Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dấu ấn Nguyễn Hoàng Anh và con tôm Việt
Ngọc Tuấn - 01/02/2017 08:45
 
Thường thì viết về doanh nhân nào, câu chuyện kinh doanh của doanh nghiệp mà họ sở hữu sẽ là nguồn cảm hứng lớn cho người viết. Nhưng với Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, trong năm vừa rồi, con tôm giống Việt Nam là “từ khóa” gần như duy nhất.

1.
Năm nào cũng vậy, đến khi những tờ lịch cuối cùng của năm cũ rời khỏi bloc lịch, Nguyễn Hoàng Anh vẫn gần như dành cả 24 giờ một ngày cho công việc. Năm nay, mọi việc còn nhiều hơn.

Nào là duyệt kế hoạch tổ chức hội nghị khách hàng, lương thưởng tết cho gần 500 nhân viên Công ty.

Nào là công việc cuối năm của Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận, của Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam). Hiện tại, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đang phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành rốt ráo chuẩn bị cho Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra trong tháng 1/2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng Công ty Nam Miền Trung tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (tháng 12/2016 tại TP.HCM).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng Công ty Nam Miền Trung tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (tháng 12/2016 tại TP.HCM).

Bận đến mức, Nguyễn Hoàng Anh gần như chẳng có thời gian để ngồi kể lại những việc làm được trong năm. Nhưng năm 2016 là một năm đặc biệt của Nguyễn Hoàng Anh, với những dấu ấn đậm nét.

Đó là con thuyền Nam Miền Trung của Nguyễn Hoàng Anh tiếp tục vững vàng ra khơi trong hào khí phấn khích khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Hoạt động kinh doanh phát triển bền vững. Trong khi mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất tôm giống, Công ty đã đạt bước tiến mới khi các ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo nên giá trị lớn trong sản xuất. Hàng tỷ con tôm giống chất lượng cao được xuất trại, góp phần giúp hàng trăm hộ nông dân nuôi tôm trở thành tỷ phú ngay trên những mảng ruộng nhiễm mặn.

Nam Miền Trung dần hoàn thiện các mảng kinh doanh khác tạo thế “chân vạc”, làm tiền đề cho chiến lược phát triển cho những năm tiếp đến.

Nhưng dấu ấn lớn nhất của doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh có lẽ phải nhắc tới vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận và Phó chủ tịch thường trực DAA Việt Nam. Nhiều kiến nghị của các hiệp hội này đã được giới doanh nghiệp trong ngành ghi nhận là mở toang cơ hội để ngành tôm Việt Nam bứt phá.

doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh
Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh

Đây là điều nhiều năm nay các doanh nghiệp trong ngành chưa làm được.  Mãi tới tháng 8/2016, sau nhiều nỗ lực, Hiệp hội Tôm Bình Thuận mới cùng các doanh nghiệp nuôi tôm giống vận động Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ”.

Đợt đó, ông Hoàng Anh kể, mục đích của Hội nghị là đưa các vấn đề cốt yếu của ngành tôm giống lên bàn thảo luận, để tìm giải pháp phát triển bền vững và tháo gỡ khó khăn ngành tôm giống Việt Nam. Ngành tôm luôn được đánh giá là nhiều tiềm năng, nhưng thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt vô cùng lớn, từ thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, nước biển ô nhiễm, quản lý chất lượng tôm giống, đến bất cập quản lý kiểm soát thuốc thú y, thủy sản, tôm giống nhãn mác không rõ nguồn gốc tràn lan...

Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng diện tích nuôi tôm
Phát biểu tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí việc mở rộng diện tích nuôi tôm.
Thủ tướng cho biết sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì một hội nghị về phát triển tôm chất lượng cao ở Việt Nam trong tháng 1/2017.
Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng đã quyết định dành gói tín dụng khoảng 50.000 – 60.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất.
“Phải có một gói tín dụng 50.000 – 60.000 tỷ đồng để phục vụ công việc này với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất, nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại. Bởi vì nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Ngay trong Hội nghị trên, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận, ông Hoàng Anh đã làm nóng diễn đàn với việc chuyển gói kiến nghị 6 nhóm giải pháp tái định dạng ngành tôm Việt tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng khoảng 300 doanh nghiệp, nhà quản lý địa phương.

Giờ ngẫm lại, ông Hoàng Anh nói, vẫn sẽ tiếp tục hành động vì những kiến nghị này. Vì nếu không tạo lập một sân chơi kinh doanh minh bạch, bình đẳng theo nguyên tắc đặt chất lượng lên trên hết, quản lý được chất lượng tôm bố mẹ thì ngành tôm giống Việt Nam không thể tồn tại được, chứ đừng nói đến phát triển.

Đây là lý do ông Hoàng Anh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành đánh giá toàn diện chất lượng đàn tôm bố mẹ sản xuất trong nước và trên cơ sở đó quy định quản lý, kiểm định, kiểm tra chất lượng xét nghiệm bệnh, quy trình giám sát chặt chẽ.

Rồi ông cũng kiến nghị xem lại những bất cập liên quan đến áp thuế Artemia sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 98/2016/TT-BTC điều chỉnh mức thuế nhập khẩu trứng Artemia. Hàng loạt doanh nghiệp không thể hiểu nổi tại sao lại có quy định nhập Artemia đã nghiền thành bột thì được hưởng thuế 0%, còn trứng Artemia nhập về để nghiền ra đều làm thức ăn cho tôm giống thì lại bị đánh thuế 5%.

Thậm chí, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã phải gửi đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng, cho rằng nếu áp dụng thông tư trên để truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản. Không những thế, việc áp thuế Artemia 5% đã cản trở rất lớn mong muốn phát triển chuỗi sản xuất tôm giống để tạo ra giống chất lượng.

Tin mừng đã đến với ông Hoàng Anh và các doanh nghiệp ngành tôm. Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 98/2016/TT-BTC, đưa thuế nhập khẩu mặt hàng Artemia về 0%. Đáng mừng nữa là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đường dây nóng để doanh nghiệp và người nông dân nuôi tôm phản ánh về chất lượng tôm giống.

2.
Những ngày cuối tháng 12/2016, Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do DAA Việt Nam tổ chức gây được tiếng vang lớn.

Hội nghị không chỉ như là lời hiệu triệu cộng đồng doanh nghiệp chung tay thúc đẩy nền nông nghiệp Việt lên tầm cao mới, mà còn được coi như là “Hội nghị Diên hồng”, doanh nghiệp hiến kế cho Chính phủ phát triển nền công nghiệp nông nghiệp.

Là Phó chủ tịch thường trực DAA Việt Nam, Nguyễn Hoàng Anh cùng các lãnh đạo DAA Việt Nam đã như “con thoi” suốt gần nửa năm. Một lần nữa, Nguyễn Hoàng Anh lại trở thành tâm điểm khi trực tiếp đưa ra đề xuất với Chính phủ về chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến tôm phát triển cùng với cam kết doanh nghiệp sẽ đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD/năm.

“10 tỷ USD xuất khẩu một năm không phải là con số viển vông với ngành tôm Việt Nam”, ông Hoàng Anh phản biện lại những câu hỏi nghi ngờ.

Theo phân tích của ông, Việt Nam sở hữu đầy đủ các chỉ số môi trường phù hợp cho con tôm sinh trưởng. Thị trường tiêu thụ tôm thương phẩm có dư địa tăng trưởng lớn bởi đây là loại thực phẩm được hơn 7 tỷ người trên toàn cầu sử dụng. 

“Hiện tại, đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 - 4 tỷ USD/năm chưa kể giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, nhưng tôi tin, đây vẫn là bước đầu”, ông Hoàng Anh lý giải với đề xuất gây xôn xao của mình.

Nhưng ông cũng nói, các doanh nghiệp cần một hệ sinh thái phù hợp để tối đa hóa năng lực sản xuất. Hiện tại, quy mô diện tích dành cho nuôi tôm trong cả nước còn nhỏ, manh mún, chỉ được quy hoạch khoảng hơn 600.000 ha. Chính sách ưu đãi đặc thù để ngành tôm phát huy lợi thế chưa có. Trong khi đó, diện tích đất bị xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang tăng lên, nếu được tính toán chuyển đổi mục đích sử dụng, có thể nâng diện tích nuôi tôm cả nước lên quy mô khoảng 2 triệu ha.

Đây là lý do ông đã theo đuổi đề xuất  quy hoạch lại vùng nuôi tôm rất lâu.

“Chính phủ xem xét để có cơ chế cùng doanh nghiệp chung tay đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo hướng áp dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học vào từng mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất ngành tôm. Về nguồn lực tài chính, Nhà nước cần dành khoản tín dụng ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp nuôi tôm. Nếu thực thi tốt chính sách với ngành tôm thì mục tiêu đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là chắc chắn”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

3.
Gặp Nguyễn Hoàng Anh vào những ngày đầu năm 2017, ông vẫn đang tất bật với các kiến nghị tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông nói, đang có nhiều triển vọng sáng sủa khi ngành tôm sẽ được quy hoạch, tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao vào sản xuất dựa trên trình độ quản trị tốt và có đầu tư hạ tầng tương xứng. “Tôi tin ngành tôm Việt Nam sẽ lột xác mạnh mẽ. Các doanh nghiệp ngành tôm cũng sẽ xác lập vị trí xứng đáng trên trường quốc tế”, doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh tin tưởng.

Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh: “Ông hoàng” tôm giống Việt
Là ông chủ của doanh nghiệp tôm giống Việt tầm cỡ khu vực ASEAN, doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư