Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp cao tốc tỷ đô mong được "cởi trói" cơ chế để tăng lực
Anh Minh - 29/07/2016 15:11
 
Việc tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá nhưng vẫn duy trì vai trò chủ đạo của Nhà nước trong quá trình phát triển mở rộng hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.
 Ngày 15.7.2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tiến độ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và chỉ đạo  trong thời gian tới Đà Nẵng, Quảng Nam cần quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công triển khai thực hiện Dự án.
Ngày 15/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra tiến độ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và chỉ đạo trong thời gian tới Đà Nẵng, Quảng Nam cần quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, cho đến thời điểm này, việc hạch toán tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng vẫn còn phải chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Sớm tăng vốn cho VEC

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chậm trễ trong điều chỉnh vốn điều lệ khiến tiến trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá VEC bị ảnh hưởng và gây khó khăn cho quá trình triển khai các dự án đầu tư phát triển đường cao tốc cấp bách khác, trong đó có dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng.

Trước đó, theo đề xuất của VEC, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản để nghị Bộ Tải chính ghi tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty lên 36.104 tỷ đồng và sẽ được phản ánh trong báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/22015. Trong số này có 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ hiện tại và 35.104 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước đã đầu từ vào 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư.

Về bản chất, Nhà nước không phải bỏ thêm tiền để nâng vốn điều lệ cho VEC mà đơn thuần là việc hạch toán lại các khoản kinh phí đã và đang đầu tư vào 5 tuyến đường cao tốc là Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành.

Đây là bước một trong lộ trình điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty lên 72.602 tỷ đồng kéo dài 3 năm, bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2019 – đưa VEC trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất Việt Nam.

Cần phải nói thêm rằng, khác với các tổng công ty nhà nước thuộc Bộ GTVT, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hoá VEC gắn liền với việc tái cơ cấu các dự án do đơn vị này được giao huy động vốn, đầu tư.

Hiện nay VEC đang thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý khai thác 5 tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài 539 km với tổng nguồn vốn huy động là 125.572 tỷ đồng, tương đương khoảng 6 tỷ USD; trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 71.555 tỷ đồng (57%), số còn lại VEC tự huy động. Việc VEC huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, tổ chức khai thác, thu hồi vốn đã phần nào làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Đây là lý do khiến VEC đã chủ động xây dựng phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo hài hòa các mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.

Theo Quyết định số 2072 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, Nhà nước sẽ đầu tư trực tiếp vào 5 dự án với số tiền là 71.602 tỷ đồng và hạch toán thành vốn điều lệ, trong đó, vốn vay ODA là 50.726 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước là 20.876 tỷ đồng, số còn lại 53.970 tỷ đồng do VEC huy động và thu phí để hoàn vốn.

“Hiện VEC đang có vốn điều lệ là 1.018,7 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 53 lần. Do vậy việc tăng vốn điều lệ cho VEC là cần thiết để đảm bảo an toàn tài chính, tạo thuận lợi cho việc huy động vốn cho các dự án đường cao tốc khác trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thống nhất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, hướng tái cơ cấu VEC được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn cũng là phương thức đầu tư phổ biến tại các quốc gia trong khu vực.

Cụ thể, tại Hàn Quốc, Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) là Tổng công ty Nhà nước, được sự ủy quyền của Bộ Đất đai, Hạ tầng, giao thông Hàn Quốc để đầu tư và quản lý khai thác mạng lưới đường cao tốc quốc gia. Mô hình tổ chức ban đầu của KEC là công ty 100% vốn nhà nước. Đến năm 2008, khi thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu thì hình thức huy động vốn để đầu tư làm đường cao tốc của KEC đã chuyển đổi theo nguyên tắc 50-50, trong đó nguồn vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào các tuyến đường cao tốc của KEC chiếm 50%, KEC sẽ đảm nhận huy động 50% vốn còn lại dưới nhiều hình thức như phát hành trái phiếu, đi vay,... và có nghĩa vụ trả nợ đối với phần vốn này. Bên cạnh đó, phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào các tuyến đường cao tốc của KEC sẽ chuyển thành vốn điều lệ và tăng dần theo quy mô phát triển mạng lưới đường cao tốc của KEC. Vốn điều lệ của KEC khi mới thành lập là 50 tỷ Won, cho đến nay đã lên đến 30.000 tỷ Won (tương đương khoảng 30 tỷ USD).

