Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Giải pháp tổng lực đưa nền kinh tế bật dậy nhanh
Hà Nguyễn - 13/04/2020 14:36
 
Một bộ giải pháp, bao gồm cả giải pháp trước mắt, cấp bách và lâu dài đang được Chính phủ xây dựng và hành động, để nền kinh tế có thể bật dậy nhanh sau đại dịch Covid-19.
Cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc. Ảnh: Đức Thanh
Cần hình thành sớm các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc. Ảnh: Đức Thanh

Tất cả đang hành động

Sự quyết liệt nhìn thấy rõ từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Quý I, chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm”, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ tâm tư khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương được tổ chức vào cuối tuần qua.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn. Theo đó, trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%”.

Không chỉ là tăng trưởng kinh tế, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng có nguy cơ bị tác động mạnh. Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4%, nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng...

Tình thế cấp bách đến nỗi, Thủ tướng sốt ruột nói: “Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, bị âm trong phát triển”.

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi nhiều nền kinh tế trên toàn cầu cũng đã được dự báo tăng trưởng âm trong năm nay. Ngay cả kinh tế Việt Nam, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý IV/2020, tăng trưởng âm cũng là một nguy cơ.

Bởi thế, dường như cả hệ thống chính trị đang huy động “tổng lực” để vực dậy nền kinh tế. Một bộ giải pháp, gồm cả giải pháp trước mắt, cấp bách và lâu dài đang được Chính phủ xây dựng và hành động, để nền kinh tế có thể bật dậy nhanh sau đại dịch Covid-19.

Cùng với việc thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ban hành kèm theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, giao thông - vận tải… đã thực hiện một loạt giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn, giãn hoãn các khoản nộp thuế, giảm giá điện, xăng dầu…, với tổng giá trị quy đổi khoảng 330.000 tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 7/4/2020 cho phép gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Đồng thời, Chính phủ đã công bố gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Nhưng con số sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Một gói chính sách tổng thể hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với Covid-19 đang được xây dựng. Theo kế hoạch, có thể trong tuần tới, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Theo đó, gói hỗ trợ sẽ không chỉ là 14 tỷ USD, mà có thể lên tới 22 tỷ USD. 3 nhóm giải pháp và 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… đã được dự thảo.

Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ có đủ nguồn vốn có lãi suất thấp hơn. Bộ Công thương sẽ tìm giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua cú sốc cầu và sốc cung. Ngành nông nghiệp cam kết, trong bối cảnh thị trường biến động khôn lường, sẽ giúp người dân, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao nhất có thể…

Tất cả đang hành động vì nền kinh tế!

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Để vực dậy nền kinh tế nhanh nhất trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu. Đây là giải pháp trong tầm tay, có thể thực hiện được ngay mà không cần chờ đợi dịch bệnh được khống chế ở Việt Nam, cũng như trên toàn cầu. Quan trọng hơn hết là nguồn lực cũng đã có sẵn trong tay.

Con số 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, bao gồm số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ nhắc đến như một “nỗi sốt ruột lớn”. Đã nhiều năm nay, Thủ tướng luôn sốt ruột khi giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ. Năm nay, trong bối cảnh gần như tất cả các ngành, lĩnh vực đang bị đình trệ bởi Covid-19, trách nhiệm “gánh” tăng trưởng kinh tế của đầu tư công càng trở nên nặng nề.

“Phải giải ngân hết số vốn này trong năm nay và không để dồn vào cuối năm. Phải kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương không chịu thúc đẩy giải ngân. Nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng và cấp bách, khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp liên quan đến vấn đề này.

Trong đó, ngoài việc tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thì sẽ nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, đảm bảo tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển…

Ngoài các giải pháp trên, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (8 dự án) từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sang đầu tư công; cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (kèm theo cắt giảm 05% so với dự toán) khi triển khai thực hiện để đẩy mạnh đầu tư công nhằm giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Đồng thời, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khẩn trương thực hiện các dự án đường lăn và cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo quy định dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và dự án đầu tư xây dựng có tính cấp bách của Luật Xây dựng; hoàn thành các thủ tục đầu tư, đảm bảo khởi công trong tháng 8-9/2020 các dự án cao tốc Bắc - Nam ngay sau khi được Quốc hội chấp thuận.

“Trong trường hợp đặc biệt, cấp bách, chúng ta chấp nhận chuyển dự án đầu tư theo hình thức PPP thành đầu tư công và ngược lại”, Thủ tướng nói.

Thấu hiểu nỗi lo của Thủ tướng, các địa phương cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thậm chí, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Hà Nội sẽ thành lập tổ đặc nhiệm rà soát điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

“Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẩn trương xây dựng kịch bản vực dậy nền kinh tế

Dù đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, song các bước chuẩn bị cho hậu Covid-19 đã bắt đầu được tính tới. Một lần nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện vai trò tiên phong của mình. Không chỉ kịp thời đề xuất các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, Bộ đã kiến nghị Chính phủ việc phải chủ động xây dựng kịch bản quốc gia để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Để vực dậy nền kinh tế nhanh nhất trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp hữu hiệu.

“Đại dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Do đó, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, sự thay đổi cấu trúc của kinh tế toàn cầu.

“Cần hình thành sớm các kịch bản ‘vực dậy’ nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát. Đánh giá cao đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “khẩn trương xây dựng kịch bản để vực dậy nhanh nền kinh tế”. Thậm chí, theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc này phải được thực hiện “ngay trong tuần sau”.

Trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những bước chuẩn bị ban đầu cho việc xây dựng kịch bản này, bao gồm các cơ chế, chính sách thực hiện trong cả 3 giai đoạn: trong thời điểm xảy ra dịch, chuẩn bị kết thúc dịch và khi dịch đã đi qua.

Một khi cả các giải pháp trước mắt, cấp bách và lâu dài được xây dựng đúng, trúng và triển khai hiệu quả trong thực tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng được vực dậy.

Thủ tướng: Khẩn trương xây dựng kịch bản để vực dậy nhanh nền kinh tế
Cho rằng tăng trưởng GDP quý I 3,82% tuy đáng khích lệ nhưng “thấp quá”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư