Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Viconship báo lãi cao kỷ lục, cổ đông lớn vẫn liên tục “chốt lời”
Tùng Linh - 09/03/2022 13:13
 
Đại lý Vận tải SAFI - cổ đông lớn nhất của Vicoship tiếp tục đăng ký bán 600.000 cổ phiếu VSC, dự kiến sẽ không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp cảng biển này.
Lợi nhuận của Viconship lần đầu vượt 400 tỷ đồng
Cổ đông lớn của Viconship liên tục bán ra cổ phiếu VSC.

 

 

Công ty cổ phần Đại lý Vận tải SAFI mới đây cho biết đã hoàn tất bán 800.000 cổ phiếu VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC - HOSE) chỉ trong vỏn vẹn 4 ngày giao dịch tháng 3 (3/3-7/3) và tiếp tục đăng ký bán thêm 600.000 cổ phiếu VSC. Tỷ lệ sở hữu đã giảm từ 5,8% xuống 5,07%.

Nếu thực hiện thành công đợt đăng ký lần này,  Công ty cổ phần Đại lý Vận tải SAFI sẽ không còn là cổ đông lớn của Viconship.

Những ngày qua, khối lượng giao dịch cổ phiếu VSC đã tăng vọt lên 3,2 triệu cổ phiếu, trong khi thanh khoản bình quân 10 ngày gần đây cũng chỉ xấp xỉ 890.000 đơn vị. Áp lực cung lớn từ Công ty cổ phần Đại lý Vận tải SAFI không làm giảm giá cổ phiếu VSC những ngày này, thậm chí giá cổ phiếu đã xác lập đỉnh giá mới (theo giá đã điều chỉnh) là 45.600 đồng/cổ phiếu. Tạm đóng cửa phiên giao dịch sáng 9/3, giá cổ phiếu VSC tiếp tục tăng lên 47.000 đồng. Ước tính theo mức giá trên, Đại lý Vận tải SAFI có thể thu về thêm 28,2 tỷ đồng từ giao dịch lần này.

Số lượng cổ đông lớn của doanh nghiệp cảng biển này khá khiêm tốn. Đến cuối năm 2021, SAFI vẫn là cổ đông lớn nhất trong cơ cấu cổ đông phân mảnh của Viconship. VSC là cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao khi đầu tư trong giai đoạn 2 năm qua. Kể từ tháng 3/2020, cổ phiếu này đã nhanh chóng hồi phục với giá tăng cao gấp hơn 4 lần và đang xác lập đỉnh giá mới.

Cơ cấu cổ đông của Viconship đến cuối năm 2021 - Nguồn: BCTC

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Viconship cũng vượt so với mức trước đại dịch. Công ty báo lãi kỷ lục gần 414 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm 2020 và vượt 8,4% kế hoạch đã điều chỉnh (tăng gần 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2022 so với kế hoạch ban đầu).

Ông Bùi Minh Hưng, Tổng giám đốc Viconship cho biết nguyên nhân chính đóng góp cho sự tăng trưởng lợi nhuận này là mức tăng 12,4% của doanh thu và tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu VSC năm 2021 đạt 5.733 đồng. Với mức giá 47.000 đồng hiện tại, P/E hiện là 8,2 lần.

Đến cuối năm 2021, quy mô tài sản của Vicoship đạt 3.266 tỷ đồng. Nguồn vốn từ nợ phải trả chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, xấp xỉ 8,3%. Trong năm, công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 1.100 tỷ đồng. Dù đạt được mức EPS lớn trong năm 2021, vốn điều lệ tăng lên cũng là áp lực đối với tăng trưởng lợi nhuận năm nay.  

Tại thời điểm 31/12/2021, khoản vốn huy động được từ các cổ đông vẫn đang được phong toả tại tài khoản ngân hàng, là nguyên nhân chính khiến số dư tiền và tương đương tiền của Viconship cuối năm đạt hơn ngàn tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, doanh nghiệp cảng biển này đã đầu tư hơn 390 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Cảng VIMC Đình Vũ. Đây là công ty con do Vinalines sở hữu 51%, thành lập để thực hiện dự án cảng tổng hợp tại phía trái luồng hàng hải Hải Phòng (sông Bạch Đằng) thuộc Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Với tỷ lệ sở hữu 36%, công ty đang ghi nhận CTCP Cảng VIMC Đình Vũ là một trong 4 công ty liên kết. 

Viconship tăng trưởng lợi nhuận, giảm áp lực pha loãng
Với sản lượng hàng hóa và các mảng dịch vụ cốt lõi tăng trưởng, Viconship kỳ vọng vượt kế hoạch kinh doanh năm nay, giảm bớt áp lực pha loãng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư