Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Vẫn loay hoay quy định quản lý giá thuốc
Nguyễn Lê - 08/09/2024 14:56
 
Quản lý giá thuốc là vấn đề đặc biệt quan trọng tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo) sẽ được Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới, song những quy định xung quanh vấn đề này vẫn được cho là thiếu tính khả thi.

 

Quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc điều trị có chất lượng với giá hợp lý đến được tay người dân (Ảnh: Đ.T)
Quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc điều trị có chất lượng với giá hợp lý đến được tay người dân (Ảnh: Đ.T)

Cần sự điều tiết của Nhà nước

Tại Dự thảo trình Kỳ họp Quốc hội thứ bảy (tháng 5/2024) trong các biện pháp quản lý giá thuốc có quy định kê khai giá bán buôn dự kiến.

Qua thảo luận, một số vị đại biểu cho rằng, quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý nhà nước, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính và đề nghị làm rõ: có hay không việc tạo ra quyền thẩm duyệt, quyền thẩm định về giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo phục vụ hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cuối tháng 8 vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội (cơ quan thẩm tra) cho biết đã thống nhất với Bộ Y tế rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế. Quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc điều trị có chất lượng với giá hợp lý đến được tay người dân. Vì thế, Luật Dược hiện hành quy định biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến cơ sở tiêu dùng.

Điều 42, Dự thảo quy định: “Thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Quy định như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, tất nhiên phải là kê đơn điện tử, đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh. Vì vậy, Dự thảo cần cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được phép cung cấp thuốc. Người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó quản lý. Việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến là việc không ngăn chặn được, sẽ xảy ra và diễn ra rất mạnh mẽ.

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Tuy nhiên, biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến này có nội hàm khác với biện pháp kê khai theo quy định của Luật Giá. Do đó, để tránh hiểu nhầm, biện pháp “kê khai giá bán buôn dự kiến” được đổi tên thành biện pháp “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”.

Đồng thời, để cụ thể về quy trình, cách thức công bố giá bán buôn thuốc dự kiến và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Dự thảo đã bổ sung giải thích các từ ngữ “giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”.

Theo đó, giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường mà các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này.

Công bố giá bán buôn thuốc dự kiến là việc cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc gửi thông báo giá bán buôn thuốc dự kiến đến Bộ Y tế trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường để thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến là việc cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc gửi thông báo giá bán buôn thuốc dự kiến đến Bộ Y tế khi có thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố để thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Mặt hàng thuốc tương tự là các thuốc có cùng dược chất, dược liệu, cùng dạng bào chế và cùng tiêu chí kỹ thuật.

Dự thảo cũng xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục, biện pháp kiến nghị khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý để có cơ chế kiểm soát nếu cơ sở sản xuất thuốc, cơ sở nhập khẩu thuốc công bố giá bán buôn thuốc dự kiến tăng cao bất hợp lý so với giá bình quân của mặt hàng thuốc tương tự.

Khó tổ chức thực hiện

Bà Trần Thị Nhị Hà, nguyên Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó trưởng ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhìn nhận, quản lý giá thuốc và kê khai giá thuốc là cơ sở pháp lý để tổ chức đấu thầu thuốc. Vì thế, đây luôn là một vấn đề nóng.

Nhưng việc chuyển từ khái niệm giá bán buôn toàn chặng từ Dự thảo trước sang giá bán buôn thuốc dự kiến chỉ khác nhau về tên, còn nội hàm thì không có sự khác biệt.

Quy định như Dự thảo, theo đại biểu Hà, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc xác định một giá bán buôn, nhưng các cơ sở khác thì không được bán cao hơn giá này, như thế là một hạn chế của thị trường. Vì vậy, bà Hà cho rằng, cần đánh giá tác động của quy định mới, bởi “thị trường thuốc vô cùng phức tạp”.

Chưa kể, Dự thảo đưa ra một nội dung rất mới. Đó là, chuỗi nhà thuốc và các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc hoàn toàn có thể là cơ sở nhập khẩu thuốc và họ sẽ xác định mức giá bán buôn. Nhưng nếu các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc xác định một mức giá bán buôn tối đa rất thấp, có thể không có lợi nhuận, dẫn đến các cơ sở bán buôn khác không được bán buôn cao hơn giá này, sau đó các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc mang vào bán lẻ tại chuỗi nhà thuốc của mình.

Trong khi đó, Dự thảo chưa quy định thặng dư với giá bán lẻ. “Như vậy, sẽ gây ra tình trạng độc quyền hoặc rất khó khăn cho những nhà thuốc không phải là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc. Việc quy định giá bán buôn thuốc dự kiến, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến cũng dẫn đến việc kê khai giá của các cơ sở bán buôn thuốc không có nhiều ý nghĩa nữa, bởi Dự thảo quy định, kê khai giá không được cao hơn giá bán buôn đã công bố. Như vậy, phần tổ chức thực hiện sẽ khó khăn”, bà Hà lo ngại.

Chung quan điểm với đại biểu Hà, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận xét, quy định như Dự thảo sẽ khó thực hiện.

Dự thảo quy định công bố giá dự kiến đối với nhà thuốc của nhà nhập khẩu hoặc nhà sản xuất, còn giá bán buôn của hệ thống chuỗi nhà thuốc thì thế nào? Theo ông Thành, nếu chỉ quy định ở cấp độ 1 là đối với nhập khẩu và nhà sản xuất sản phẩm thuốc thì lại vi phạm nguyên tắc thị trường trong vấn đề giá thuốc.

Vì thế, đề nghị của đại biểu Thành là cần phải rà soát, chỉnh lý lại cho phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện.

Nhận xét ý kiến của các vị đại biểu rất xác thực, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sẽ báo cáo thêm khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám vào tháng 10 tới.

Tiết kiệm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ đàm phán giá thuốc
Theo đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư