Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Để hơn 560 tỷ đồng ngân sách không bị “vùi chôn” cùng đường nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Bài 1: Chỉ định thầu và sự thật năng lực tài chính
Ngô Nguyên - 25/03/2023 09:15
 
Chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương không đủ năng lực tài chính khiến dự án phải ngừng thi công.
Các sở, ngành TP.HCM cho rằng, cần sự trợ giúp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bởi Dự án đã “đứng hình”, sau khi ngân sách Thành phố đổ vào đây hơn 560 tỷ đồng, hàng chục doanh nghiệp, hộ dân đã phải di dời, mà nếu tiếp tục thì quy định pháp luật chưa có.

 Bài 1: Chỉ định thầu và sự thật năng lực tài chính  

UBND TP.HCM chỉ định thầu cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh làm chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức BOT. Hàng trăm tỷ đồng ngân sách đã chi bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng Dự án phải dừng vì chủ đầu tư không chứng minh được nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay.

Chỉ định thầu

Hồ sơ cho thấy, từ tháng 4/2015, UBND TP.HCM đã có Công văn số 2349/UBND-QLDA “chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) là nhà đầu tư thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức BOT”. UBND TP.HCM giao Sở Giao thông - Vận tải tổ chức thẩm định, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án...

Sau đó, căn cứ trên Quyết định phê duyệt dự án số 5079/QĐ-UBND ngày 13/10/2015 của UBND TP.HCM, báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất của Trung tâm Tư vấn đấu thầu và hỗ trợ đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), tờ trình của Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 và Báo cáo thẩm định số 4860/BCTĐ-SGTVT ngày 22/10/2015 của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM lúc bấy giờ đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư.

Trụ cầu kết nối nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt của Dự án nằm “trơ xương” tới giờ này
Trụ cầu kết nối nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt của Dự án nằm “trơ xương” tới giờ này

Theo đó, Dự án do Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư theo hình thức BOT, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương là doanh nghiệp dự án.

Theo thuyết minh dự án, độ dài toàn tuyến đường nối chỉ 2,7 km, lộ giới 60 m, thiết kế đường song hành mỗi bên rộng 14 m, khoảng cách ở giữa rộng hơn 30 m sẽ là cảnh quan. Công trình có hai nút giao thông tại hai đầu tuyến và hai cầu đường bộ trên tuyến đường.

UBND TP.HCM kỳ vọng, công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ kết nối được nhiều tuyến giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Tây Thành phố, như đường Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 1A, đường Kinh Dương Vương, nên sẽ “gom” và dẫn các loại xe cộ ra đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với khoảng cách ngắn nhất. Từ đó, giúp việc tỏa đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được nhanh hơn, góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực này, đặc biệt là giảm áp lực lên Quốc lộ 1A, cầu Bình Điền vốn đang quá tải trầm trọng. Đồng thời, Dự án cũng giúp hoàn chỉnh đồng bộ trục giao thông hiện đại, xuyên tâm TP.HCM là đại lộ Đông Tây được liên tục, thông suốt.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 2,9 km, đầu tư theo hình thức BOT, khởi công vào tháng 10/2015. Tháng 6/2018, Dự án dừng hoàn toàn khi mới đạt 12% phần khối lượng xây lắp (tương đương 140 tỷ đồng). Tháng 6/2021, UBND TP.HCM thông báo chấm dứt thực hiện trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký. Tháng 6/2022 UBND TP.HCM thông báo ngừng thực hiện Dự án.

Chính quyền TP.HCM lúc bấy giờ còn cho rằng, tuyến đường này nếu sớm đưa vào khai thác sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy hiệu quả đầu tư theo hình thức BOT, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế và giảm áp lực, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng. Dự án còn tạo tiền đề cho việc hình thành các khu dân cư mới hai bên đường, góp phần tạo cảnh quan đô thị, nâng chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực.

Không thể thu xếp vốn

Theo thỏa thuận Hợp đồng BOT, nhà đầu tư tự thu xếp vốn, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) gần 15%, vốn vay từ ngân hàng 85%. Khi làm xong công trình, Công ty Yên Khánh được đặt một trạm để thu phí hoàn vốn trong 17 năm 8 tháng. Còn Thành phố sẽ chi ngân sách bồi thường di dời, giải tỏa để giao đất sạch.

Báo cáo mới đây nhất của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho thấy, ngân sách TP.HCM đã chi ra hơn 560 tỷ đồng để bồi thường giải tỏa 250 trường hợp, bao gồm 5 doanh nghiệp, 106 hộ dân có nhà đất, 139 hộ có đất nông nghiệp để bàn giao được tỷ lệ mặt bằng sạch lên tới hơn 85% cho nhà đầu tư thi công.

Theo hợp đồng BOT, thời gian khởi công và hoàn thành giai đoạn I của Dự án là năm 2015-2017. Tuy nhiên, tới hạn, Dự án không những không hoàn thành đúng tiến độ, mà tiền nhà đầu tư chi ra chỉ đạt khoảng 140 tỷ đồng, tương đương 12% phần khối lượng xây lắp.

UBND TP.HCM đã cho nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án 90 ngày để khắc phục những vi phạm hợp đồng BOT đã ký.

Tháng 8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã kết luận điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty Yên Khánh (do Đinh Ngọc Hệ, còn gọi là “Út trọc” làm chủ). Theo công an cáo buộc, Công ty Yên Khánh không có vốn, không có cơ cấu tổ chức, nhân lực...; lập ra chỉ để ký hợp đồng liên doanh phục vụ mục đích cá nhân, kiếm lời. Đinh Ngọc Hệ và các cá nhân liên quan đang thụ án tù do các sai phạm liên quan.

Hết hạn, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM có văn bản đề nghị hai doanh nghiệp trên làm rõ, chứng minh về về khả năng thu xếp vốn để thực hiện tiếp hợp đồng dự án, cùng hồ sơ liên quan đến công tác thanh toán… Tuy nhiên, Công ty Yên Khánh không có văn bản kèm hồ sơ tài liệu đầy đủ để chứng minh việc khắc phục vi phạm hợp đồng BOT đã ký kết theo yêu cầu.

Tới tháng 9/2020, Sở Giao thông - Vận tải đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan, với sự tham dự của Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương. Tại cuộc họp, các thành viên thống nhất đề nghị nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án khẩn trương làm rõ, chứng minh năng lực tài chính, khả năng thực hiện tiếp dự án… và gửi kết quả về Sở Giao thông - Vận tải trong tháng 9/2020. Nhưng tới hết tháng 9/2020, cả nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án vẫn chưa có báo cáo theo yêu cầu.

Tới tháng 10/2020, Công ty Yên Khánh, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương xác nhận chưa thể cung cấp các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quan đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay, đảm bảo thực hiện hợp đồng theo đúng quy định pháp luật.

Trước thực tế đó, cơ quan chức năng đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ngành liên quan làm thủ tục chấm dứt trước hạn Hợp đồng BOT đã ký với Công ty Yên Khánh và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương hoặc phương án xử lý khác phù hợp theo quy định.

“Vớt vát” phút 89, nhưng…

Theo Sở giao thông - Vận tải TP.HCM, trong quá trình phối hợp rà soát, tổng hợp báo cáo để tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, thì bất ngờ nhận được tài liệu của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) - Chi nhánh TP.HCM cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh ngân hàng này là đại diện duy nhất có đủ thẩm quyền của Bên cho vay để thực hiện Điều 49, Hợp đồng BOT đã ký kết.

LienVietPostBank còn cung cấp tài liệu chứng minh năng lực của nhà đầu tư do Ngân hàng đề xuất tiếp nhận toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của Công ty Yên Khánh để tiếp tục thực hiện Dự án…

Tuy nhiên, LienVietPostBank lại chưa cung cấp được văn bản thỏa thuận giữa Ngân hàng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các bên liên quan về tiếp nhận Dự án.

Chưa hết, tới tháng 4/2021, Công ty Yên Khánh bỗng có Văn bản số 31/2021/CV-YK đề nghị được tiếp tục thực hiện Dự án, bởi đã thu xếp được nguồn vốn. Công ty Yên Khánh chỉ nêu các đối tác góp bổ sung phần vốn chủ sở hữu còn thiếu, mà không cung cấp hồ sơ năng lực của các đối tác cùng các thông tin quan trọng khác.

Dù vậy, với sự thống nhất của nhiều sở, ngành tại cuộc họp ngày 7/5/2021, TP.HCM đã cho nhà đầu tư thêm cơ hội khi đề nghị Công ty Yên Khánh, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư BOT TP.HCM - Trung Lương và LienVietPostBank khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ tài liệu và nội dung đề xuất theo yêu cầu, gửi về Sở Giao thông - Vận tải để có cơ sở tham mưu UBND TP.HCM.

Sau đó, LienVietPostBank cho biết là không tiếp tục tài trợ vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết do doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vi phạm hợp đồng tín dụng, công tác thi công đình trệ, kéo dài, nên đã ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu để trả nợ cho Ngân hàng.

LienVietPostBank cũng không tiếp tục đề xuất chỉ định nhà đầu tư mới như thông tin trước đó và không thực hiện quyền tiếp nhận dự án của Bên cho vay theo Hợp đồng BOT đã ký kết.

Còn Công ty Yên Khánh có văn bản báo cáo rằng, không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chức năng TP.HCM.

Tình thế trên khiến tới tháng 6/2021, UBND TP.HCM có Công văn số 2055/UBND-DA thông báo chấm dứt thực hiện trước thời hạn Hợp đồng BOT đã ký. Tới tháng 6/2022, UBND TP.HCM có thông báo ngừng thực hiện Dự án.

Thế là hơn 560 tỷ đồng ngân sách bồi thường để di dời hàng chục doanh nghiệp, hộ dân cùng Dự án Đầu tư xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt tới cao tốc TP.HCM - Trung Lương “vùi chôn” từ đó tới nay.

(Còn tiếp)

Lại “đáo tụng đình” vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương
Tranh chấp vẫn chưa dứt sau gần 3 năm kết thúc Hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giữa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư