Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
CEO Trần Anh Tuấn, sáng lập Công ty TNHH Trần Gia Anh: Từ số không đến hàng tỷ
Công Sang - 31/01/2016 20:01
 
Từng tìm đọc sách về kinh doanh, từng dừng ngang chừng vì nghĩ chỉ làm ăn nhỏ lẻ, hiện giờ, Trần Anh Tuấn, người sáng lập Công ty TNHH Trần Gia Anh đang tìm đọc tiếp những trang sách về kinh doanh…

Số không… vô giá

Tháng 8/2014, cửa hàng Mia.vn đầu tiên khai trương. Đây là chuỗi cửa hàng thuộc quản lý của Công ty TNHH Trần Gia Anh, nơi Trần Anh Tuấn giữ vị trí sáng lập viên. Mia.vn được xây dựng là chuỗi cửa hàng chuyên về phụ kiện, khi đi du lịch như ba lô, túi xách, valy... và tập trung vào nhóm khách hàng là dân văn phòng, những người thích đi du lịch ở TP. HCM.

Tính đến nay, đã có 4 cửa hàng Mia.vn đi vào hoạt động, diện tích cửa hàng nhỏ nhất là 60 m2 và lớn nhất là 140 m2. Hiện có 2.000 sản phẩm chính hãng của các hãng như Targus, Sakos, Simplercarry, Seliux, Echolac, Elle, Lowpro… được bán ở Mia.vn.

CEO Trần Anh Tuấn
CEO Trần Anh Tuấn

Tới đây, trong năm 2016 này, ông chủ sinh năm 1985 của Mia.vn đang đặt mục mở thêm 6 cửa hàng ở khu vực TP.HCM, đồng thời sẽ hợp tác kinh doanh với từ 3 đến 4 nhãn hàng độc quyền để có thể đưa 3 thương hiệu ba lô do Công ty hợp tác với đối tác trong nước hoặc nước ngoài vào chuỗi cửa hàng Mia.vn.

Cùng với Mia.vn, Trần Anh Tuấn đang điều hàng 4 cửa hàng balohanghieu.com, chuyên kinh doanh mặt hàng ba lô chính hãng các loại. Bình quân một tháng, hệ thống xử lý từ 3.000 đến 4.000 đơn hàng thành công. Các tháng có chương trình khuyến mãi hoặc cận Tết, đơn hàng vượt con số 5.000.

Nói về các con số này, nhiều lúc Trần Anh Tuấn vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng vì “đã có lúc không dám nghĩ sẽ phát triển như hiện nay”.

Trần Anh Tuấn bắt đầu kinh doanh từ năm 2010, khi đang theo học ngành Kỹ sư công trình ở Đại học Văn Lang (TP.HCM). Vốn thích đi du lịch, mê máy ảnh - hai sở thích đều tiêu tốn tiền - nên Tuấn bước vào kinh doanh trước hết để trang trải cuộc sống và thỏa mãn phần nào đam mê.

Các thương vụ đầu tiên rất đơn giản. Từ việc thiết kế mẫu thiệp Tết để bán rồi chuyển sang kinh doanh ba lô – phụ kiện không thể thiếu với dân mê xê dịch như Tuấn. Balohanghieu.com ra đời từ đó. Lúc đó, Tuấn kể, công việc chính là đi lấy lại các mẫu ba lô tồn kho của các công ty sản xuất hàng xuất khẩu rồi bán lại, hưởng phần chênh lệch.

Công việc kinh doanh ban đầu chỉ nhỏ lẻ, do vốn ít, nên một lần nhập 8-10 chiếc ba lô, rồi rao bán ở các diễn đàn rao vặt, mua bán. Cửa hàng là phòng trọ ở thuê ở đường Tôn Thất Tùng, Quận 1 (TP.HCM), trong đó quầy trưng bày là bộ ghế salon cũ đã sờn, rách. Hôm nào bận học, Tuấn nhờ mấy người bạn ở cùng bán hàng giùm.

“Lúc đó, không có tiền để nhập hàng nên tôi thường lấy tiền học phí đi lấy hàng. Cũng phải làm đơn với nhà trường để xin đóng vào cuối học kỳ. Đây chính là động lực khiến tôi phải bán được hàng bằng mọi giá”, Tuấn cười và kể lại những ngày đầu bước chân vào thị trường kinh doanh.

Thực ra, ngay thời điểm đó, những cửa hàng kinh doanh mặt hàng như Tuấn chọn cũng không ít nên việc người mới đặt chân được là rất khó. “Phải làm sao để khách hàng nhận ra được tôi. Lúc đó, tôi nghĩ, họ sẽ nhớ nếu hàng của tôi tốt và tôi cũng tốt”, Trần Anh Tuấn nói.

Cách chứng minh “tôi tốt” được Tuấn chọn là bảo hành trọn đời các sản phẩm do cửa hàng bán ra, cho phép đổi trả trong vòng 365 ngày. Thậm chí, khách mua sản phẩm ba lô ở chỗ khác bị bung chỉ, hư khóa đem đến anh vẫn nhận sửa miễn phí. Tiếng lành đồn xa… Bản thân Trần Anh Tuấn cũng bắt đầu nghiện… nghề của mình.

Chọn thị trường ngách của ngách…

Lúc đầu, Trần Anh Tuấn chọn kinh doanh ba lô vì lý do đơn giản là vốn nhỏ, thị trường ngách nên ít bị cạnh tranh. Nhưng vào cuộc mới thấy thị trường ngách này không hề… ngách.

Vì ba lô rất đa dạng, phục vụ các nhu cầu rất khác nhau. Người thích chụp ảnh sẽ sử dụng ba lô khác với người thích đi bộ hay đi xe đạp. Người kinh doanh mặt hàng này phải tìm được đúng thị hiếu của từng tập khách hàng. Hơn thế, Tuấn phát hiện ra thị trường đang thiếu một chỉ thể định hướng tiêu dùng cho khách hàng một cách bài bản, nhất là khi khách hàng đang có xu hướng muốn thể hiện sự hiểu biết và chuyên nghiệp của mình tương ứng với các thú vui.

Vậy là, balohanghieu.com và Mia.vn ra đời để giải quyết các vấn đề mà người sáng lập đã nảy ra.

Thời điểm đó, năm 2014, khi Mia.vn ra đời với dải sản phẩm rộng hơn, phủ ra các mặt hàng phục vụ người đi du lịch, đã có nhiều công ty tham gia thị trường, tuy nhiên đa phần chọn mô hình đặt các cửa hàng trong các trung tâm thương mại.

Một lần nữa, Tuấn phải giải bài toán khác biệt. Mia.vn chọn các mặt bằng thuận tiện, có chỗ gửi xe cho khách hàng và giao hàng miễn phí trong nội thành với các đơn hàng trị giá hơn 400.000 đồng.

Điểm khác biệt thứ hai của Mia.vn là dải sản phẩm và mức giá đa dạng. Ở Mia.vn, khách hàng có thể mua chiếc valy giá từ 6 triệu đồng cho đến túi xách có giá chưa tới 300 ngàn đồng. Tất cả đều đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và bảo hành từ 2 đến 10 năm.

Khi được hỏi về độ lớn thị trường mà Mia.vn đang tham gia, Tuấn cho biết, chưa có con số chính xác, nhưng có thể dự đoán dựa vào lượng khách Việt Nam đi du lịch hằng năm. Theo thống kê của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam năm 2015, bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu khách hàng Việt Nam đi du lịch nước ngoài.

Cứ tính 5-10% trong số đó là khách hàng tiềm năng, tương đương 250.000 đến 500.000 khách hàng một năm. Đây là mặt hàng thời trang nên bình quân khoảng 2 năm, khách hàng sẽ có nhu cầu thay đổi sản phẩm mới. Tuấn cho biết, Mia.vn hiện chiếm chưa tới 10% thị phần, nghĩa là còn rất nhiều dư địa.

Dĩ nhiên đó chỉ là con số ước chừng, nhưng phần nào cho biết độ lớn thị trường Công ty đang theo đuổi. Quan trọng hơn, việc dự báo giúp Tuấn biết khi nào nên dừng đầu tư mở cửa hàng mới bởi nếu không, Công ty sẽ gặp khó khăn vì chi phí hàng tồn kho của mô hình Mia.vn thường khá cao.

Đây cũng là lời giải cho những đầu bài mới có thể phải đặt ra tới đây, khi thị trường Việt Nam không chỉ là nội địa của riêng doanh nghiệp Việt, mà là cả ASEAN, sau khi Cộng đồng ASEAN hình thành.

Tuy vậy, Tuấn cho rằng, Mia.vn sẽ ít bị ảnh hưởng bởi thị trường Công ty đang đi khá chuyên biệt. Thậm chí, cơ hội sẽ tốt hơn cho kế hoạch tiếp cận và hợp tác với nhiều thương hiệu nước ngoài nhằm đa dạng mặt hàng kinh doanh trong nước và cũng là cơ hội để các sản phẩm của Mia.vn xuất ra nước ngoài.

Bài học tiền tỷ

Tuấn bảo có hai cái may mắn khi bước ra kinh doanh. Một là, được đào tạo bài bản trong ngành mỹ thuật giúp anh nắm bắt kịp thời xu hướng thời trang của các sản phẩm mình đang kinh doanh.

Lợi thế này cũng giúp anh tiết kiệm được chi phí thiết kế thương hiệu khi mở chuỗi cửa hàng Mia.vn. Bởi, thương hiệu bắt mắt và cá tính là những yếu tố quan trọng hàng đầu để kéo khách hàng đến với các cửa hàng kinh doanh truyền thống.

“Đối với các đoạn đường ít cửa hàng nổi bật, chúng tôi thiết kế bảng hiệu Mia.vn với nền trắng, tông cam. Ngược lại, trên các đoạn đường đông đúc cửa hàng, vẫn giữ nguyên thiết kế của Mia.vn nhưng tôi dùng thêm bảng đen phía sau để làm nổi bật hơn”, Tuấn tiết lộ bí quyết để khách nhớ từ những chi tiết tưởng như rất nhỏ.

Hai là, trong suốt quá trình kinh doanh, quy mô và hoạt động kinh doanh của Công ty mở rộng từ từ, không có sự tăng trưởng đột biến nên anh có thể điều chỉnh kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Tất cả các kỹ năng đó, Tuấn kể, đều phải học qua sách vở, qua những người đi trước và học từ thị trường. “Tôi vẫn nhớ, sau hơn 5 năm khởi nghiệp, tôi bắt đầu biết và tìm đọc cuốn sách Tỷ phú bán giày, viết về câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông chủ hãng giày Zappos. Lúc đó, vì chỉ nghĩ là việc chăm sóc khách hàng tốt sẽ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp, nên tôi nghiên cứu rất kỹ các chương liên quan đến vần đề này. Nhưng, khi đến chương nói về văn hóa doanh nghiệp, tôi đóng sách lại. Cửa hàng lúc đó chỉ có mỗi mình và vài nhân viên thì cần gì phải có văn hóa”, Tuấn kể lại.

Mãi đến khi Trần Gia Anh bắt đầu tăng nhân sự, đến nay là 60 người, có nhiều phòng ban thì Tuấn mới tìm lại quyển sách và đọc tiếp chương đó. “Học để hiểu được tiền tỷ hay số không đều có giá của nó”, Tuấn giải thích.

Ông chủ sinh năm 1985 Trần Anh Tuấn vẫn đam mê kiến trúc, nhưng không có duyên để theo đuổi ngành này, nhưng lúc nào có dịp thể hiện, Tuấn cũng thể hiện hết mình. Nguyên tắc của ngành này, theo Tuấn, luôn phải đầu tư chuyên sâu nếu không sẽ tạo ra các sản phẩm không có chất lượng, làm mất mỹ quan xã hội.

Nhưng với nghiệp kinh doanh, Tuấn cho biết sẽ đi đến cùng để thỏa mãn đam mê vì anh xây công ty không phải để bán. “Tôi muốn tạo ra sự khác biệt với Mia.vn khi là mô hình chuỗi cửa hàng phụ kiện dành cho ngành du lịch đầu tiên ở TP. HCM”, Tuấn nói.

Doanh nhân Trần Trọng Tuyến, CEO DKT: Thay đổi hay là chết
Tâm huyết với việc kinh doanh trực tuyến nhưng thành công mà Trần Trọng Tuyến gặt hái lại đến từ việc cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư