Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Xuất khẩu xi măng, clinker sắp chạm ngưỡng tỷ USD
Thế Hải - 11/10/2019 09:34
 
Với mức giá bình quân 42,1 USD/tấn, xuất khẩu xi măng, clinker đã mang về khoảng 900 triệu USD sau 9 tháng của năm 2019.
Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu xi măng, clinker đã mang về khoảng 900 triệu USD. Ảnh: Chí Cường
Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu xi măng, clinker đã mang về khoảng 900 triệu USD. Ảnh: Chí Cường

Giá xuất khẩu tăng

Ngành xi măng Việt Nam với năng lực sản xuất 120 triệu tấn/năm tiếp tục mang về những con số ngoại tệ đáng kể từ xuất khẩu.

Số liệu thống kê của Công ty cổ phần Dữ liệu kinh tế Việt Nam (Vietdata) cho hay, 8 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu xi măng và clinker đạt 20,7 triệu tấn, tuy tăng chưa đầy 1% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng 11,2%, đã mang về kim ngạch xuất khẩu gần 873 triệu USD, tăng 12,3%. Còn tạm tính trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu xi măng đạt khoảng 900 triệu USD.

Năm 2018 là năm đầu tiên xi măng, clinker gia nhập câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, với tổng kim ngạch đạt 1,246 tỷ USD và sản lượng 32 triệu tấn.

Việc tăng giá xuất khẩu bình quân 11,2% đã ít nhiều giúp ngành xuất khẩu vốn được cho là thâm dụng tài nguyên vẫn tăng được kim ngạch, nhưng lại giảm được về sản lượng xuất đi.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, nếu những năm trước đây, cơ cấu xuất khẩu thường là clinker chiếm 2/3, 1/3 còn lại là xi măng, thì hiện nay, lượng xuất khẩu xi măng đang tăng lên, giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị.

Dự báo, xuất khẩu xi măng, clinker chỉ sau tháng 10 sẽ vượt mốc 1 tỷ USD và có thể về đích với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 - 1,35 tỷ USD.

Trụ cột là tập đoàn, doanh nghiệp lớn

Xi măng Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới, khi có mặt tại 40 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đặc biệt, năm 2018 với việc xuất khẩu trên 30 triệu tấn đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu xi măng nhiều nhất.

Dù vậy, về dài hạn, tái cơ cấu, thu gọn đầu mối sản xuất, kinh doanh xi măng để phát triển mạnh hơn là con đường ngành này phải tính đến.

Việt Nam có công suất xi măng khoảng 120 triệu tấn với hơn 60 nhà máy sản xuất, trong khi Thái Lan có công suất xi măng gần 60 triệu tấn với 5 nhà sản xuất.

Điều đáng nói, tới 2/3 số dây chuyền sản xuất xi măng ở Việt Nam chỉ có công suất 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng toàn ngành.

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Xi măng FICO - YTL cho biết, quy mô tối thiểu để đảm bảo cạnh tranh của một nhà máy xi măng phải là 2 triệu tấn/năm và quy mô của một doanh nghiệp xi măng ít nhất phải 5-10 triệu tấn/năm mới đảm bảo hiệu quả dài hạn thông qua tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư công nghệ mới.

Chưa kể, hiện trạng manh mún của thị trường xi măng do sự đầu tư ồ ạt dàn trải dẫn đến nhiều hệ lụy như năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư của ngành thấp và hạ thấp các tiêu chuẩn hoạt động bao gồm cả công tác bảo vệ môi trường.

Thực tế đã chứng minh, các nhà sản xuất xi măng quy mô lớn như Vissai, Xuân Thành, Vicem… luôn có được những lợi thế hơn hẳn trong kinh doanh và đàm phán xuất khẩu.

Từ 10 năm trước, khi ngành xi măng mới phát triển mạnh các doanh nghiệp tư nhân làm xi măng thì Tập đoàn Xi măng The Vissai đã có được đơn hàng cả triệu tấn xuất sang Bangladesh, Indonesia…

Còn ngay trong tháng 8 vừa qua, cũng chính tập đoàn này đã xuất khẩu được lô hàng xi măng đầu tiên sang Mỹ, thị trường đặc biệt khó tính.

“Sau 2 năm soát xét điều kiện sản xuất, môi trường, năng lực tài chính, một tập đoàn của Mỹ đã chấp thuận ký kết hợp đồng để Tập đoàn Xi măng The Vissai xuất khẩu trực tiếp xi măng sang thị trường Mỹ”, đại diện The Vissai cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA, khi ngành xi măng giảm bớt các đầu mối, từ vài chục doanh nghiệp xuống còn khoảng 10 nhà sản xuất, tạo điều kiện để ra đời những nhà sản xuất xi măng lớn, khi đó sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả: chi phí giảm (chi phí vận hành, hoạt động hành chính…), năng suất lao động tăng, giá thành hạ và điều kiện để đầu tư, đổi mới công nghệ tốt hơn.
Xuất khẩu xi măng và clinker tăng lượng, được giá nhờ thị trường nào?
Sở dĩ ngành xi măng đạt được sản lượng xuất khẩu tăng cao kỷ lục 32 triệu tấn trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 là do thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư