Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán đã nhanh chóng gia tăng mạnh tại nhóm ngân hàng, cùng một số mã lớn khác như VNM, VIC, NVL, FPT, MSN..., khiến VN-Index quay đầu trượt mạnh xuống dưới 741 điểm. Dù nỗ lực trong đợt cuối, nhưng sự hỗ trợ của các nhóm khác không đủ sức để kéo VN-Index trở lại trên mốc tham chiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch 25/5, với 152 mã tăng và 110 mã giảm, VN-Index giảm 0,83 điểm (-0,11%) về 741,91 điểm. Thanh khoản ở mức cao khi dòng tiền vẫn khá mạnh dạn.

Diễn biến VN-Index phiên 25/5
Diễn biến VN-Index phiên 25/5

Tổng khối lượng giao dịch đạt 205,88 triệu đơn vị, giá trị 5.083 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 804 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong đó là thỏa thuận của 1,998 triệu cổ phiếu SAB, giá trị gần 382 tỷ đồng và 1,55 triệu cổ phiếu NVL, giá trị gần 105 tỷ đồng.

Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời mạnh khiến BID quay đầu giảm 0,8% về 19.100 đồng/CP trong phiên chiều, cho dù phiên sáng vẫn tăng khá tốt. Các mã ngân hàng khác là VCB, CTG, STB cũng chung số phận. Ngoài ra, nhiều mã vốn hóa lớn cũng chịu áp lực bán ra, nên đa phần giảm điểm. VNM giảm 1% về 150.000 đồng/CP.

Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, chỉ còn GAS và ROS là tăng điểm. Đáng chú ý, sau 5 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp, ROS đã tăng trở lại trong phiên hôm nay, đạt 127.500 đồng/CP (+1,2%).

BID và ROS là 2 mã có thanh khoản tốt nhất trong TOP vốn hóa. BID khớp tới 8,56 triệu đơn vị, ROS khớp 5,25 triệu đơn vị.

Đi ngược với "những người anh em", MBB lại tăng khá tốt 1,6% lên 19.100 đồng/CP và được khớp 5,1 triệu đơn.

Bên cạnh đó, dòng tiền cũng tập trung chính ở các nhóm này, tiêu biểu là SSI, HCM, GAS, PVD, ROS, HQC, SCR, DXG, QCG…

HQC tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản HOSE với 13,88 triệu đơn vị được khớp và tăng 1,7% lên 3.600 đồng/CP, qua đó nối dài phiên tăng liên tiếp lên con số 6.

Song ấn tượng hơn cả là QCG, khi mã này đã quay đầu tăng trở lại trong phiên chiều, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 22.800 đồng/CP (+2,7%), qua đó nối dài nhịp tăng kể từ ngày 25/4. Từ đó đến nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 230% giá trị. Thanh khoản cũng duy trì ở mức khá cao, với hơn 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên sàn HNX, dầu khí và chứng khoán là 2 nhóm cổ phiếu tạo lực đỡ chính. Đóng cửa, với 86 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 0,49 điểm (+0,53%) lên 93,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 65,29 triệu đơn vị, giá trị 711,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không nhiều, chỉ hơn 10,4 tỷ đồng.

Nếu trên HOSE có MBB, thì HNX có SHB. Cổ phiếu này tiếp tục giao dịch ấn tượng với lượng khớp 15,77 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường, kết phiên tăng 1,4% lên 7.100 đồng/CP.

Ngược lại, ACB tạo sức cản không nhỏ với chỉ số khi giảm 0,4% về 25.100 đồng/CP và khớp lệnh 4,48 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu dòng P và chứng khoán đồng loạt tăng điểm, đóng góp tích cực vào đà tăng chung của HNX-Index. Nổi bật là PVS, SHS và VND. PVS và SHS khớp tương ứng 2,97 triệu và 2,6 triệu đơn vị. VND khớp 1,5 triệu đơn vị.

HUT và VCG cũng có giao dịch tốt trong phiên, khi cùng tăng khá mạnh và đều khớp lệnh trên 2 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,31%) lên 57,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,848 triệu đơn vị, giá trị 71,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,8 triệu đơn vị, giá trị 36,25 tỷ đồng.

Sau chuỗi 8 phiên kém tích cực, HVN đã khởi sắc trong phiên này với mức tăng 1,5% lên 26.900 đồng/CP.  

DVN có 5 tăng trần thứ 5 liên tiếp, đạt 24.900 đồng/CP và dư mua trần 1,98 triệu đơn vị. Nhiều mã đạt sắc tím khác là PXL, SBS, DRI, MTG, IPA…

Về thanh khoản, các mã trên đều năm trong nhóm thanh khoản cao nhất sàn UPCoM, tuy nhiên không có mã nào khớp lệnh đạt mức 1 triệu đơn vị.