Đối với Nhật Bản, Tổng công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (JHPC) là Tổng công ty 100% vốn nhà nước; đến năm 2005, JHPC thực hiện cổ phần hóa, phân tách thành NEXCO – Công ty cổ phần 100% vốn nhà nước – đảm nhận việc huy động vốn, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống đường cao tốc và JEHDRA – Cơ quan nhà nước sở hữu tài sản và nhận nợ đường cao tốc – đảm nhận việc quản lý tài sản các tuyến đường cao tốc trong đó NEXCO được JEHDRA là một cơ quan nhà nước bảo lãnh cho việc huy động vốn xây dựng đường cao tốc cũng như nhận lại các khoản nợ do NEXCO huy động.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC đầu tư hiện đã phục vụ hơn 29 triệu lượt phương tiện
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC đầu tư hiện đã phục vụ hơn 29 triệu lượt phương tiện

VEC tự cân đối được dòng tiền

Cùng với việc điều chỉnh vốn điều lệ, quá trình tái cơ cấu VEC còn gắn với một điều kiện tiên quyết nữa đó là doanh nghiệp đầu tư này được phép hòa chung dòng tiền các dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác.

Cụ thể, VEC kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép VEC được chủ động sử dụng nguồn thu từ công trình có hiệu quả tài chính cao bù đắp cho công trình có hiệu quả tài chính thấp nhằm đảm bảo trạng thái cân bằng về dòng tiền trong suốt dòng đời các dự án.

Với việc đề xuất này vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VEC đã đứng trước cơ hội tự cân đối được 30.360 tỷ đồng từ dòng tiền tiền từ 3 dự án khác cho phần hụt dòng tiền của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai.

Cần phải nói thêm rằng, sau khi cập nhật lại số liệu tài chính, mức thiếu hụt dòng tiền tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (từ năm 2022 – 2038) và Nội Bài – Lào Cai (2025 – 2030) là 22.050 tỷ đồng; giảm 8.837 tỷ đồng so với tính toán được đưa ra hồi cuối tháng 12/2014.

“Lưu lượng xe và doanh thu phí tại 3 tuyến đường đang khai thác là Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai và đặc biệt là Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây đều vượt xa dự tính trước đó đã cải thiện đáng kể dòng tiền của Tổng công ty”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC cho biết.  Phần thiếu hụt còn lại sau khi tổng hợp dòng tiền 5 dự án là 1.690 tỷ đồng sẽ được thu xếp từ nguồn phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay ngân hàng.

Được biết, việc được phép “bù chéo” dòng tiền các dự án không chỉ giúp VEC hoạt động đúng bản chất một doanh nghiệp mà còn gỡ gánh nặng cho nhà nước khi không phải bù đắp hơn 1 tỷ USD cho dòng tiền bị thiếu tại 2 công trình trọng điểm quốc gia nói trên.

Bên cạnh đó, hiện VEC đang được áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, do Thủ tướng ban hành từ năm 2007, như: Ðược vay lại vốn ODA của Chính phủ; vốn phát hành trái phiếu Chính phủ; được phát hành trái phiếu công trình trong nước và quốc tế, do Chính phủ bảo lãnh; vay vốn tín dụng; tự quyết định mức thu phí; được ngân sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng...

Theo lãnh đạo VEC, những biện pháp nêu trên là tiền đề hết sức quan trọng để nâng cao năng lực tài chính cho VEC, đáp ứng yêu cầu của Luật Quản lý nợ công, lành mạnh hóa và đảm bảo cơ cấu tài chính hợp lý cho sự phát triển bền vững của VEC.

“Việc cởi trói cơ chế cho VEC theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp huy động được tối đa các nguồn vốn để đầu tư các dự án xây dựng đường cao tốc mới..., góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu hơn 2.000 km đường cao tốc vào năm 2020 của toàn ngành GTVT”, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết.

Trong gần 12 năm kể từ khi được thành lập, VEC đã hoàn thành đưa vào khai thác 350 km đường cao tốc, chiếm khoảng 52,6% đường cao tốc toàn quốc. Tới nay, các dự án này đã phục vụ trên 62 triệu lượt phương tiện. Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phục vụ hơn 29 triệu lượt phương tiện, cao tốc Nội Bài - Lào Cai trên 11 triệu lượt phương tiện, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây 22 triệu lượt phương tiện; giúp tiết giảm chi phí vận tải cho xã hội 15-30% so với khi chưa có cao tốc.

Dự kiến cuối năm 2017, VEC tiếp tục đưa vào khai thác 131 km thuộc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và năm 2019 đưa vào khai thác 58km thuộc tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành.

VEC giảm phí cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn Quốc lộ 51 – Dầu Giây
Bắt đầu từ ngày 1/8/2016, VEC sẽ giảm phí cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn Quốc lộ 51 – Dầu Giây cho các xe tải từ loại 4 trở lên.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư