Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Trung Quốc “hắt hơi”, các thị trường toàn cầu có dấu hiệu “cảm cúm”
Tư Thuần - 25/05/2023 17:45
 
Nền kinh tế Trung Quốc không hồi phục tích cực như kỳ vọng và chính quyền Bắc Kinh không triển khai các gói hỗ trợ quy mô lớn đang tạo tác động tới các thị trường toàn cầu.

Đầu năm 2023, giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục tích cực sau giai đoạn chống dịch ngặt nghèo và chính quyền Bắc Kinh sẽ thực hiện nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện tại, các thành viên thị trường cân nhắc lại các kỳ vọng, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tỏ ra thiếu động lực với các chỉ số thấp hơn dự báo.

Các số liệu gần đây cho thấy, nhiều khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng gần với mức mục tiêu khoảng 5% mà Chính phủ đặt ra. Con số này thấp hơn nhiều so với mức được các thành viên thị trường dự báo vào đầu năm. Các số liệu sản xuất, kinh doanh cũng cho thấy ngành dịch vụ và hoạt động công nghiệp không lấy làm tích cực.

Tại thị trường chứng khoán, chỉ số CSI 300 đã “bốc hơi” thành quả gây dựng được từ đầu năm và giảm khoảng 50% so với mức đỉnh gần nhất vào tháng 11/2022. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Đại lục chỉ trong 1 phiên giao dịch. Đồng nhân dân tệ cũng giảm giá so với USD, sau khi thủng mức 1 USD đổi 7 nhân dân tệ.

Các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc ở mức thấp hơn so với diễn biến chỉ số MSCI toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tại thị trường bất động sản một lần nữa nhen nhóm dấu hiệu quay trở lại, doanh số bán hàng chậm dần sau khi hồi phục vào đầu năm. Một số doanh nghiệp bất động sản thông báo không thu xếp được vốn và không thể thanh toán lãi trái phiếu đến hạn. Trong khi đó, bất động sản đóng góp tới 20% GDP của Trung Quốc.

Bất động sản trầm lắng kéo theo nhu cầu đối với các loại vật liệu xây dựng và nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đi xuống. Đồng đỏ - vốn được xem là một trong những chỉ báo sức khoẻ của nền kinh tế bởi được sử dụng tại nhiều lĩnh vực - vừa lao dốc xuống dưới ngưỡng 8.000 USD/tấn, trong khi quặng sắt cũng giảm xuống còn 100 USD/tấn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang là khách hàng lớn nhất toàn cầu với các sản phẩm dầu thô, đồng và ngành công nghiệp thép tại đây chiếm khoảng hơn một nửa nhu cầu quặng sắt toàn cầu.

Với việc nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đi xuống, giá dầu giữ xu hướng giảm. Giá các loại năng lượng khác cũng chịu chung số phận. Chẳng hạn, giá than đá, nguyên liệu chính sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp tại Trung Quốc đã giảm 18% kể từ đầu năm tới nay.

Giá nguyên liệu đồng (đường màu đen) và quặng sắt (đường màu đỏ) theo xu hướng xuống dốc.

“Chúng ta đã đặt nhiều kỳ vọng vào một năm tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhưng cho tới nay, thực tế là câu chuyện hồi phục yếu của hoạt động sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa cũng chưa bình phục và xuất khẩu gặp nhiều vấn đề, nhất là khi sức mua từ Mỹ, châu Âu cũng giảm sút”, Neil Beveridge, chiến lược gia cao cấp tại Sanford C. Bernstein cho biết.

Trung Quốc “hắt hơi” thì các thị trường toàn cầu cũng có dấu hiệu “cảm cúm”. Mối lo ngại liên quan tới tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc góp phần tạo nên đà giảm của cổ phiếu các doanh nghiệp hàng hoá cao cấp tại châu Âu, bao gồm LVMH và Kering SA (công ty sở hữu thương hiệu Gucci), khiến 60 tỷ USD vốn hoá thị trường bốc hơi trong 2 phiên giao dịch ngày 24-25/5.

“Trong bối cảnh hiện tại, chúng tôi không kỳ vọng giới chức Trung Quốc sẽ tiến hành các gói kích thích kinh tế quy mô lớn, bởi mức mục tiêu tăng trưởng 5% là trong tầm với”, báo cáo của Goldman Sachs Group Inc nhận định. Theo đó, giới đầu tư buộc phải nhìn nhận lại thực tế và điều chỉnh lại kỳ vọng của mình ở các thị trường tài chính.

Chi tiêu, đầu tư công của Trung Quốc chậm lại trong năm 2023.
10 tỷ USD trái phiếu bất động sản Trung Quốc có thể rơi vào cảnh vỡ nợ
Các vụ vỡ nợ tại thị trường trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang trở lại với quy mô dự báo lên tới 10 tỷ USD.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư