Tiêu thụ xi măng trong nước dự báo không tăng trưởng trong năm 2020
Thế Hải - 25/05/2020 16:35
 
Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước có thể không tăng trưởng trong năm 2020, dự báo chỉ đạt 68 triệu tấn, tương đương mức tiêu thụ năm 2019.
Nhu cầu tiêu thụ xi măng tại nội địa trong năm 2020 dự báo chỉ đạt 68 triệu tấn, tương đương với năm 2019.
Nhu cầu tiêu thụ xi măng tại nội địa trong năm 2020 dự báo chỉ đạt 68 triệu tấn, tương đương với năm 2019

Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước có thể không tăng trưởng trong cả năm 2020, dự báo chỉ đạt 68 triệu tấn, bằng với năm 2019.

Tiêu thụ nội địa chỉ đạt 68 triệu tấn

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) vừa đưa ra dự báo không sáng sủa về tăng trưởng của ngành xi măng trong năm 2020, trong đó, mảng tiêu thụ nội địa, chiếm gần 70% tổng sản lượng tiêu thụ toàn ngành dự báo sẽ không có tăng trưởng.

Cụ thể, hoạt động xây dựng nhà không để ở (nhà máy, khu công nghiệp, khách sạn...), vốn là phân khúc đóng góp mức tăng trưởng cao cho nhu cầu xây dựng trong giai đoạn vừa qua bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những tác động của dịch Covid-19 do suy giảm về lượng khách du lịch và dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, các phân khúc xây dựng quan trọng như bất động sản nhà ở hay cơ sở hạ tầng cũng chưa có thêm động lực hỗ trợ đáng kể nào trong khi nhu cầu xây mới tiếp tục có mức tăng trưởng thấp trong giai đoạn nửa cuối năm 2020.

Là phân khúc đóng góp tăng trưởng cao nhất cho hoạt động xây dựng trong nước (tăng trưởng trung bình 10,6% giai đoạn 2015 -2019), hai phân khúc chính của thị trường xây dựng nhà không để ở là phân khúc xây dựng cơ sở lưu trú, khách sạn và phân khúc xây dựng công nghiệp đang có những diễn biến tiêu cực trong nửa đầu năm nay dưới tác động của dịch Covid-19.

hoạt động xây mới khu công nghiệp và nhà máy cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid- 19.
Hoạt động xây mới khu công nghiệp và nhà máy cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19, làm giảm tiêu thụ xi măng

Nếu những ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo dài, thị trường này sẽ có mức giảm sâu trong nhiều năm trở lại đây, ảnh hưởng đến một kênh tiêu thụ quan trọng của ngành xi măng.

Theo khảo sát của Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020, doanh thu của các nhà phân phối, đại lý bán vật liệu tại các thị trường xây dựng chính là Hà Nội và TP.HCM phần lớn đều có nhu cầu sụt giảm khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là do sự trì hoãn của nhiều công trình xây dựng dự tính khởi công sau dịp Tết Nguyên đán, đã chọn dời lịch sang thời điểm khác trong năm do lo ngại về thời gian hoàn thành cũng như chi phí xây dựng tăng cao trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.

Đồng thời, các quy định giãn cách, dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu (bao gồm kinh doanh vật liệu xây dựng), tạm dừng hoạt động thi công xây dựng và hạn chế đi lại trong thời gian cách ly toàn xã hội trong gần 1 tháng cũng ảnh hưởng lớn tới nhu cầu vật liệu xây dựng trên cả nước.

Một khảo sát của Tổng cục Thống kê mức độ lạc quan về kết quả kinh doanh trong quý I/2020, các doanh nghiệp xây dựng đang nhận định khá tiêu cực về nhu cầu xây dựng trong các quý tới.

Dựa trên các hợp đồng xây dựng đang và sắp triển khai, nhiều nhà thầu thi công nhận định rằng tốc độ xây dựng sẽ diễn ra chậm trong các quý còn lại của năm, với lý do liên quan đến những lo ngại về tình trạng nợ đọng với các khách hàng bất động sản, thiếu hụt nhân công do lệnh hạn chế đi lại ở một số địa phương và các dự án mới trì hoãn trong năm nay.

Bổ sung thêm các dây chuyền mới

Trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa dự báo không có tăng trưởng trong cả năm 2020, đầu ra từ kênh xuất khẩu tiếp tục bị suy giảm do các thị trường nhập khẩu lớn như Băngladesh, Philippines, Trung Quốc... đều giảm hoạt động đầu tư dẫn tới giảm nhu cầu xi măng, thì ngành xi măng sẽ đón thêm 2 dây chuyền mới.

Cụ thể, từ nay đến hết năm 2020, có 2 nhà máy mới đi vào vận hành với công suất 4,5 triệu tấn/năm, gồm nhà máy 2 triệu tấn/năm của xi măng Tân Thắng (Nghệ An) hiện đã vận hành, ra mắt sản phẩm từ đầu tháng 5/2020 và dây chuyền mở rộng 2,5 triệu tấn/năm của xi măng Long Sơn (Thanh Hóa) dự kiến vào cuối năm nay.

Trong tình hình kém khả quan của ngành xi măng trong năm 2020, lượng công suất tăng thêm đáng kể này có thể dẫn tới tính trạng dư thừa lớn về nguồn cung, đi kèm áp lực cạnh tranh gia tăng giữa các doanh nghiệp.

Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, cho tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã có dấu hiệu lắng xuống và các hoạt động của ngành xi măng sẽ có thể sớm ổn định trở lại. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xi măng Việt Nam đang gặp khó khăn để phục hồi vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020 tới sức khỏe tài chính và hoạt động kinh doanh, đi kèm với những dấu hiệu suy giảm rõ rệt về nhu cầu tiêu thụ xi măng sau đại dịch.

Thực tế, sau thời kỳ kinh doanh đi xuống, đầu tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh mục tiêu kinh doanh năm 2020, kể cả doanh nghiệp khỏe trong ngành cũng không ngoại lệ. Đơn cử như Xi măng Hà Tiên 1 đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm 3%, thấp hơn so với ước tính trước đó (cuối năm 2019 dự định doanh thu năm 2020 tăng 10%), đồng thời lợi nhuận cũng được thận trọng đặt ở mức giảm gần 11%, về mức 830 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản