Tiền vẫn rẽ vào bất động sản
Trọng Tín - 18/07/2021 15:08
 
Trong nửa đầu năm 2021, bất động sản không chỉ thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mà tiền từ kênh chứng khoán, ngân hàng... cũng rẽ vào lĩnh vực này.
.
Dù chịu những tác động từ đại dịch, nhưng thị trường bất động sản vẫn đón nhận dòng tiền đầu tư lớn.

Số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho thấy, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng; lệ phí trước bạ nhà đất tăng khoảng 1.100 tỷ đồng.

Một con số đáng chú ý khác, là dù tổng vốn FDI 6 tháng đầu năm nay giảm, nhưng vốn vào bất động sản lại gia tăng. Cụ thể, bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2021, đạt 1,15 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm đã kích thích việc rút tiền gửi để mua nhà, đất, khiến thị trường vẫn nóng lên.

Tất cả những số liệu này cho thấy, dù chịu những tác động từ đại dịch, nhưng thị trường bất động sản vẫn đón nhận dòng tiền đầu tư lớn.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, dịch bệnh khiến số lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh ở hầu hết các phân khúc, nhưng tổng tiền đổ vào thị trường lại tăng, cho thấy hiện tượng bất động sản đang bị đẩy giá.

Dẫn chứng các số liệu cụ thể, ông Đính cho biết, 6 tháng đầu năm, nguồn cung bất động sản cả nước đạt 129.890 sản phẩm, lượng giao dịch đạt 47.119 sản phẩm. Mức độ hấp thụ trên thị trường thấp, trong khi lượng cung mới hạn chế, thì lượng sản phẩm chào bán trên thị trường vẫn duy trì cao so với các năm 2019 - 2020. Các sản phẩm chào bán đa phần là hàng tồn từ trước.

Điều này đã cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý thị trường, đó là lượng cầu thực giảm (thể hiện ở số lượng giao dịch giảm), nhưng tổng tiền đầu tư vào thị trường bất động sản lại đang tăng mạnh. Nguyên nhân do nhiều nhà đầu tư đã rút lượng tiền lớn từ các lĩnh vực khác như chứng khoán, ngoại hối, vàng... để đầu tư mạnh vào bất động sản, tìm cơ hội giao dịch. Nguồn tiền thị trường lớn, trong khi nguồn hàng khan hiếm, chính là nguyên nhân khiến giá bất động sản bị đẩy lên, tạo ra các cơn sốt ngay từ đầu năm.

Ngoài ra, mức giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc bị đẩy lên cao một phần cũng là do khung giá đất ở nhiều địa phương đồng loạt được điều chỉnh tăng lên 15%, cộng với giá vật liệu xây dựng đã tăng 30 - 40% so với cuối năm 2020.

“Các yếu tố trên khiến thị trường bất động sản tăng giá và trở thành cơ hội cho không ít người đầu cơ thị trường không tuân thủ quy định pháp luật, lợi dụng chủ trương, chính sách, kẽ hở, chia lô các loại đất ở, đất rừng, thậm chí cả đất ruộng để bán với giá ‘ảo’, làm xáo trộn thị trường ở nhiều địa phương trên cả nước”, ông Đính đánh giá.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, dù đang ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng xu hướng nhà đầu tư bất động sản dịch chuyển từ lướt sóng ngắn hạn sang đầu tư dài hạn đang âm thầm diễn ra. Như câu chuyên của ông Nguyễn Văn Thần (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) là một ví dụ. Dù phải hạn chế di chuyển vì lệnh giãn cách xã hội của TP.HCM, nhưng thông qua môi giới thân quen, ông vẫn quyết định rút một khoản gửi tiết kiệm ngân hàng để đầu tư vào hai lô đất của một dự án đất nền ở tỉnh Long An.

Nguyên nhân khiến ông Thần đưa ra quyết định này vì lãi suất tiền gửi xuống quá thấp, kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3 - 4%, trong khi hai lô đất ông mua đang được bán với giá “khá hời”.

“Tôi chỉ rút khoản tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng vì lãi suất hiện nay quá thấp. Khoản tiết kiệm khác trên một năm thì vẫn giữ, đảm bảo dòng tiền ổn định cho mình”, ông Thần nói.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, động thái giảm một loạt lãi suất sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm sẽ kích thích việc rút tiền gửi để mua nhà, đất. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản thì chắc chắn họ sẽ nhìn thấy cơ hội trong khó khăn.

Mặc dù cách phân bổ dòng tiền của họ sẽ theo xu hướng chắc chắn, an toàn hơn, nhưng bỏ tiền vào bất động sản cũng chính là cách họ gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất.

Đưa ra nhận định về thị trường nửa cuối năm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam đánh giá, sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát thành công Covid-19. Vì vậy còn khá sớm để đưa ra dự báo cho tình hình thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2021.

“Tôi cho rằng, sẽ khó có những thay đổi mang tính đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021 trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp vẫn đang ưu tiên các biện pháp mang tính chống đỡ dù tâm lý thị trường vẫn khá tốt và chiến dịch tiêm vắc-xin trên diện rộng đang được triển khai”, ông David Jackson nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản