Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế Hệ Mới: Cứ đi rồi sẽ tới, cứ làm sẽ có kết quả
Thế Hải - 18/11/2017 10:14
 
Ấn tượng về Nguyễn Văn Tuân trong lần gặp đầu tiên tại hội nghị kết nối đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ với sản phẩm gạo hữu cơ canh tác trên vùng đất nuôi rươi đã thôi thúc tôi gặp lại chàng trai này. Và ấn tượng lại tiếp nối ấn tượng…

Làm lớn để khởi nghiệp

Gần 7 tháng nay, thị trường gạo trong nước có thêm một cái tên mới: gạo hữu cơ bãi rươi. Là sản phẩm canh tác trên vùng đất nuôi rươi tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, nếu tính từ thời điểm phôi thai ý tưởng cho tới ngày lên kệ hàng, thì gạo hữu cơ bãi rươi ra đời trong chưa đến 500 ngày.

“Tác giả” của gạo hữu cơ bãi rươi là chàng trai sinh ra tại vùng đất Tứ Kỳ, Hải Dương. Học ngành công nghệ (Đại học Bách khoa), hoạt động đúng chuyên ngành 14 năm, nhưng một ngày đẹp trời, Nguyễn Văn Tuân tuyên bố khởi nghiệp với nghề trồng lúa.

.
Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Thế Hệ Mới

“Ý tưởng trồng lúa trên vùng đất nuôi rươi là do những người nông dân Tứ Kỳ tư vấn cho tôi trong những ngày tôi rong ruổi về quê tìm kiếm một mô hình nông nghiệp phù hợp. Họ đã làm cầu nối giúp tôi tìm được địa điểm và hiện thực hóa ý tưởng trồng lúa trên bãi rươi nhanh hơn cả mong đợi”, Tuân kể.

Sau khi “chốt” được ý tưởng, vấn đề đau đầu là chọn giống canh tác. Tuân đánh liều tìm gặp các chuyên gia đầu ngành về giống và số phận đưa đẩy anh gặp được GS. Đỗ Năng Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp. Và rồi, Tuân quyết tâm làm lớn ngay từ đầu với diện tích canh tác 30 ha, thay vì chỉ làm 1 vài héc-ta “dò đường” như nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp khác.

GS. Vịnh, người giúp Tuân chọn giống lúa Japonica J02 cho dự án, đồng thời là người giới thiệu đơn vị cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho Tuân cũng phải “choáng” khi nghe quyết định khởi nghiệp với ý tưởng làm lớn ngay trong vụ đầu tiên của anh.

Giải thích cho sự liều lĩnh đó, Tuân cho biết: “Thông thường, người mới làm sẽ chọn phương án thử nghiệm ở quy mô một vài héc-ta, nhưng tôi lại nghĩ khác. Phải làm lớn ngay, bởi nếu chần chừ, lại mất thêm thời gian, mà tôi thì muốn nhanh chóng nhìn thấy thành quả. Giả sử có không thành công, thì sẽ phải tìm con đường đi khác”.

Và sự liều lĩnh của Tuân bước đầu đã cho ra “trái ngọt”. Vụ lúa trồng trên đất rươi đầu tiên bắt đầu từ tháng 12/2016 đến tháng 4/2017 đạt sản lượng vượt kỳ vọng của chàng trai công nghệ này. Chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi đã vào được hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch: Chuỗi thực phẩm sạch CleverFood, các cửa hàng của Seven Food - Thực phẩm xanh, Cửa hàng thực phẩm sạch An Nhiên, Chuỗi cung cấp hải sản và thực phẩm sạch Sói Biển Trung Thực…

Điểm khác biệt lớn và cũng là ưu điểm của hạt gạo hữu cơ Japonica J02 là trồng theo phương thức hữu cơ trên vùng đất canh tác rươi, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mục đích canh tác quan trọng nhất của các thửa ruộng là tạo môi trường sạch, tự nhiên để sau đó vẫn có thể khai thác loại đặc sản vô cùng có giá trị là con rươi.

Làm nông nghiệp “tử tế”

“Điều khiến tôi trăn trở và nghĩ ngợi nhiều sau những ngày quan sát phương thức canh tác lúa gạo là không ít nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cái hại của thực phẩm bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì ai cũng biết, nông dân cũng rất rõ, nhưng vì mưu sinh, họ vẫn phải làm. Bởi vậy, phải có một giải pháp nào đấy, để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn sạch và nông dân cũng gắn trách nhiệm của mình vào đó”, Tuân bộc bạch.

Tuân chọn cách liên kết với nông dân tại huyện Tứ Kỳ để sản xuất gạo hữu cơ bãi rươi. Anh ký hợp đồng với họ kèm theo những ràng buộc cụ thể, trong đó, Công ty sẽ cung cấp cho bà con giống, kỹ thuật, lịch thời vụ…, còn nông dân triển khai theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cam kết.

Thời điểm này, Tuân và các cộng sự vẫn đang rong ruổi thực hiện chương trình quảng bá sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi tới nhiều nhà bán lẻ. Song hành với đó là kế hoạch canh tác mùa vụ thứ 2 với tham vọng nâng diện tích canh tác lên gấp đôi (60 ha).

“Còn quá sớm để nói tới 2 chữ thành công, nhưng tôi cho rằng, đó là kết quả khả quan bước đầu khi mình tìm ra một giống lúa phù hợp để canh tác. Việc thương mại hóa sản phẩm trong mùa vụ đầu tiên cũng đã tạm yên tâm được 70% - một kết quả đáng mơ đối với người trẻ khởi nghiệp”, Tuân nói.

Nếu thời điểm này không quyết tâm làm thì có thể không còn cơ hội, bởi thị trường luôn có nhiều người tài giỏi, có ý tưởng, tiềm lực tài chính

Nói về ý tưởng nâng quy mô canh tác lên gấp đôi ngay trong mùa vụ thứ 2, Tuân đưa ra lập luận, nếu thời điểm này không quyết tâm làm thì có thể không còn cơ hội, bởi thị trường luôn có nhiều người tài giỏi, có ý tưởng, tiềm lực tài chính…, mình không chớp thời cơ thì có thể không lớn được, mà sẽ bị đánh tụt lại phía sau.

“Nếu tôi ưa sự nhàn nhã thì có lẽ thị trường chưa có sản phẩm gạo hữu cơ bãi rươi. Tôi muốn được thử sức mình để tạo ra những gì có ích cho bản thân, gia đình, quê hương. Tôi quá may mắn, khi vào những thời điểm cam go nhất, luôn gặp được những con người tài giỏi và có tâm hỗ trợ, tư vấn mình, để tôi ít phải đi đường vòng”, Tuân chia sẻ.

Lúc này, khi hạt gạo hữu cơ bãi rươi đang sải những bước dài hơn, thì doanh nghiệp chuyên về công nghệ, “nghề chính” của Tuân cùng các cộng sự, vẫn đang hoạt động êm thấm, với quy mô doanh thu 3-4 tỷ đồng/năm. Và công nghệ vẫn đang “nuôi” nông nghiệp, nhưng với Tuân, đó không phải là vấn đề quá lớn.

Nếu để nhân rộng mô hình trồng lúa trên đất rươi, thì cả Hải Dương chỉ có thể làm tối đa 400 ha, con số không quá lớn. Trước mắt, phải lo ổn định đầu ra cho sản phẩm, bởi gạo hữu cơ đang có giá cao gấp nhiều lần gạo thường, hơn 50.000 đồng/kg, và để thuyết phục được số đông khách hàng, Tuân cùng các cộng sự còn nhiều việc phải làm.

Và cứ đi rồi sẽ tới, cứ làm rồi khắc có thành quả, Tuân thông báo tin vui: “Việc tham gia Hội nghị Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017 đã giúp thương hiệu gạo hữu cơ bãi rươi được biết đến nhiều hơn. Nếu không có gì thay đổi, thời gian tới, có thêm 2 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch đồng ý bán lẻ gạo hữu cơ bãi rươi của chúng tôi”.

Chat với Nguyễn Văn Tuân

Ôm đồm nhiều việc cùng lúc, có lúc nào anh muốn bỏ cuộc?

Tôi yêu những công việc mình đang làm, nên dù những lúc khó khăn nhất, tôi luôn nghĩ vẫn còn đường để mình bước.

Có gì khác biệt khi tay ngang sang làm nông nghiệp?

Chọn một lĩnh vực khác so với chuyên ngành mình học thì sẽ có cách tư duy rất khác và cách làm sẽ khác biệt.

Khi quyết định “rẽ ngang”, gia đình, người thân có ủng hộ anh?

Trừ vợ tôi, thì tất cả người nhà đều phản đối.

Hãy thử hình dung gạo hữu cơ bãi rươi sau 5 năm tới?

Tôi có một niềm tin và mong muốn xây dựng được thương hiệu gạo sạch để đi được đường dài. Tôi muốn sản phẩm của mình thật đặc sắc và khác biệt để người tiêu dùng nhớ.
Hướng đi nào cho nông sản hữu cơ?
Một trong số những thách thức đối với phát triển nông nghiệp hữu cơ là cần sự đầu tư xứng tầm và hành trình tiếp cận thị trường đúng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư