Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 11 tháng 10 năm 2024,
Y, bác sỹ tiếp tục lên đường vì miền Nam ruột thịt
Mộc An - 04/08/2021 09:26
 
Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM lên tới 5.000-7.000 ca/ngày, hệ thống y tế quá tải, thì hàng ngàn y, bác sỹ từ miền Bắc đã bỏ lại công việc, gia đình lên đường “Nam tiến”, cứu giúp đồng bào.
bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch
Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch

Đoàn y, bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch gồm 15 bác sỹ và điều dưỡng thuộc các chuyên ngành hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm. Đây đều là những thầy thuốc trẻ, có trình độ, năng lực và đầy nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ. Theo phân công, đoàn sẽ vào tiếp sức điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2).

Đoàn công tác y tế gồm 45 nhân viên tiếp sức cho thành phố mang tên Bác của Bệnh viện E cũng đã lên đường ngày 27/7. Đoàn tình nguyện sẽ trực tiếp tham gia công tác điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến quận 9.

Đến thời điểm này, TP.HCM đã tiếp nhận 2 đợt chi viện nhân lực với tổng số 3.969 người, trong đó có 700 bác sỹ, 1.553 điều dưỡng, 78 kỹ thuật viên, 9 nhân viên y tế và 1.629 sinh viên.

GS-TS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, đồng lòng cùng cả nước, Bệnh viện E sẵn sàng chi viện cho tuyến đầu chống dịch. Bệnh viện coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện sự tin tưởng của Bộ Y tế và cộng đồng xã hội.

Đoàn 28 cán bộ y tế của Bệnh viện K, gồm 8 bác sỹ, 17 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên lên đường chi viện TP.HCM trong chiều 27/7. Đoàn sẽ làm việc ở cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thực hiện điều trị hồi sức cho người bệnh Covid-19.

Trong đại dịch, chúng ta từng chứng kiến có những người lính áo trắng đã hoãn ngày cưới để tập trung chăm sóc bệnh nhân Covid-19, có người phải cắt bỏ đi mái tóc yêu thích để thuận tiện khi mặc đồ bảo hộ. Có những y, bác sỹ đã phải gửi con nhỏ chưa cai sữa cho gia đình để lên đường chống dịch, có người hơn nửa năm vẫn chưa về nhà.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, điều dưỡng Nguyễn Thị Thuỳ, Bệnh viện K - một trong những cán bộ đầu tiên xung phong tình nguyện chi viện cho miền Nam xúc động nói: “Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi và đồng nghiệp đều giữ tâm thế, ở đâu là tâm dịch, ở đâu cần cán bộ y tế, chúng tôi sẵn sàng lên đường”.

Còn điều dưỡng Quách Thành Tài, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tự hào cho hay, chị cảm thấy rất vinh dự được cùng đồng nghiệp tới TP.HCM để chia lửa, san bớt gánh nặng cho các đồng nghiệp tại đây, đồng thời cứu chữa cho các ca bệnh Covid-19.

Bác sỹ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện K chi viện TP.HCM xúc động cho biết, khi Bệnh viện K ở trong tâm dịch, cả nước đã hướng về chúng tôi, lúc đó mới thấu hiểu sự chung tay, chia sẻ, động viên của cộng đồng, dù là một chút cũng rất đáng quý.

Theo bác sỹ Tĩnh, miền Nam ruột thịt đang ở trong giai đoạn khó khăn, hơn lúc nào hết, những đồng nghiệp của anh ở nơi đó rất cần sự chia sẻ. Do vậy, anh và nhiều đồng nghiệp sẵn sàng lên đường.

Trước khi đi tăng cường chống dịch tại TP.HCM, TS-BS. Phan Thảo Nguyên, Trưởng đoàn công tác chi viện miền Nam của Bệnh viện E khẳng định, khi Tổ quốc cần, những người thầy thuốc không ngần ngại vào thẳng tâm dịch, bất chấp khó khăn, vất vả, cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

Cũng theo bác sỹ Nguyên, 45 thành viên trong đoàn công tác lên đường với tràn đầy khí thế và nhiệt huyết tuổi trẻ, tự hào được góp công sức bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Là một trong 45 người tham gia đoàn tình nguyện tiến về TP.HCM, hành trang mà ThS-BS. Trần Nam Chung, Phó trưởng khoa Cơ xương, Bệnh viện E chuẩn bị chỉ là bộ blouse trắng, vài cuốn sách chuyên ngành, ống nghe, khẩu trang cùng tinh thần quyết tâm vượt mọi gian khó.

Bác sỹ Chung cho biết, khi nhận quyết định tham gia đoàn tình nguyện, anh cũng như nhiều đồng nghiệp coi đây là một trải nghiệm khó quên, giúp mình có thêm kiến thức, kinh nghiệm học hỏi từ các đồng nghiệp trong và ngoài nước về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bác sỹ Chung nói thêm, với người nhà thì việc anh đi xa, vào nơi dịch diễn biến phức tạp là nỗi lo lớn, nên anh phải thường xuyên động viên người thân, gia đình. “Dù biết trước sẽ đối diện với nhiều vất vả, song chúng tôi tự hào vì được đóng góp vào công cuộc đầy lùi dịch bệnh Covid-19, giành lấy sự bình yên cho người dân ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”, anh Chung nói.

Đà Nẵng tỏ lòng cảm ơn sâu sắc các đoàn y bác sỹ hỗ trợ chống Covid-19
Chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng trân trọng ghi nhận và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc các đoàn y bác sỹ đã không ngại khó khăn đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư