Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp trong kinh tế thị trường
GS - TSKH Nguyễn Mại - 02/08/2017 13:10
 
Qua hơn 30 năm chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, đã diễn ra quá trình thay đổi to lớn trong việc phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam.
Vinamilk, một doanh nghiệp nhà nước có mức tăng trưởng nhanh chóng, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế
Vinamilk, một doanh nghiệp nhà nước có mức tăng trưởng nhanh chóng, có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế

Từ chỗ nền kinh tế dựa chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, HTX tiểu thủ công nghiệp, HTX mua bán, hiện nay nước ta đã có trên 620.000 doanh nghiệp tư nhân, hơn 20.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phần lớn doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chủ yếu là những tập đoàn lớn.

Nghị quyết IV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) nhận định: “Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Hầu hết các loại giá hàng hoá, dịch vụ được xác lập theo cơ chế thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bảo đảm hơn”.

Nghị quyết cũng chỉ ra nhược điểm: “Hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận một số nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. Cải cách hành chính còn chậm. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ. Quyền sở hữu tài sản chưa được bảo đảm thực thi nghiêm minh”.

Khắc phục những nhược điểm trên đây sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp ở nước ta.

-I-

Đã có thời kỳ dư luận xã hội kỳ thị kinh tế tư nhân, chỉ coi trọng kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Hiện nay thì ngược lại, không ít người gắn kinh tế quốc doanh với kinh doanh kém hiệu quả, đề cao kinh tế tư nhân như là cứu cánh của sự phát triển. Dù thiên kiến bên nào thì cũng lệch lạc, dẫn đến các chủ trương chính sách không thích hợp, cản trở hoạt động của các khu vực kinh tế trong nền kinh tế quốc dân.

Doanh nghiệp nhà nước có Vinashin, Vinalines là điển hình của tình trạng lãng phí, tham nhũng, kém hiệu quả, nhưng cũng có Viettel, Vinamilk đã tăng trưởng nhanh chóng, là hai thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.

Doanh nghiệp tư nhân có Vingroup, Sungroup, hai tập đoàn kinh tế hoạt động thành công trong nhiều ngành và lĩnh vực, được người tiêu dùng tín nhiệm.

Vì thế, không thể và không nên đánh giá tầm quan trọng của doanh nghiệp dựa trên quyền sở hữu vốn kinh doanh, mà phải dựa trên hai tiêu chí:

Thứ nhất là hiệu quả kinh tế - xã hội. Trừ một số ít doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp xã hội kinh doanh không vụ lợi, thì lợi nhuận là mục đích quan trọng nhất của doanh nghiệp, vì động cơ sinh lợi đã kích thích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích lũy vốn mở rộng quy mô và thị trường. Đất nước cần nhiều doanh nghiệp với quy mô ngày càng lớn, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, của quốc gia trong từng giai đoạn phát triển.

Thứ hai là cơ chế thị trường. Doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường sinh thái thuận lợi, tự do cạnh tranh với hành lang pháp lý ổn định, công khai, minh bạch; được đối xử bình đẳng trong việc tiếp cận thị trường, cơ hội đầu tư và kinh doanh, nguồn lực tài chính, tín dụng.  Nhà nước quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho kinh doanh của doanh nghiệp, can thiệp khi cần thiết để tránh tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh làm méo mó quan hệ thị trường.

Hai tiêu chí đó là cơ sở để hình thành hệ thống đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của mọi loại hình doanh nghiệp, từ đó Nhà nước đề ra chính sách và định hướng phát triển doanh nghiệp hướng đến mục tiêu kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

-II-

Bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội, chứ không phải căn cứ vào chủ sở hữu, quy mô doanh nghiệp là nhân tố quan trọng để sử dụng nguồn lực (luôn có hạn) vào những dự án và công việc có lợi cho sự phát triển đất nước.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp thật sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Hiện nay, việc tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn đầu tư công, tín dụng ngân hàng, các quỹ đầu tư chưa bảo đảm sự công bằng và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Thực trạng đó thể hiện qua các vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp cận đất đai. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì, “năm 2016, tình hình sử dụng đất theo đánh giá của doanh nghiệp trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết... rủi ro bị thu hồi đất cao kỷ lục”. Trong khi một số doanh nghiệp lớn được cấp khá dễ hàng chục héc-ta đất, nhưng không hoặc chậm triển khai, gây lãng phí nghiêm trọng, nhưng chậm xử lý, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) gặp khó khăn trong việc làm thủ tục để được sử dụng một vài ngàn mét vuông đất.

Thứ hai, tiếp cận nguồn lực tài chính đối với SMEs rất khó khăn, nhiều cơ hội bị bỏ lỡ do thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đã xảy ra tình trạng đầu tư không có hiệu quả, lãng phí nghiêm trọng hàng trăm ngàn tỷ đồng của các dự án thuộc một số tập đoàn kinh tế nhà nước như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực; nhiều dự án BOT về giao thông đã tăng vốn gấp đôi so với dự toán, làm cho chi phí xây dựng 1 km đường bộ cao tốc ở nước ta gấp hai đến ba lần so với một số nước, sau khi kiểm toán đã điều chỉnh rút bớt thời gian hoàn vốn hàng chục năm.

Thứ ba, tiếp cận tín dụng ngân hàng mặc dù đã được một vài ngân hàng thương mại đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho SMEs, nhưng chỉ khoảng 25 - 30% tăng trưởng tín dụng hàng năm được dành cho các doanh nghiệp này, do điều kiện tiếp cận tín dụng khá khó khăn, nhất là thế chấp bằng bất động sản, trong khi ở nhiều nước đã thực hiện phổ biến thế chấp bằng động sản, chứng từ có giá.

Thứ tư, tiếp cận các quỹ hỗ trợ của Nhà nước gặp không ít rào cản từ thể chế, luật pháp. Vài năm gần đây, Chính phủ đã thành lập một số quỹ hỗ trợ về đổi mới công nghệ, hỗ trợ SMEs, nhiều địa phương đề ra chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với doanh nghiệp. Tuy vậy, theo Nhóm nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế (thuộc Đại học Quốc gia) thì hoạt động của các quỹ hỗ trợ  ít có tác dụng. Điển hình là Quỹ Đổi mới công nghệ (NATIF) được thành lập theo Quyết định 1342 QĐ - TTg ngày 5/8/2011, nhưng đến năm 2015 mới bắt đầu hoạt động, đến tháng 3/2017 mới ký được 3 hợp đồng tài trợ, nhưng chưa thực hiện. Giám đốc NATIF cho biết, khó khăn của Quỹ là chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu... không phù hợp với cơ chế hoạt động của Quỹ, nên rất khó triển khai.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp thật sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trên cơ sở đó thực thi nghiêm chỉnh thể chế bằng bộ máy và đội ngũ công chức chuyên nghiệp, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.

-III-

Nhà nước đã có định hướng và chính sách phát triển đối với từng loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Việc thực hiện cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai trong hơn hai thập niên, đang ở vào giai đoạn cuối để định hình khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Với doanh nghiệp tư nhân, Nghị quyết IV, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII)  đã khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Nghị quyết đã đề ra hệ thống quan điểm và giải pháp phát triển kinh tế tư nhân nhằm mục tiêu đến năm 2030, nước ta có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 60 - 65% GDP.

Với doanh nghiệp FDI, năm nay tròn 30 năm Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (29/12/1987), cần tiến hành tổng kết đánh giá thành tựu to lớn và vấn đề nảy sinh. Trong ba thập niên, trong đó có 12 năm chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, từ 1997 đến 2004 và từ 2008 đến 2011, nên FDI sụt giảm, nhưng nhìn tổng quát thì FDI là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nước ta, hiện đang chiếm 20% tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp 20% GDP, khoảng 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 72% kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động dịch vụ, trong đó có đội ngũ các nhà quản trị, công nghệ, kinh tế và công nhân lành nghề. Tuy vậy, đã nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường sinh thái, chuyển giá, trốn, lậu thuế, tranh chấp lao động.

Trong điều kiện đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, tình hình đầu tư của thế giới đang chuyển biến có lợi cho Việt Nam thì Chính phủ cần dựa trên kinh nghiệm thực tế để đề ra định hướng mới thu hút FDI theo hướng hiệu quả, bền vững, tiếp cận với công nghệ và dịch vụ tương lai của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Một vấn đề có tính thời sự là tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt Nam trong từng ngành hàng tham gia có hiệu quả hơn chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước hình thành thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, để tác động lan tỏa của khu vực FDI ngày càng lớn hơn.

Việc hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm do phân công và hợp tác giữa các tập đoàn kinh tế trong nước với SMEs, như mô hình Vingroup đã hình thành, cần được khuyến khích phát triển để tạo nên năng lực cạnh tranh lớn hơn trên thị trường trong nước, khi rào cản thuế quan và phi thuế quan đã được dỡ bỏ, đồng thời tham gia thị trường thế giới có hiệu quả hơn khi nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Mặc dù còn phải đương đầu với những thách thức lớn do tác động của tình hình chính trị và kinh tế thế giới, do chính những yếu kém của doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước, nhưng theo điều tra của VCCI thì năm 2016 có 65% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, mức cao nhất trong 5 năm gần đây, gần một nửa doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô trong hai năm tiếp theo.

Có thể hình dung rằng, hầu như bài toán phát triển doanh nghiệp hoặc đã có, hoặc sẽ tìm được lời giải. Hành động nhanh của bộ máy công chức nhà nước và các nhà quản trị doanh nghiệp để tranh thủ giai đoạn thuận lợi của đất nước là nhân tố quyết định của việc thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và 2030.

Ý kiến - Nhận định:

"Chúng tôi cần một môi trường kinh doanh không rào cản”
Ông Phạm Văn Tam Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo

Nhìn lại sự phát triển của xã hội những năm qua, sự đóng góp của kinh tế tư nhân không hề nhỏ và Việt Nam cũng đã có những tỷ phú tự thân, thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động giao thương trong khu vực và quốc tế.

Tôi kiến nghị với Chính phủ, cùng với hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nói chung, cần có cơ chế khuyến khích cụ thể.

Là một doanh nghiệp tư nhân đang phát triển, tôi cần một môi trường kinh doanh không rào cản, không có can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường.

"Có nền móng vững vàng, các doanh nghiệp mới sẵn sàng ra đời mà không ngại rủi ro"
Ông Hoàng Tiễn, đồng sáng lập Coffee Bike

Thật vui khi tinh thần quốc gia khởi nghiệp đã lan tỏa đến nhiều thành phần trong xã hội, nhiều tỉnh, thành phố, huyện, xã khắp cả nước. Tôi tin sẽ có thêm nhiều dự án và doanh nghiệp ra đời mới hơn.

Tuy nhiên, một ngôi nhà lớn cần được xây dựng trên một nền móng vững chắc. Nền móng ấy là cơ chế pháp lý, là sự hậu thuẫn dành cho sáng tạo và phát triển và cả sự bảo vệ pháp lý. Chỉ khi có nền móng vững vàng, các doanh nghiệp mới sẵn sàng ra đời mà không sợ rủi ro.

Người Việt muốn kinh tế thị trường, nhưng vẫn thích nhà nước “ôm ấp”
Gần 90% người dân tham gia cuộc khảo sát của VCCI mới đây cho rằng, kinh tế thị trường là ưu việt nhưng có tới 75% người ủng hộ bình ổn giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư