Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam là bệ phóng tốt để công ty mở rộng kinh doanh ra khu vực Đông Nam Á
Kỳ Thành - 29/06/2022 17:01
 
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu kỹ thuật số tăng cao sau đại dịch là sức hút của Việt Nam, giới chuyên gia về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đánh giá.

Ngày 28/6, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Sunwah Innovations và InnoLab Asia - đơn vị triển khai và tư vấn về đổi mới sáng tạo của Sáng kiến Open Innovation Vietnam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức Hội thảo quốc tế “Giới thiệu cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam” nhằm giới thiệu tiềm năng của thị trường Việt Nam tới các đối tác quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, Việt Nam đang thể hiện những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển môi trường kinh doanh năng động, cởi mở trong khi vẫn kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.

Bất chấp đại dịch, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ như một ngôi sao sáng trong khu vực, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á trong thu hút dòng vốn ngoại và cho các công ty khởi nghiệp quốc tế.

Năm 2021 ghi nhận số vốn đầu tư mạo hiểm cao kỷ lục là 1,3 tỷ USD đã được rót vào thị trường, với các lĩnh vực như công nghệ tài chính (FinTech), công nghệ chăm sóc sức khỏe (MedTech), thương mại điện tử và dịch vụ phần mềm (SaaS) giữ vai trò nổi bật; trong khi nông nghiệp công nghệ cao (AgriTech), công nghệ xanh (GreenTech), Deep Tech và công nghệ thực phẩm (FoodTech) là những lĩnh vực hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm tới.

Hội thảo quốc tế “Giới thiệu cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam”

Ông Jesse Choi, Giám đốc Sunwah Innovations và Sunwah Việt Nam cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2018 tới nay, Sunwah Innovations đã cùng với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức rất nhiều chương trình ý nghĩa và thiết thực cho cộng đồng khởi nghiệp.

“Sự kiện này cũng là một trong những nỗ lực khác của chúng tôi giúp đẩy mạnh trao đổi và học hỏi giữa tất cả các bên”, ông Jessse Choi nói.

Ông Jesse Choi, Giám đốc Sunwah Innovations và Sunwah Việt Nam

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc NIC, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư đối với doanh nghiệp FDI, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài.

Luật Đầu tư (2020) nêu rõ các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển là những đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, bao gồm ưu đãi thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tăng thời gian và mức chi phí được trừ khi tính thuế đối với khấu hao tài sản…

Ông Thịnh cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình đơn giản hóa các thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

“Các yếu tố khiến Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp FDI, có thể kể đến là chính trị ổn định, dân số trẻ, nguồn nhân tài chất lượng cao, hội nhập quốc tế sâu rộng…”, ông Thịnh cho hay.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Đồng quan điểm với ông Đỗ Tiến Thịnh về tiềm năng và sức hấp dẫn của thị trường khởi nghiệp Việt Nam, song ông Huỳnh Công Thắng, Đồng sáng lập và Giám đốc InnoLab Asia lưu ý, các doanh nghiệp nước ngoài cần thực hiện một số bước chính khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Một là, phân tích tiềm năng thị trường. Hai là, hiểu rõ về bối cảnh cạnh tranh. Ba là, đánh giá năng lực của doanh nghiệp và các yêu cầu về tài chính. Các việc này cần thực hiện ít nhất ba tháng trước khi bắt đầu kế hoạch tiếp cận thị trường Việt Nam.

Ông Thắng cũng đặc biệt khuyến nghị các công ty khởi nghiệp nước ngoài nên tham gia các vườn ươm hoặc chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại Việt Nam để đánh giá tiềm năng thị trường, tối ưu hóa tính phù hợp giữa sản phẩm, giải pháp cung cấp và thị trường mục tiêu, từ đó gia tăng khả năng thành công khi gia nhập thị trường.

Mặc dù khởi nghiệp tại Việt Nam ngay khi đại dịch bùng phát, nhưng ông Tim Lee, CEO của Công ty Carrect tin rằng, Việt Nam là bệ phóng tốt để công ty mở rộng kinh doanh ra khu vực Đông Nam Á nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và nhu cầu kỹ thuật số tăng cao sau đại dịch.

Tìm kiếm đối tác phù hợp bằng cách tích cực tham gia vào hệ sinh thái và tận dụng mạng lưới của các nhà đầu tư là chìa khóa cho sự phát triển của Carrect tại Việt Nam.

Bà Katie Nguyễn, Phó Giám đốc Sunwah cho rằng, xây dựng mối quan hệ và lòng tin là hai yếu tố thiết yếu giúp các công ty nước ngoài thành công tại Việt Nam, do đó vai trò của những đơn vị kết nối hệ sinh thái và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp là vô cùng quan trọng.

Sau hội thảo này, hai công ty khởi nghiệp nước ngoài có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang thị trường Việt Nam được lựa chọn sẽ có cơ hội thảo luận 1:1 với đại diện của Innolab Asia và Sunwah Innovations để được cố vấn trực tiếp và nhận lời khuyên hữu ích trong việc phát triển kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam.

Việt Nam nằm trong "Tam giác vàng khởi nghiệp"
Cùng với Singapore và Indonesia, Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia tạo nên “Tam giác vàng khởi nghiệp” tại khu vực Đông Nam Á, theo nhận định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư