Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Vẫn nóng chuyện kê khai, niêm yết giá trong dịch vụ hàng hải
Bảo Như - 25/11/2021 09:31
 
Một số vi phạm liên quan đến việc kê khai, niêm yết giá được phát hiện sau đợt Cục Hàng hải Việt Nam tổng rà soát các loại giá dịch vụ cảng biển và giá cước vận tải biển.
Ảnh minh họa.

Tiếp tục giám sát chặt

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 12277/BGTVT - VT gửi Cục Hàng hải Việt Nam phản hồi về kết quả kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa.

Tại công văn này, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát hoạt động kê khai, niêm yết giá dịch vụ hàng hải của doanh nghiệp và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định.

Cục Hàng hải Việt Nam cũng được giao nghiên cứu, rà soát nội quy cảng biển và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về giá dịch vụ hàng hải để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

“Đối với việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT (Thông tư 54) về việc ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương nghiên cứu đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Bộ GTVT”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo.

Trong 10 tháng của năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 587 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong khi sản lượng nhiều mặt hàng qua cảng bị ảnh hưởng do Covid-19, hàng container vẫn duy trì được đà tăng trưởng hai con số với khối lượng 10 tháng ước đạt gần 20,3 triệu TEU, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng container xuất khẩu ước đạt hơn 6,6 triệu TEU, tăng 11%; hàng container nhập khẩu đạt gần 6,7 triệu TEU, tăng 14%; hàng nội địa đạt gần 7 triệu TEU, tăng 10%.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định thành lập 3 tổ công tác do lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam làm Tổ trưởng để thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, có tổng cộng 33 doanh nghiệp, bao gồm 9 doanh nghiệp cảng biển, 6 công ty hoa tiêu, 9 công ty lai dắt, 5 công ty vận tải biển, 4 công ty giao nhận và kho bãi đã được 3 tổ công tác kiểm tra.

Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng hải này bị “soi” theo các quy định về kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá; quy định về niêm yết giá tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 2/11/2021 của Chính phủ quy định về việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.

Đây cũng là những vấn đề từng nhận được nhiều phản hồi của các chủ hàng xuất nhập khẩu trong thời gian vừa qua.

Vẫn nóng chuyện kê khai, niêm yết

Theo Báo cáo kết quả kiểm tra được Cục Hàng hải Việt Nam gửi tới Bộ GTVT vào đầu tháng 11/2021, tại 9 doanh nghiệp cảng biển, các đoàn kiểm tra ghi nhận dịch vụ bốc dỡ container, cầu bến, phao neo và dịch vụ khác tại cảng biển đều áp dụng mức giá dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo nằm trong khung giá theo quy định tại Thông tư số 54.

Đối với giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, hầu hết doanh nghiệp đều áp dụng mức giá tối thiểu, riêng Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân áp dụng mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 54. Đối với giá dịch vụ bốc dỡ container nội địa, mức giá tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và đối tượng khách hàng, nhưng vẫn nằm trong khung giá theo quy định tại Thông tư số 54.

Đối với một số dịch vụ bốc dỡ container trong trường hợp đặc biệt, container lạnh, container hàng nguy hiểm, đoàn kiểm tra phát hiện một số cảng có mức giá niêm yết chưa phù hợp (cao hơn khung giá) theo quy định tại Thông tư số 54.

Đối với hoạt động lai dắt, các doanh nghiệp cũng áp dụng đúng khung giá theo quy định, song có một số dịch vụ trong trường hợp đặc biệt thời tiết sóng gió bất thường, mức giá doanh nghiệp tự đưa ra cao hơn so với khung giá.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, kết quả kiểm tra cho thấy, cả 4 công ty vận tải gồm Nhật Việt, Hải An, GLS và Vận tải biển VIMC đều thực hiện niêm yết giá cước và các loại phụ thu ngoài giá trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Điểm gợn duy nhất tại doanh nghiệp vận tải biển là một số doanh nghiệp từ chối không cung cấp báo cáo tài chính và hóa đơn, chứng từ vì lý do bí mật kinh doanh.

Điều đáng nói là, khi kiểm tra tại 2 doanh nghiệp dịch vụ giao nhận hàng hải là Công ty TNHH King Freight Logistics Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại và tiếp vận quốc tế Interlog Quy Nhơn, đoàn kiểm tra đều phát hiện những vi phạm liên quan đến việc niêm yết giá cước vận tải và các loại phụ thu theo quy định. Thậm chí, King Freight Logistics còn không cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu, trong đó có báo cáo tài chính có dấu của kiểm toán.

“Đối với những trường hợp chưa thực hiện đúng quy định mức giá, kê khai giá và niêm yết giá, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ giao Thanh tra Hàng hải phối hợp với cảng vụ khu vực tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để rà soát các nội dung chưa phù hợp và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định”, ông Giang thông tin.

Giá cước container biến động: Tàu ngoại thu lợi, tàu nội hụt hơi
Dù giá cước vận chuyển container từ Việt Nam đi các cảng biển châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng từ 5 đến 10 lần so với đầu năm 2020, phần lớn lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư