Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Các tỉnh, thành miền Trung đồng loạt “nhìn lại” quy hoạch thoát nước
Nhiệt Băng - Thanh Chung - 25/10/2022 11:10
 
Các địa phương tại miền Trung phải “nhìn lại” quy hoạch thoát nước và tìm giải pháp khắc phục, nếu không muốn nhìn thấy các khu đô thị, khu dân cư... tiếp tục chìm trong biển nước.
Nghĩa trang Hòa Sơn (Đà Nawngx0 bị thiệt hại nặng nề
Nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) bị thiệt hại nặng nề, sau trận mưa lũ lịch sử vào chiều 14/10 kéo dài đến rạng sáng 15/10. Việc dọn dẹp đất, đá là nhiệm vụ hết sức khó khăn và vất vả của các lượng lượng chức năng. Ảnh: Nhiệt Băng

Mưa lũ, ngập lụt đang là nỗi khiếp sợ của người dân miền Trung, nhất là đang giữa mùa đông. Điều đáng lo hơn là mưa lũ ngày càng cực đoan, khó lường. Tình thế này đặt ra yêu cầu đối với các địa phương là chủ động lên phương án, nhất là sớm tìm giải pháp khắc phục ngay tình trạng ngập nặng ở các khu đô thị, khu dân cư...

Tại Quảng Nam, đợt mưa lũ vừa qua khiến cả TP. Tam Kỳ chìm trong biển nước, nhất là 2 tuyến đường chính là Hùng Vương và Phan Châu Trinh bị ngập sâu.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng để giải bài toán thoát nước, cần có giải pháp tổng thể. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu các giải pháp để triển khai một cách đồng bộ trong thời gian tới.

Còn tại Đà Nẵng - địa phương vừa trải qua trận ngập lụt lịch sử, một số nơi vẫn chưa khắc phục xong hậu quả, như hàng trăm ngôi mộ ở Nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) bị sạt lở, vùi lấp.

Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP. Đà Nẵng), qua trận ngập vừa qua, ông nhìn nhận nguyên nhân chính là do yếu tố tự nhiên chiếm chủ đạo. Cụ thể là hiện tượng triều cường dâng cao lịch sử, lượng mưa lớn lịch sử (hàng trăm năm mới xuất hiện), các thủy điện xả lũ, vỡ đập hồ Hố Sấu… Các yếu tố đó diễn ra cùng lúc, ập vào khiến điểm tiếp nhận tiêu nước là biển và sông không còn nữa, hệ thống thoát nước của thành phố bị “vô hiệu hóa”.

Với nhiều yếu tố mang tính lịch sử ập đến cùng lúc như trong trận ngập vừa qua thì khó có hệ thống hạ tầng thoát nước nào đủ năng lực đáp ứng cả. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là sau mưa, triều cường xuống thì nước ngập thông qua hệ thống thoát nước rút đi rất nhanh. Nếu nhìn ở khía cạnh khác, khi thủy điện xả lũ nước dồn về gặp triều cường dâng cao, lượng nước lớn bị ứ đọng, thậm chí chính hệ thống thoát nước của thành phố tốt nên nước mới bị đẩy ngược lại, làm ngập lan rộng ra.

"Vì vậy theo tôi, để đánh giá năng lực thoát nước của thành phố cần đánh giá toàn diện, khách quan, phải xem xét nhiều yếu tố lịch sử từ đầu tư xây dựng, yếu tố thiên nhiên…", ông Tiến chia sẻ.

Theo ông Tiến, trận ngập vừa qua các trạm bơm chống ngập như Thuận Phước, Tuyên Sơn, Ông Ích Khiêm, hầm chui Điện Biên Phủ gần như không hoạt động. Có thể do thiết kế hệ thống điện không chủ động trong các tình huống nên khi cần sử dụng thì mất điện, bị tê liệt. Ngoài ra, do đô thị Đà Nẵng phát triển tương đối “nóng” nên hệ thống ao hồ làm yếu tố điều tiết bị thu hẹp so với trước đây. Cái này cũng do công tác quy hoạch trước đây chưa xem xét hết các yêu tố này. Riêng tại khu vực vùng ven như Hòa Vang, một số tuyến đường cao tốc, đường vành đai tạo bờ đê ngăn thoát nước giữa thượng lưu và hạ lưu, làm ngập úng cục bộ. Cái này do khi đầu tư xây dựng việc tính toán thoát nước chưa đạt yêu cầu.

“Sở Xây dựng phải tham mưu cho thành phố đánh giá lại tình trạng ngập úng vừa rồi, có những quan trắc môi trường từ nhiều năm để lập bản đồ ngập úng toàn thành phố, qua đó phải xác định từng điểm ngập úng theo từng cấp độ. Ví dụ với lượng mưa này, thời gian này, khu vực nào sẽ ngập ở mức độ bao nhiêu, sau đó tuyên truyền cho người dân được biết để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Thành phố cần có hệ thống quan trắc môi trường, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị vận hành hồ đập thủy điện đầu nguồn để có dự báo chuẩn về tình trạng ngập úng cho người dân. Về hạ tầng, cần sớm hoàn thiện các dự án cống thoát nước chính, đấu nối vào hệ thống thoát nước chung đô thị. Thời gian qua việc thi công kéo dài cũng làm hạn chế dòng chảy. Ngoài ra, tôi cho rằng phải phân lưu lượng nước hợp lý cho các tuyến cống thoát, chứ hiện nay vẫn còn bất cập”, ông Tiến góp ý.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án thoát nước đô thị với kinh phí hơn 13.300 tỷ đồng. Hiện nay một số tuyến thoát nước chính vẫn đang thi công, như tuyến Liên Chiểu - Thanh Khê, tuyến Phan Thành Tài đi Thăng Long, tuyến hồ Thạc Gián ra Nguyễn Tất Thành, hay các tuyến gom nước xả về sông Hàn như từ Hồ Xuân Hương đến giáp Quảng Nam (đã thi công trên 60%)… Nếu hoàn thành các tuyến đó thì cơ bản thành phố sẽ giải quyết được câu chuyện thoát nước.

Tại Quảng Ngãi, Sở Xây dựng tỉnh này vừa xây dựng báo cáo đánh giá tác động Quy định ban hành Lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021; Luật giao UBND tỉnh Quy định lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư, khuyến khích đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.

Do đó, việc UBND tỉnh ban hành Quy định Lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là cần thiết.

Quy định sẽ tác động trực tiếp đến các các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Quy định ban hành kịp thời sẽ đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nhà nước trong quản lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung. Đó là những tác động tích cực. Đồng thời, quy định trên không gây tác động tiêu cực.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách Quy định ban hành lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trong trường hợp chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cùng với các hồ sơ xây dựng quy định được lấy ý kiến bằng một số hình thức.

Đó là Dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, cổng thông tin thành phần của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian 30 ngày để các tổ chức, cá nhân, cộng đồng góp ý kiến rộng rãi; lấy ý kiến các Sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể,… trên địa bàn tỉnh bằng văn bản.

Trước đó, ngày 12/4/2022, để kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, nhằm hạn chế đến mức tối đa tình trạng ngập úng cục bộ khu vực trung tâm thành phố Quảng Ngãi trong mùa mưa, lũ, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị UBND TP. Quảng Ngãi tổ chức khảo sát, đánh giá tổng thể thực trạng hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố Quảng Ngãi (cao trình đáy cống, cao trình cửa xả, đường kính ống, độ dốc thoát nước, hướng thoát nước, …), phân chia lưu vực, tính toán thủy văn, thủy lực, …, xây dựng lộ trình để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm thành phố, khắc phục tình trạng ngập úng, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố và chủ động thực hiện các giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn theo thẩm quyền

Còn UBND tỉnh Kon Tum vào ngày 13/10/2022 cho biết, các đơn vị (UBND TP. Kon Tum, Sở Xây dựng) báo cáo nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng các tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum chưa thuyết phục, xác đáng.

Cụ thể là báo cáo chưa làm rõ cường độ mưa so với số liệu các năm trước (trung bình, cao nhất). Kênh số 1, số 2 được đầu tư xây dựng khi thành phố Kon Tum còn đô thị loại IV, nhưng hiện nay không đảm bảo. Vậy quá trình đầu tư hệ thống thoát nước đường Bà Triệu, đường Trần Phú có tính toán lại không? Trong khi, việc này Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có ý kiến nhiều lần.

Báo cáo của các đơn vị cũng chưa làm rõ lý do các điểm đã được đầu tư hoàn thành hệ thống thoát nước, không bị ảnh hưởng bởi các công trình khác nhưng vẫn thường xuyên ngập nước như đường Bà Triệu đoạn trước Hội đồng nhân dân tỉnh (vị trí này Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên lưu ý xử lý, nhưng đến nay vẫn bị ngập), đường Lê Hồng Phong, đường Phan Đình Phùng (bị ngập từ điểm giao với đường Duy Tân)…; UBND TP. Kon Tum báo cáo đã tổ chức nạo vét kênh mương, nhưng qua tiếp nhận phản ánh của người dân, chưa thấy các đơn vị triển khai thực hiện.

Để kịp thời khắc phục tình trạng ngập úng tại các tuyến đường trên địa bàn TP. Kon Tum, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị UBND TP. Kon Tum khẩn trương triển khai các giải pháp trước mắt để xử lý tình trạng ngập các tuyến đường theo như đề xuất của các đơn vị tại các văn bản nêu trên. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Kon Tum và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ các nội dung chưa rõ, xác đáng đã nêu ở trên.

“Bắt bệnh” ngập nước ở các đô thị lớn - Bài 2: Ngập nặng từ phố biển đến phố núi, vì sao?
Tình trạng ngập nước diễn ra tại các đô thị ven biển và cả ở các thành phố trên cao như Tây Nguyên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư