Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 25 tháng 01 năm 2025,
Vốn ngoại chờ thương vụ bán vốn ngân hàng
Thùy Vinh - 03/03/2019 09:35
 
Với khả năng sinh lời cao và tăng trưởng mạnh trở lại, ngành ngân hàng Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn mua cổ phần.
Vietcombank vừa phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 2 đối tác nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh
Vietcombank vừa phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho 2 đối tác nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng. Ảnh: Đức Thanh

Nhà đầu tư ngoại mạnh tay rót vốn

Giới phân tích nhận định, cùng với dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam gia tăng trong năm nay, tài chính - ngân hàng vẫn là lĩnh vực được các nhà đầu tư ngoại quan tâm và kỳ vọng bứt phá. Kỳ vọng này được giới phân tích tài chính đánh giá là hoàn toàn có cơ sở khi mới chỉ qua 2 tháng đầu năm đã có không ít nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào lĩnh vực này.

Cụ thể, đầu năm 2019, Vietcombank (VCB) đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC (Singapore) và Mizuho Bank (Nhật Bản), thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương khoảng 265 triệu USD).

Trong khi đó, VCB vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sửa đổi vốn điều lệ lên 37.088 tỷ đồng, tiếp tục kế hoạch trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Tuy vậy, trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 26/4/2019, VCB sẽ tiếp tục trình cổ đông tăng thêm vốn. Bởi khoản tiền lớn đã phát hành cho cổ đông ngoại nói trên chỉ mới chiếm 30% tổng kế hoạch phát hành cổ phiếu của VCB. Do đó, phần còn lại rất có thể được thực hiện trong thời gian tới. Trong lần tăng vốn năm nay, VCB có thể thực hiện qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) và chi trả cổ tức.

Thị trường cũng đang chờ đợi thương vụ bán vốn của Ngân hàng BIDV cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc) sớm hoàn tất. Năm 2018, ngân hàng này đã xin ý kiến cổ đông về việc chào bán và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là KEB Hana với 17,65% vốn điều lệ hiện tại, tương đương 15% vốn sau phát hành.

Mitsubishi UFJ cũng muốn hỗ trợ VietinBank tăng vốn. Ông Kanetsugu Mike, Tổng giám đốc Mitsubishi UFJ Financial Group - MUFG cho biết, là cổ đông chiến lược của VietinBank, MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.

Chốt room ngoại trước niêm yết

Không chỉ các nhà băng lớn, mà nhiều nhà băng nhỏ cũng hút vốn ngoại, như OCB, Nam A Bank.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết. Năm 2018, Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, song chưa hoàn tất, nên sẽ tiếp tục triển khai trong năm nay, trong đó có hút vốn nước ngoài.

Tại OCB, hiện room ngoại chỉ chiếm 5% trong tổng số 30% theo quy định, nên còn nhiều cơ hội cho cổ đông ngoại.

Thực tế, những ngân hàng còn room ngoại luôn được săn đón, nhất là với các nhà băng có kế hoạch chuẩn bị niêm yết.

Trong năm qua, một số nhà băng triển khai kế hoạch lên sàn, như HDBank, VPBank, Techcombank và đã chào bán cổ phần thành công cho các tổ chức quốc tế, thu về hàng trăm triệu USD, thậm chí khối lượng đặt mua gấp nhiều lần lượng chào bán.

Cụ thể, HDBank bán trên 21% cổ phần cho không dưới 10 nhà đầu tư ngoại, thu về 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) trước khi niêm yết đầu năm 2018. Việc nhận sáp nhập PGBank sẽ được hoàn thành tới đây cũng giúp room ngoại đã lấp kín tại HDBank trống ra khoảng 900 tỷ đồng mệnh giá, tương đương khoảng 7%. Điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu HDBank.

Tương tự, Techcombank lấp kín room ngoại khi vừa bán cổ phần cho Warburg Pincus, thu về 370 triệu USD trước niêm yết trên sàn HoSE trong năm 2018. Tại ACB, sau khi Standard Chartered Bank thoái vốn đã nhanh chóng được nhóm Alp Asia Finance Limited nhận chuyển nhượng lại và chính thức trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn ACB. Room ngoại tại ACB hiện đạt mức tối đa 30%...

Là huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động ngành ngân hàng đang vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng. Tuy nhiên, việc nới room lĩnh vực này vẫn được các nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Các chuyên gia Moody’s đánh giá, hầu hết ngân hàng Việt sẽ vẫn thiếu vốn để đáp ứng yêu cầu của chuẩn Basel II, có hiệu lực từ năm 2020. Do đó, việc huy động vốn, chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ là tâm điểm chú ý của các ngân hàng Việt trong năm 2019, bởi thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển. Tuy nhiên, Moody’s cho biết, các ngân hàng Việt được hãng này xếp hạng đã có khả năng sinh lời cao hơn nhờ chênh lệch lãi ròng tăng và chi phí tín dụng thấp hơn.
Ngân hàng bước vào cuộc đua tăng vốn
Áp lực đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về vốn khi thời điểm áp dụng Basel II cận đề đang đè nặng các nhà băng. Tăng vốn sẽ là một trong những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư