Văn:

Yếu tố nào khiến ý tưởng Vexere.com thành công?
Tìm đúng bạn đồng hành và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng.

Còn vốn thì sao?
Khởi nghiệp là một quá trình, có thể bắt đầu không cần ngay số vốn “khủng”. Quan trọng là chọn đúng cộng sự, có mục tiêu rõ ràng và dám đi đến cùng với mục tiêu đó.

Đến thời điểm này, nhìn lại quyết định bỏ học để khởi nghiệp, đó có phải là cách tốt nhất?
Không nên bỏ học để nếu bản thân chưa đủ đam mê. Con đường nào cũng có lý do của nó, nhưng mọi người phải thực sự hiểu mình đang làm gì. Lĩnh vực công nghệ như thương mại điện tử là mảnh đất màu mỡ để khởi nghiệp, nhưng không phải ai cũng đào được “vàng” từ kho báu này.

Nguyễn Danh Hiển, đồng sáng lập iBanhmi: Người muốn viết sách McDonald’s cho fastfood Việt
Đóng góp trong công thức thành công của McDonald’s phải kể đến chiến lược nhượng quyền thương hiệu đầy ngạo mạn với cuốn sách dày…...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư